60 ghe ngo khuấy động sông Trăng

Gần 4.000 vận động viên của 60 đội ghe ngo đã tập trung về một đoạn sông Trăng (sông Maepéro) ở thành phố Sóc Trăng để tranh tài tại giải đua ghe ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

                              Các đội ghe ngo nam tranh tài vòng loại vào trưa 14/11.

Trưa 14/11, giải đua ghe ngo trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024 đã chính thức khai mạc tại khán đài đua ghe ngo, phường 8, TP Sóc Trăng.

Tham gia giải ghe ngo lần này có 60 đội ghe ngo (53 nam, 7 nữ) đến từ nhiều tỉnh, thành miền Tây. Trong đó, Sóc Trăng có 48 đội (45 nam, 3 nữ); 12 đội còn lại đến từ Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang.60 ghe ngo khuay dong song trang - 1

Hàng nghìn vận động viên tham gia giải đua ghe ngo quy mô cấp khu vực được khai mạc trưa 14/11, tại TP Sóc Trăng. Ảnh: Duy Khang.

Phát biểu khai mạc giải đua ghe ngo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em của các địa phương trong vùng. Đặc biệt, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục là “Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo có số lượng ghe ngo và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam (từ năm 2005 đến nay).

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo tại Sóc Trăng được duy trì tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.60 ghe ngo khuay dong song trang - 2

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Duy Khang.

Trong 2 ngày diễn ra giải đua ghe ngo (14-15/11), hàng chục nghìn người dân và du khách trong, ngoài nước sẽ tập trung 2 bên bờ sông Maspéro đoạn giữa phường 8 và phường 4 để xem và cổ vũ cho gần 4.000 vận động viên tranh tài. Mỗi đội ghe được Ban tổ chức hỗ trợ 30 triệu đồng.

Về cơ cấu giải thưởng sẽ được trao vào lễ bế mạc chiều 15/11, Ban tổ chức sẽ trao 200 triệu đồng cho đội ghe nam đoạt chức vô địch cự ly 1.200 m. Giải nhì, ba và tư lần lượt là 150 triệu, 100 triệu và 80 triệu đồng.

Ở cự ly 1.000 m dành cho nữ, đội vô địch sẽ nhận thưởng 150 triệu đồng. Giải nhì, ba và tư của nội dung nữ là 100 triệu, 80 triệu và 50 triệu đồng.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 – 30 m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1 m, đầu được uốn cong lên như hình đầu rắn. Ở đuôi ghe (hay gọi là sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy.60 ghe ngo khuay dong song trang - 3

Giải đua ghe ngo diễn ra trong 2 ngày 14-15/11, thu hút hàng chục nghìn người xem. Ảnh: Duy Khang.

Ghe ngo có ba người điều khiển, trong đó người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; người ngồi giữa và một người ngồi phía sau giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một đặc điểm riêng mà người Khmer gọi là biểu tượng riêng. Đây là dấu hiệu để ghi nhớ đồng thời thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh...Bà con tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe Ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người dân dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe, bà con gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, có đường kính khoảng 20 cm.

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mọi hoạt động liên quan đến ghe Ngo đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe Ngo, lễ khánh thành ghe Ngo, lễ mặc áo cho ghe Ngo. Trước đây, đua ghe Ngo chỉ dành cho nam, phụ nữ không được tham gia. Từ năm 2013, phụ nữ đã được tham gia và có cơ cấu giải thưởng riêng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT