Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi của những ngày này, không thể đi đâu, đành coi lại rất nhiều hình ảnh, video của chuyến đi trong mơ đã kết thúc. Chuyến đi ấy quả là điều đúng đắn và đáng giá của cuộc đời.

Những lúc mệt nhoài trên đường leo núi, ngước lên nền trời cao, tôi đã gặp hình ảnh những lá cờ Lungta bay phấp phới. Những lúc chỉ biết cắm mặt lầm lũi bước đi, tay tôi vẫn theo thói quen, xoay hết những chiếc chuông chuyển kinh luân bên đường. Những hàng chuông dài vô tận, những dải cờ nhiều màu nằm chơ vơ nơi đỉnh đèo heo hút gió – chúng ở đó gửi lời nguyện cầu theo gió bay đến một miền thăm thẳm hư vô.

Mỗi khi xem xong một bộ phim, đọc xong một quyển sách, trong lòng tôi lại nảy sinh một mong muốn mãnh liệt về một nơi phải đến trong đời. Càng là những nơi có một chút gì đó huyền bí, ma mị, kì lạ thì càng muốn đến. Ngày nhỏ muốn đến Ai Cập vì bộ truyện Nữ hoàng Ai Cập, sau này tâm hồn vẫn thường hướng về Nepal, Tây Tạng. Trong những giấc mơ, còn đôi lần mơ mình có thể xuyên không về quá khứ, đi qua một thời đại lịch sử thần thần bí bí. 

Những lá cờ phong mã cầu bình an

Thật nhiều điều kì lạ về đất nước Nepal, ví dụ như đây là quê hương của Phật giáo nhưng lại có hơn 80% dân số theo Hindu giáo. Tuy vậy, dọc đường đi khắp những ngọn núi, thứ bạn thấy nhiều nhất lại chính là những tháp chuông chuyển kinh luân và những lá cờ Lungta đầy sắc màu biểu trưng của Phật giáo.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 1

Cờ Lungta đầy sắc màu biểu trưng của Phật giáo

Lungta nghĩa là Ngựa gió vì thế còn được gọi là cờ phong mã. Ngựa gió giống như người vận chuyển vậy đó, vừa mang những lời cầu nguyện lên trời, mà còn mang những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 2

Cờ Lungta được treo ở cổng làng

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 3

Cờ Lungta cũng được treo ở trên những đỉnh núi

Lungta thường được làm bằng vải hình vuông màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Cờ được trang trí bởi những hình ảnh, thần chú và các lời cầu nguyện. Thông thường tại tâm của lungta là ngựa gió là đại diện cho Tam Bảo của Phật Giáo. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú là Garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Bốn linh thú đại diện cho: Trí tuệ, quyền năng, sự tự tin và vô úy.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 4

5 màu sắc thường thấy ở cờ Lungta

Người Tây Tạng tin rằng, khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và minh chú được ghi trên lá cờ sẽ mang những thiện ý và sự từ bi lan tỏa khắp không gian. Vì vậy, cờ Lungta được tin là đem lại lợi lạc cho tất cả muôn loài.

Không đỉnh đèo nào ở Nepal không có những lá cờ Lungta. Kể cả những đỉnh đèo heo hút nhất, những chốn hoang vu nhất. Phải dừng chân vào một ngày nắng đẹp, ngước lên trời xanh thăm thẳm in hình những ngọn núi tuyết phía xa, thảng hoặc 1 áng mây trắng trôi lững thững, nghe tiếng cờ Lungta bay phần phật – tôi nhớ cái cảm giác đó, từng giác quan của tôi đều nhớ âm thanh, màu sắc ấy.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 5

Cờ Lungta dưới nắng và gió, trên nền trời xanh ngắt quả là cảnh tượng không thể nào quên

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 6

Lungta trên đèo Thorongla

Đọc thần chú Om mani padme hum và xoay chuông chuyển kinh luân

Om mani padme hum – câu thần chú mà người Việt hay đọc là Án mani bát mê hồng. Mỗi lúc xoay chuông chuyển kinh luân, bọn tôi hay đọc câu này như tất cả những người Nepal hay Tây Tạng vẫn đọc rầm rì. Nó tựa như câu tụng “Nam mô a di đà Phật” của người Việt, nghĩa nguyên thuỷ là “Ngọc báu trong hoa sen”.

