Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành lúa gạo Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ gần đây. Từ một nước nhập khẩu gạo, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Chiều 10/12, tại TP Sóc Trăng, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.  Tham dự hội thảo có hơn150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệpvà hiệp hội ngành nghề.

Hội thảo này là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025 và các năm tiếp theo.Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo - 1Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam phát biểu tại hội thảo.

Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% vềgiá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ tăng về khối lượng và giá trị, trong những năm gần đây, cơ cấu gạo của Việt Nam liên tục thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng gạo chất lượng cao, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp. Hạt gạo Việt không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn vang danh trên thị trường quốc tế.

Hiện, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới cả về lượng và chất. Tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, liên tục trong các năm qua gạo Việt đều lọt vào top 3, trong đó gạo ST25 đã 2 lần trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhận định thành công hôm nay chưa có gìđảm bảo thành công ngày mai và ngược lại. Thế giới đang chuyển động rất nhanh, xu thế tiêu dùng chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi trong nền kinh tế xanh. Người tiêu dùng sẽ không chỉ chú ý đến chất lượng hạt gạo mà còn quan tâm nhiều hơn đến cách thức tạo ra hạt gạo.Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo - 2Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua trao đổi với các đại biểu về việc xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Nhìn ở quy mô quốc tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới. Khi nói đến gạo Việt, người tiêu dùng vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là loại gạo cụ thể nào. Trong khi Thái Lan có gạo Thai Hom Mali, Ấn Độ và Pakistan có Basmati Rice, Nhật Bản có gạo Japonica, Ý có gạoArborio Rice, hay Mỹ có gạo Gạo Calrose… Vì vậy, cần chọn loại gạo nào, phải làm gì để đưa thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam trở nên quen thuộc và trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng trên khắp thế giới, đó vừa là ước mơ, vừa là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong giai đoạn hiện nay.

Chính từ những trăn trở này, báo Tuổi Trẻ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt nhằm tập hợp các ý kiến, ý tưởng, đóng góp, hiến kế từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các nhà quản lý, nông dân, hợp tác xã… để cùng nhau đưa ra một lộ trình và phương hướng sớm xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt trong thời gian sắp tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam nói rằng hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt là sự kiện có nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu gạo, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh miền Tây đang thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Theo ông Vương Quốc Nam, những năm gần đây Sóc Trăng có chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúc gạo từng bước đi vào chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Điểm nổi bật là tỷ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới qua nhiều kỳ dự thi quốc tế.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng lớn đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo cũng đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu. 

“Qua việc phát triển các giống lúa đặc sản và xuất khẩu gạo, đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian tới, khi chúng ta có cách quản trị, tổ chức sản xuất tốt và phương pháp tiếp cận thị trường bài bản, khoa học hơn sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng xuất khẩu và quảng bá thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế”, ông Vương Quốc Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT