Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Dù gặp đại dịch, TP.HCM vẫn phải giữ vai trò đầu tàu kinh tế
TP.HCM cần phải tính toán phương án, làm sao giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, cũng như vị thế của mình trong mối tương quan giữa các thành phố khác trong khu vực và cả thế giới.
Sáng 16/10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025” nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của TP. Từ đó đưa ra các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM theo hướng bền vững, an toàn.
Chương trình có sự tham gia của Thường trực UBND TPHCM, lãnh đạo Văn phòng Thành Ủy, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn Hóa - Xã Hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, đại diện lãnh đạo các Sở thuộc Thành phố cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Toàn cảnh hội thảo khoa học tổ chức sáng 16/10
Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát
Mở đầu hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, TP.HCM đang gặp phải rất nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Tiến hành song song công tác phòng chống dịch và đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội là việc làm rất khó.
Vì vậy, UBND TP.HCM phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển TP đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nhiều lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu khôi phục kinh tế đến năm 2025. TP.HCM cần phải tính toán phương án làm sao giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, cũng như vị thế của mình trong mối tương quan giữa các thành phố khác trong khu vực và thế giới.
“Tôi mong rằng, trong bối cảnh tác động của đại dịch với nhiều chuyển biến trong nước và thế giới, thời gian sắp tới, TP.HCM sẽ luôn nhận được sự đồng hành của các nhà khoa học, các chuyên gia để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đã đặt ra, tận dụng phát huy những lợi thế trong trạng thái bình thường mới. Cố gắng đến hết tháng 12 sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để trình hội đồng nhân dân”, ông Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 4 nội dung gồm lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khoẻ cộng đồng; văn hoá - giáo dục, xã hội. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn. Thứ nhất là vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với COVID-19. Thứ hai, các tham luận đề cập đến tính cấp thiết tăng cường năng lực y tế cơ sở, trong đó vai trò mạng lưới bác sĩ gia đình là một điển hình. Vấn đề thứ ba với nội dung xác lập đối tượng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho ba đối tượng, gồm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế tại TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - ĐH Y dược TP.HCM, muốn phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh hiện nay thì phải chấp nhận sống chung với đại dịch COVID-19 một cách an toàn. Phải sớm đạt miễn dịch cộng đồng, giáo dục người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, gia tăng tốc độ phủ vaccine đồng thời duy trì công tác kiểm soát dịch tễ.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – ĐH Kinh tế Luật cung cấp các số liệu kinh tế trong giai đoạn giãn cách, đáng chú ý chỉ số tăng trưởng trong 8 tháng giảm rất sâu, chiếm đến 35% so với trước khi đại dịch xảy ra. Sang đến tháng 9, mức độ hồi phục vẫn chưa đạt 50% so với cùng kỳ. Nếu để tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, cần khẩn cấp triển khai ngay các chính sách kích cầu nền kinh tế.
Đánh giá về lực lượng lao động, ông Khánh cho biết, từ tháng 5 đến nay, tình trạng người lao động mất việc hoặc chấp nhận làm việc không lương rất lớn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ hồi phục kinh tế. Khả năng sau Tết nguyên đán, lực lượng lao động bỏ về quê khi đại dịch bùng phát mới quay trở lại TP.HCM.
Để khôi phục nền kinh tế, đại diện ĐH Kinh tế Luật kỳ vọng TP.HCM sẽ gia tăng nhiều nguồn lực để hỗ trợ tăng tốc phục hồi. Cần nghiên cứu chính sách phát hành trái phiếu Chính phủ rồi chuyển về TP để thu hút sự quan tâm của các tổ chức lớn. Đấu giá các tài sản công để nhanh chóng có nguồn vốn lớn, đồng thời cải thiện tốc độ và hạn chế sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách của thành phố.
Kiên định không đóng cửa trở lại và chấp nhận sống chung với đại dịch
Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học FullBright cho rằng, kinh tế toàn cầu cũng sẽ phục hồi vì hiện nay, nhiều nước nghèo khi đã có lượng phủ vaccine lớn đã mở cửa kinh tế, kiên định không đóng cửa trở lại và chấp nhận sống chung với đại dịch. Đối với TP.HCM, để phục hồi kinh tế cần phải đẩy mạnh đầu tư công, tập trung cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xem xét để hạ tình trạng cấp độ dịch, đi đầu trong việc mở cửa các hoạt động kinh tế. Đối với du lịch, việc khẩn trương mở cửa lại nhà hàng, khách sạn sau khi dịch bệnh được kiểm soát là yếu tố rất quan trọng để khôi phục kinh tế TP.HCM nói riêng, góp phần phát triển kinh tế cả nước nói chung.
Theo TS.Trần Du lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính Phủ, người nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với các chính sách phát triển kinh tế của TP.HCM nhận định, an toàn sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất, sau đó dùng đầu tư công để kích tổng cầu, đặc biệt đẩy mạnh phát triển hạ tầng giai đoạn 2020 - 2030. Việc phối hợp với các địa phương để vận tải hàng hóa, đi lại từ nam ra bắc, giao thông tới các sân bay, cảng biển… phải thông suốt, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tạo cơ hội cho kinh tế của Thành phố phục hồi nhanh hơn.
TS.Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ
“TP.HCM cần thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Điều này liên quan đến sự điều hành chính sách tín dụng, lãi suất ngân hàng, chính sách thuế, thủ tục hành chính. Theo tôi, nếu những doanh nghiệp nào chống đỡ được đến thời điểm này thì phải cố gắng tồn tại để phục hồi, phát triển”, TS Du Lịch nhấn mạnh.
Ông đánh giá, nếu trong tháng 10 việc kiểm soát dịch tốt, 2 tháng cuối năm, thành phố có thể mở rộng hơn các hoạt động kinh tế để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có khả năng mở lại hoạt động sản xuất hoàn toàn, tổ chức mở rộng quy mô hoạt động. TP.HCM cần chương trình trung hạn trong 4 năm 2022-2025 để phục hồi kinh tế. Chương trình trung hạn này gồm nhiều nội dung, trong đó nội dung rất quan trọng là gói hỗ trợ về tài chính
Ngày 14/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, một số cục, vụ của...