Để tích công đức một cách đơn giản nhất thì đó chính là xoay kinh luân, trong những chiếc chuông cầm tay xinh xắn, hay trong những tháp chuông dài đặt cạnh lối đi, thường nằm trước những đền thờ, đầu làng hay cuối làng. Bên trong chuông kinh luân chứa những mảnh giấy ghi cầu thần chú Om mani padme hum. Bạn xoay chuông theo chiều kim đồng hồ, xoay bao nhiêu chuông cũng là đã tụng niệm bấy nhiêu lần, tích bấy nhiêu công đức.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 7

Xoay những vòng chuông chuyển kinh luân như 1 thói quen

Điều mà tôi quan tâm dĩ nhiên không phải công đức mà chính là niềm tin của các tín đồ Phật giáo dành cho tín ngưỡng của mình. Được sống và tôn thờ tín ngưỡng ấy có lẽ rất hạnh phúc, dù là ở một nơi heo hút hẻo lánh tận cùng thế giới, dù chẳng mấy sung túc. Tôi đoán thế!

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 8

Những chiếc chuông chuyển kinh luân có mặt ở khắp nơi

Thật ra, tôi vẫn không hiểu lắm, tín ngưỡng mà tôi nhìn thấy ở Nepal là Phật giáo nguyên thuỷ hay là Lạt ma giáo - tên gọi của Phật giáo của người Tây Tạng nói riêng và người dân dưới chân dãy Himalaya nói chung, thờ Đạt lai lạt ma – người được nhắc đến trong 7 năm ở Tây Tạng. Tôi vẫn nghiêng về Lạt ma giáo hơn vì dẫu sao cũng rất ít nhìn thấy tượng phật, chỉ những câu chú, những gò đá như chất chứa cả một câu chuyện tâm linh.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 9

Gò manidoi trong 1 nghĩa trang

Không đâu như ở những vùng đất dưới chân Himalaya, một hòn đá ven đường cũng có linh hồn. Tôi xem Mekong ký sự, có một tập những người phụ nữ đang khôi phục lại 1 gò đá bị phá vỡ khi làm đường. Tôi chú ý tới cái tên gọi đặc biệt: gò đá Manidoi – gò đá Mã ni: những hòn đá nhẵn nhụi được khắc những câu chú, những hình vẽ đặc trưng, xếp chồng lên nhau dọc đường, trên đỉnh dốc. Có khi chỉ đơn giản là 1 viên đá khắc đơn giản, có khi được sơn phết màu sắc công phu, xếp cao, phủ lên cả xương động vật, rất kì dị.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 10

Xếp đá cầu nguyện là hình ảnh thường bắt gặp ở Nepal

Có 2 phần mà tôi rất thích của một chuyến đi, dĩ nhiên đã ngoại trừ cái cảm thức phiêu lãng trên đường, đó chính là phần chuẩn bị cho chuyến đi và phần dư vị sau khi kết thúc. Cái dư vị ấy có khi là 1 tháng 2 tháng, có khi là vài năm, có khi là cả 10 năm sau, lúc đang đứng dưới một góc trời mây xứ khác, lúc đang trong một cuộc lãng du khác, bất chợt nhớ lại, bất chợt bồi hồi.

Giống như tôi của những ngày này, không thể đi đâu, đành coi lại rất nhiều hình ảnh, video của chuyến đi trong mơ đã kết thúc, xem thêm rất nhiều ký sự, phim liên quan, bỗng vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Chuyến đi ấy là điều đúng đắn và đáng giá của cuộc đời.

Tới Nepal, gửi lời nguyện cầu theo những lá cờ Lungta bay phấp phới - 11

Nepal- hẹn gặp lại!

Mong một ngày gặp lại, những lá cờ Lungta bay trong gió, những chiếc chuông chuyển kinh luân, những gò đá Manidoi ở vùng đất linh hồn: Tây Tạng, Lasha, ở Bhutan, hay vẫn là Nepal – hẹn gặp lại!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT