Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Để chinh phục một đỉnh cao, ngoài những vật dụng thiết yếu như đồ ăn, nước uống thì bạn cũng đừng quên rèn luyện sức khỏe và hãy chuẩn bị cho mình một tâm hồn thật đẹp.

Leo núi không chỉ là một dịp để bạn đối diện với những vấn đề của bản thân mình: giới hạn, sức chịu đựng, sức bền… mà còn là thử thách trước thiên nhiên và những yếu tố bất ngờ. Chính vì vậy, việc chuẩn bị kỹ càng cho một chuyến leo núi dù ngắn hay dài ngày, trong nước hay ở nước ngoài là điều cực kỳ quan trọng.

1. Tìm hiểu thông tin 

Tìm hiểu thông tin về địa điểm leo núi vốn là một điều quan trọng hàng đầu nhưng đôi khi lại dễ bị lược bỏ bởi nhiều nguyên do: có thể bạn đã quá chủ quan hoặc dễ bị “đánh lừa” bởi nhiều hình ảnh đẹp về ngọn núi. 

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 1

Những đỉnh núi cao luôn hấp dẫn người chinh phục

Thông tin về ngọn núi là điều cần thiết để bạn lên kế hoạch luyện tập thể lực, trang bị vật dụng trước chuyến đi. Độ cao của ngọn núi, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm, thời tiết theo mùa sẽ quyết định đến việc bạn sẽ mang bao nhiêu đồ ăn, quần áo mỏng hay dày…

Tìm hiểu kỹ thông tin cũng giúp bạn nắm được việc chuẩn bị giấy tờ, thủ tục xin phép chính quyền địa phương, đồn biên phòng (nếu cần), có nên đi vào thời gian như bạn dự định không, hoặc mùa nào sẽ săn được mây, mùa nào có hoa nở, chủ động đặt vé máy bay, khách sạn giá rẻ…

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 2

Tôi luôn tìm hiểu bản đồ vùng núi mình sắp đi

Việc tìm hiểu thông tin này bạn có thể chủ động thông qua các hội nhóm leo núi, từ những người có kinh nghiệm từng chinh phục các ngọn núi. 

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiều chính sách mới của địa phương có thể được áp dụng để quản lý việc leo núi. 

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 3

Những quyển sách đầy đủ thông tin như Lonely planet sẽ giúp bạn rất nhiều trong hành trình leo núi.

2. Rèn luyện thể lực

Tôi vốn không phải người khoẻ mạnh đặc biệt, cũng hay ốm vặt, hay đau lưng mỏi gối như đa số “dân văn phòng” khác. Nhưng tôi là người thích vận động nên sớm đã quen với việc phải rèn luyện thể lực trước mỗi chuyến đi. 

Bạn phải có sức khỏe để đi leo núi, để làm gì? Để không làm gánh nặng cho các bạn chung đoàn khi phải đi chậm để chờ một mình bạn, hay phải vác giúp bạn balo hoặc có khi là cõng bạn khi bạn hết sức. Khỏe để không tốn tiền thuê ngựa hay thuê máy bay chở xuống núi. Và trên hết, phải khoẻ để có sức chụp hình, ngắm núi, tận hưởng chuyến đi mà bạn đã mong chờ cũng như tốn tiền để có được.

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 4

Những chú ngựa ở Nepal dùng để vận chuyển nhu yếu phẩm trên núi cao, và được cho thuê để chở khách leo núi khi cần thiết.

Thế nên, hãy dành 1-2 tháng trước chuyến đi (tùy độ khó của ngọn núi) để tập luyện chăm chỉ: bơi lội, leo cầu thang, chạy bộ… và ăn uống đủ chất.

Hầu hết các ngọn núi ở Việt Nam đều không vượt quá độ cao 3.200m, nên bạn sẽ không phải đối diện với các triệu cứng khó thở, thiếu oxy, say độ cao, hạ thân nhiệt vì lạnh… Tuy nhiên, nhiều ngọn núi có độ dốc rất lớn, đường mòn cheo leo rất cần đến thể lực và sức bền của cơ thể.

Trong khi đó, nếu bạn có kế hoạch chinh phục các ngọn núi ở nước ngoài, với độ cao trên 4.000m, cần kiểm tra sức khỏe để biết tình trạng bệnh lý của bản thân cũng như luyện tập bài bản trong thời gian dài để thích nghi với không khí loãng trên núi cao.

Bên cạnh đó, đừng quên mua bảo hiểm du lịch trong quá trình leo núi để phòng ngừa các rủi ro sức khỏe.

3. Chuẩn bị đầy đủ vật dụng

Như đã nói, leo núi là một cuộc hành trình trong đó ta vừa đối mặt với chính mình và thiên nhiên. Mỗi vật dụng chúng ta mang theo đều là một công cụ để sinh tồn, bảo vệ, giúp đỡ chúng ta.

- Giày leo núi: Bạn phải hiểu rằng suốt hành trình có khi kéo dài 1 tuần 1 tháng, thứ nâng niu bạn, thay bạn hứng chịu gạch đá chính là đôi giày. Nên cũng đừng tiếc tiền cho nó.

+ Một đôi giày leo núi tốt là đôi giày có độ bám, không trơn trượt và vừa ôm chân. 

+ Nếu bạn đi vào mùa đông và có tuyết, lạnh như tôi từng đi ở Nepal thì nên chọn cổ cao, chống thấm.

 + Bạn không nên mua giày trước quá lâu, vì lâu mà không đeo, giày sẽ khô keo, dễ bong tróc giữa đường. Nên mua giày trước tầm 1 tháng, lấy ra đi bộ mỗi ngày cho nó mềm giày ra và quen chân bạn.

+ Nên mua rộng 1-2 size so với giày thể thao bình thường. Lí do là vì bạn sẽ phải đeo vớ dày khi đi lạnh. Và chân bạn sẽ ngày càng nở ra (có khi còn phù ra) khi đi nhiều ngày. Đặc biệt, hạn chế mua giày online mà hãy ra cửa hàng trực tiếp thử giày để chọn được đôi giày phù hợp với bạn.

- Trang phục mặc đi leo núi

+ Quần áo:

Tiêu chí hàng đầu khi chọn trang phục là gọn nhẹ vì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành gánh nặng cho bạn trên đường leo núi.

Ban ngày bạn nên mặc quần dài áo dài thun, mũ rộng vành để che nắng và tránh bị cỏ cứa. Quần áo nên ưu tiên loại thoáng khí, dễ thoát mồ hôi, mau khô. Một lưu ý nhỏ cho những bạn thích chụp hình: hãy mặc trang phục có màu nổi để có bức ảnh đẹp nhất.

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 5

Quần áo giữ nhiệt giúp giữ ấm cơ thể và màu sắc nổi bật giúp bạn lên hình đẹp hơn trước núi non

Ban đêm: Nếu bạn xác định ngủ lại qua đêm trên núi, nhất định phải chuẩn bị áo – quần giữ nhiệt. Về đêm, nhiệt độ trên núi giảm rất nhanh, chênh lệch nhiệt độ với ban ngày rất lớn. 

Nếu đi leo núi ở vùng núi cao, nhiệt độ thấp hoặc dưới 0 độ, bạn cần trang bị thêm quần áo giữ nhiệt đặc biệt, áo phao, miếng dán giữ nhiệt cho cơ thể.

+ Mũ, kính: quan trọng. Nên đội nón vải rộng vành, có dây vì gió nhiều dễ bay. Kính râm, kính thể thao giúp bạn chống lại tia cực tím độc hại ở vùng núi cao.

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 6

+ Balo: 

Tôi là người đã từng chứng kiến lẫn trải nghiệm nhiều chuyện dở khóc dở cười liên quan đến chiếc balo khi đi leo núi. Có chị bạn cùng leo núi Chứa Chan đeo chiếc balo nhỏ nhắn khá thời trang, đến giữa đường thì balo đứt quai do chị nhồi nhét đồ ăn quá sức chịu đựng của chiếc balo. Có anh bạn cùng leo Ngọc Linh mang chiếc balo rất to nhưng lại không có quai đeo trợ lực, kết quả là bao nhiêu sức nặng đều dồn vào vai đau điếng người. Hay chuyện một anh bạn cùng đi Tà Năng mùa mưa mà quên đem tấm trùm balo, cơn mưa trút xuống khiến chiếc balo ướt nhẹp. 

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 7

Những tấm trùm balo giúp tránh mưa và bụi bẩn

Chính vì thế, hãy lựa chọn những chiếc balo thật chắc chắn, có dây đeo trợ lực ở ngực và bụng giúp phân bổ đều lực cho cơ thể. Và cũng đừng quên, những tấm phủ balo giúp bạn tránh được nước mưa và bụi bẩn khi đi đường xa.

4. Ăn uống ra sao khi đi leo núi – một câu chuyện dài kỳ

Tôi là người thường được giao trọng trách hậu cần cho các chuyến đi leo núi, một trong số đó là chuẩn bị đồ ăn. Bài toán đưa ra là phải làm sao để ăn no, ăn ngon nhưng lại không quá phức tạp. Cứ tưởng đó là một đề bài dễ, nhưng kỳ thực lại cần đúc rút qua nhiều chuyến đi.

Thứ nhất: khi mỗi thành viên có sở thích khác nhau. Nếu như gặp phải trường hợp này, lời giải là: mỗi thành viên chuẩn bị một món ăn rồi đến bữa gộp chung lại cùng nhau ăn, vừa theo ý thích, vừa vui. Còn trường hợp phải nấu ăn, tôi giao cho người “đầu bếp” chính toàn quyền quyết định thực đơn, để không cần mất thời gian tranh luận.

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 8

Bữa ăn đa dạng trên núi nhờ phương án góp món ăn

Thứ hai: bạn muốn ăn ngon và đầy đủ, bạn phải chịu mất thời gian, sức lực và ngược lại. Hiểu đơn giản thế này: bạn muốn ăn thịt heo nướng, gà nướng hay thậm chí lẩu hải sản ở trên núi đều được, nhưng bạn phải tốn sức vác theo nguyên liệu và thời gian chế biến. Thay vào đó, bạn cũng có thể ăn một chiếc bánh chưng, một ly mì kèm cây xúc xích vẫn đủ năng lượng, chế biến cực nhanh và thong thả ngồi ngắm mây, ngắm núi, ngắm mặt trời, trò chuyện cùng bạn bè. Lựa chọn thế nào là tùy vào bạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho một chuyến leo núi, bạn cần tính toán cụ thể nhu cầu của bản thân, chia thức ăn mang theo thành từng túi nhỏ, từng bữa. Và luôn mang dư giả một chút đề phòng chuyến đi kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, socola, kẹo ngọt sẽ giúp bạn nhanh chóng bổ sung năng lượng và một vài loại trái cây như cam, quýt sẽ giúp ích nhiều mỗi khi mệt mỏi. 

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 9

Nhóm bếp chuẩn bị bữa ăn trên núi

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 10

Chúng tôi tự nấu ăn trên đường leo núi ở Nepal vì không quen thức ăn bản địa

Bên cạnh đó, có thể nhiều người mới leo núi không chú ý đến đó là: Nước uống khi đi leo núi thậm chí còn quan trọng hơn thức ăn. Nước mang theo có thể chia theo dạng 80% nước lọc, 20% tăng lực và nước ngọt, tùy vào sở thích của mỗi người. Bình thường bạn uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày thì leo núi cũng cần bằng, thậm chí nhiều hơn như thế.

Vì dưới tác động của nắng nóng và việc tiêu hao sức lực, tiết mồ hôi, cơ thể cần bù nước và khoáng rất nhiều. Đặc biệt, nếu bạn đi vùng núi cao trên 4000m, có thể gặp phải chứng say độ cao mà nguyên nhân đầu tiên là do uống quá ít nước.

Lưu ý: Tránh lấy nước trực tiếp từ các con suối dọc đường leo núi, vì bạn không thể xác định trong nước có các vi khuẩn gì cũng như có thể lẫn chất độc từ các loại cây cỏ không rõ nguồn gốc. Trường hợp bất khả kháng, có sử dụng các viên lọc nước và ống lọc nước chuyên dụng trước khi uống.

5. Chuẩn bị tinh thần tốt

Chuyến leo núi sẽ thế nào nếu bạn chuẩn bị thật tốt mọi thứ trước đó nhưng dọc đường lại phiền muộn hay lo lắng vì một cơn mưa bất chợt, một bữa ăn không ngon hay bình minh trên núi không như những gì bạn từng nhìn qua ảnh chụp. 

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 11

Dù trời mưa và bê bết bùn lầy chúng tôi vẫn rất vui vì đã chinh phục đỉnh núi

Hãy luôn vui vẻ, lạc quan và mạnh mẽ, kiên trì từng bước chân,từng nhịp thở. Và nếu không có biển mây, trời không xanh hay hoa chưa nở, thì việc bạn tự mình chinh phục một đỉnh cao cũng đã là một điều đáng tự hào và trân trọng biết bao, phải vậy không?

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 12

Cần chuẩn bị những gì cho một chuyến leo núi tự túc? - 13

Vượt qua bản thân mới là điều quan trọng nhất khi leo núi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT