Áp lực từ view và hệ lụy của nội dung độc hại trên mạng xã hội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, việc trở thành nhà sáng tạo nội dung đã trở thành lựa chọn hấp dẫn với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, trong hành trình theo đuổi sự nổi tiếng, không ít người đã sa vào việc tạo ra nội dung độc hại, nhằm thu hút lượng view bằng mọi giá.

Một ví dụ điển hình gần đây là vụ việc của TikToker “Nờ Ô Nô” (tên thật Phạm Đức Tuấn), người đã bị xử phạt hành chính sau những hành vi gây tranh cãi trên mạng. 

Phân tích này sẽ dựa trên quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hữu Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội và Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - Giảng viên Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, để làm rõ hiện trạng một bộ phận không nhỏ các nhà sáng tạo nội dung lựa chọn tạo ra những clip phản cảm, độc hại trên mạng xã hội và hệ quả của hành vi đó đối với đời sống văn hoá.

TikTok như “chợ trời”

Áp lực từ view và hệ lụy của nội dung độc hại trên mạng xã hội - 1

PGS.TS. Nguyễn Hữu Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Lộc nhận định, khát khao phải khác biệt, nổi bật trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy việc sản xuất nội dung không lành mạnh. 

Ông giải thích: "Khi người ta tham gia vào không gian mạng, họ thường phóng chiếu bản thân lên môi trường số, hướng tới việc tạo ra sự đặc biệt hóa. Nếu không làm được điều này, họ sẽ bị chìm lẫn trong một khối lượng nội dung khổng lồ”.

Điều này dẫn đến việc các nhà sáng tạo cảm thấy phải duy trì sự chú ý bằng mọi cách. Khi ý tưởng sáng tạo cạn kiệt, một số người tìm đến các "chiêu trò" để giữ chân khán giả. Trong trường hợp của TikToker “Nờ Ô Nô”, nội dung gây tranh cãi không chỉ vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà còn gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.

Với góc nhìn của mình, Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu bổ sung rằng, mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là nền tảng TikTok giống như "chợ trời" tự do, nơi nội dung tốt và xấu trộn lẫn. 

"Giống như một cái chợ lề đường, nơi không chỉ có hàng tốt mà còn tồn tại hàng giả, hàng nhái, thậm chí là độc hại. Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và kiểm soát nội dung", Tiến sĩ Hiếu nhận định. 

Áp lực từ view và hệ lụy của nội dung độc hại trên mạng xã hội - 2

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - Giảng viên Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Sức ép từ lượt xem và người theo dõi đã tạo nên một vòng lặp tiêu cực, nơi nhà sáng tạo buộc phải sản xuất nội dung gây chú ý để duy trì sự hiện diện và thu nhập. 

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Lộc, khi không có sự bồi dưỡng về kiến thức và chiều sâu, nhiều người rơi vào tình trạng "bào kiệt" ý tưởng và phải chuyển sang các nội dung rẻ tiền, độc hại.

Những nội dung này không chỉ làm suy giảm giá trị văn hóa mà còn ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, chính là nhóm người dùng dễ bị ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu cảnh báo rằng: "Khi các nội dung xấu lan truyền rộng rãi, nó không chỉ làm lệch lạc nhận thức mà còn tạo ra một thế hệ người dùng coi các hành vi lệch chuẩn là điều bình thường”.

Giải pháp quản lý và hướng đi bền vững cho nhà sáng tạo nội dung

Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu nhấn mạnh rằng việc xử phạt cần phải đi kèm với công khai thông tin: "Nếu một clip độc hại có thể lan truyền tới một triệu người, thì thông tin về việc xử phạt cũng cần tiếp cận tới số lượng người tương tự. Điều này giúp cộng đồng nhận thức rõ ràng rằng hành vi đó là sai trái”.

Công khai thông tin không chỉ có tác dụng răn đe mạnh mẽ, mà còn giúp giảm thiểu các trường hợp tương tự trong tương lai. Song song đó, Tiến sĩ Hiếu cũng cho rằng, để kiểm soát các nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội là trách nhiệm từ nhiều phía.

Ngoài việc kiểm soát từ cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong đó, gia đình cần phải hướng dẫn con em mình sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, nhà trường cũng cần phải sát sao trong việc giáo dục kỹ năng phân tích và chọn lọc thông tin cho học sinh. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng cần xây dựng môi trường trực tuyến tích cực, không khuyến khích các nội dung xấu.

Áp lực từ view và hệ lụy của nội dung độc hại trên mạng xã hội - 3

Phạm Đức Tuấn (Nờ Ô Nô) làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - Ảnh: Sở TTTT

Về phía PGS. TS. Nguyễn Hữu Lộc, ông đưa ra giải pháp các công cụ kỹ thuật để phát hiện nội dung độc hại cần được đầu tư mạnh mẽ. Điều này giúp các cơ quan chức năng can thiệp sớm hơn, trước khi các nội dung này kịp lan tỏa và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, hình thức xử phạt hiện tại, như phạt tiền, được đánh giá là chưa đủ mạnh để răn đe. Về khía cạnh này, Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu gợi ý về việc bổ sung các biện pháp như lao động công ích, tước quyền sử dụng mạng xã hội trong một thời gian nhất định.

Dù vậy, cả PGS.TS. Nguyễn Hữu Lộc và Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu điều cùng quan điểm, công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội là một công việc đầy tiềm năng nếu được thực hiện đúng hướng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Lộc khuyến nghị: "Những người sáng tạo cần không ngừng bổ sung kiến thức và đào sâu chuyên môn. Nội dung giá trị, chân thực mới là yếu tố bền vững để thu hút khán giả". 

Thay vì chạy theo xu hướng gây sốc, việc xây dựng giá trị đích thực trong nội dung sẽ mang lại lợi ích lâu dài, cả về uy tín cá nhân lẫn sự phát triển cộng đồng.

Vụ việc của nam TikToker “Nờ Ô Nô” vừa qua không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về mặt đạo đức mà còn cho thấy các lỗ hổng trong việc quản lý nội dung trên mạng xã hội. 

Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp như hậu kiểm, giáo dục nhận thức và nâng cao năng lực sáng tạo là cần thiết để giảm thiểu tác hại. Quan trọng hơn, nhà sáng tạo cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, không để áp lực view dẫn dắt vào con đường sai lầm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Nam

CLIP HOT