Hai cô nông dân triệu view trên Tiktok: Biến mồ hôi thành nội dung số, tăng thu nhập từ sản vật quê hương
Trên nền tảng nội dung số, hai cô nông dân chân chất đã trở thành hiện tượng khi chia sẻ cuộc sống thường nhật nơi thôn quê qua những video giản dị nhưng đầy cuốn hút.
Hai cô nông dân, Huỳnh Thị Kim Thanh và Phạm Thị Tuyết Thu ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, với tình yêu sâu đậm dành cho quê hương và sự khéo léo trong việc áp dụng công nghệ, đã biến những sản vật địa phương thành nguồn thu nhập ổn định và bền vững thông qua nền tảng nội dung số.
Những video mà chị Thanh và Thu luôn thu hút từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem trên Tiktok. Và cả hai không nghĩ rằng, quanh năm “chân lắm tay bùn” gắn bó với đồng ruộng, con bò,... lại trở thành một trong những “nhà sản xuất nội dung số” hàng đầu trên mạng xã hội.
Hai cô nông dân triệu view trên Tiktok đang lội sình hái rau. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về kênh TikTok của mình, chị Thanh cho biết, người sáng lập kênh chàng trai Nguyễn Minh Khang (19 tuổi), một người cháu của chị. Đây là người đứng sau những video triệu view trên Tiktok do chị Thanh và chị Thu làm nhân vật chính.
Hơn 1 năm qua, cả hai chị luôn sản xuất video giới thiệu về những sản vật địa phương đều đặn trên Tiktok. Người xem được hai người phụ nữ nông dân dắt đi chợ quê, xuống vườn hái rau, được đi làm cỏ, cho bò ăn đến giới thiệu cách làm đặc sản truyền thống.
Chàng trai 19 tuổi tên Khang là người đứng sau các video triệu view của hai cô nông dân. Ảnh: NCCC
Đặc biệt, trong đó có video làm bánh da heo đạt hơn 3 triệu lượt xem trên Tiktok. Những “lời bình” của 2 chị, đặc biệt là chị Thanh rất chất phác, không màu mè, đúng như bản tính của người dân sông nước nên đã thu hút hàng triệu người quan tâm theo dõi.
Ngoài ra, gian bếp của 2 chị được dựng ngoài trời, giữa ruộng vườn, cây cỏ miền Tây, đơn sơ mà ấm áp khiến người xem cảm giác được sự yên bình, mộc mạc của quê hương.
Hai cô nông dân giới thiệu bánh da heo đặc sản địa phương do bản thân tự làm
Món bánh da heo được hai cô nông dân giới thiệu bán trên mạng xã hội
Cả hai chị đều là nông dân chính hiệu, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, ao cá, sân vườn nên khi mới đầu video đều rất ngại ngùng. Tuy nhiên nhờ có đứa cháu thuyết phục và dần dần cả 2 người phụ nữ nông dân mạnh dạng “lên sóng”, cho ra đời những video thu hút hàng triệu lượt xem.
Chị Thanh vẫn nhớ video đầu tiên quay cảnh chị làm món bún riêu cua đồng. Cảnh quay bắt đầu bằng hình ảnh chị đứa cháu đi bắt cua, rồi cùng nhau nấu nướng.
“Tưởng làm chơi, ai dè hình ảnh của chị nông dân lại thu hút người xem đến lạ, với hơn 1 triệu lượt xem vào thời điểm đó. Từ đó, tôi và đứa cháu cùng nhau phát triển kênh – người quay dựng, người làm nhân vật trải nghiệm. Sau này tôi ‘kéo’ người bạn thân là chị Thu cùng làm nhân vật trải nghiệm luôn”, chị Thanh chia sẻ.
Theo chị Thanh, trước đây gia đình nuôi nhiều bò nhưng hiện chỉ còn nuôi 2 con, chị vừa trồng cỏ, vừa trồng rau muống để bán. Còn khi đến mùa khô, chị trồng cà, dưa, bí… Những món ăn chị làm trong các video là những thứ chị vẫn nấu hàng ngày cho gia đình nên chi phí mỗi lần quay video không tốn kém nhiều.
Món rau muống ủ mắm, một trong những đặc sản địa phương của hai cô nông dân
Từ khi chị làm video, làng trên xóm dưới, ai cũng biết, động viên ủng hộ 2 chị nên chị Thanh rất vui. Thi thoảng nhận được những tin nhắn tiêu cực từ người xa lạ, chị cũng không quá bận tâm mà coi đó là động lực để kiên trì cố gắng hơn. Bởi, thông qua mạng xã hội chị sẵn dịp quảng bá sản vật quê hương cho mọi người biết ủng hộ, từ đó tăng thu nhập cho gia đình và cho những người dân quê mình.
Những video của hai chị không chỉ giúp tăng cường nhận thức về sản vật địa phương mà còn xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm, mà còn cảm nhận được tình yêu trong từng sản phẩm ấy. Nhờ đó, đơn đặt hàng đặc sản địa phương chị Thanh và Thu ngày càng nhiều, thu nhập cũng tăng lên đáng kể cho 2 chị và gia đình.
Hành trình của hai cô nông dân là minh chứng rõ ràng cho thấy sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc. Từ nông dân, họ đã bước chân lên nền tảng số, biến những sản vật quê hương thành sản phẩm được nhiều người biết đến, góp phần cải thiện cuộc sống của mình và gia đình, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050 của doanh nghiệp điển hình, Vinamilk, đang không chỉ giúp doanh nghiệp có những...