Tôi đi Tà Năng ngay khi cung đường này vừa nổi lên như một hiện tượng, một nơi đầy xa lạ và nhiều bí ẩn chứ không phải rộn ràng tour để chọn lựa như bây giờ.

Nhóm chúng tôi có chín người, ba lô mỗi người 15 ký: lều võng, xoong nồi, thức ăn, nước uống cho 2 ngày. Tà Năng là thiên đường trekking, nơi có cung đường xuyên 3 tỉnh. Cung đường hiện nay không hoang vu và cô đơn như chúng tôi nghĩ. Đi vài cây số lại gặp một nhóm trekking, lại cười chào nhau, lại hỏi thăm nhau.

Những cây số đầu tiên đường khá bằng phẳng, thời tiết vùng cao nguyên lại mát mẻ, ai cũng tung tăng, hào hứng chụp mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi ngang qua những địa danh “huyền thoại” từng được xem trong bao nhiêu bài review trước đó: những ngôi làng nhỏ của người đồng bào, ngôi nhà hoa giấy trên thảo nguyên…

Được về rừng sau những tháng ngày lầm lũi chốn văn phòng, chúng tôi làm đủ trò khác người: chạy băng lên đồi thông chỉ để thử cảm giác đi một con đường khác, bứt hoa bồ công anh thổi bay bay, rồi dàn dựng mấy cảnh khăn bay, lá rụng để chụp những bức ảnh với khung hình đẹp. 

Bầu trời Tà Năng cao và xanh một màu như ai đó mang đại dương về úp ngược lên bầu trời. Cảm giác chỉ cần ngửa mặt đưa tay lên là chạm vào mây. Tôi cứ nấn ná phía sau ngước nhìn vòm trời đầy mây trắng, vì sợ rằng rất có thể lát sau hay buổi chiều sẽ chuyển thành mây đen. 

Những quãng đường bằng phẳng cũng không kéo dài mãi. Đi sâu vào rừng thì mấy con dốc dựng đứng và trơn như đổ mỡ bắt đầu xuất hiện. Ngồi thở. Đứng thở. Tựa người ôm gốc cây thở. Dù trước đó đã tập thể lực bằng những chiều leo cầu thang bộ công ty, chạy ở công viên thì lúc đối diện với thực tế chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ.

Tôi từng xem rất nhiều bộ phim về những chuyến đi trekking dài ngày. Trong đó có một điều tôi nhận thấy là việc tự đi trekking, có khi là “solo” ở nước ngoài là một chuyện rất bình thường, phổ biến vì có những khu vực, thường là vườn quốc gia xây dựng cơ sở vật chất, cung đường chỉ phục vụ cho việc trekking dài ngày.

Bạn có thể đi trong rừng cả tuần hoặc thậm chí vài tháng với một chiếc balo. Dọc đường vẫn sẽ có những khu vực được quy định để bạn có thể cắm trại, thuê chỗ ở, nấu ăn hoặc mua thêm đồ ăn.

Như bộ phim Hoang dã mà tôi đã xem, nhân vật nữ chính Cheryl đã một mình đi bộ trong thời gian ba tháng trên đường mòn Pacific Crest Trail (hay còn gọi là PCT) ở Mỹ kéo dài hơn 1.000km từ biên giới Mỹ - Mexico đến biên giới Mỹ - Canada đi qua đủ loại địa hình từ hoang mạc, đồng cỏ, núi tuyết, vườn quốc gia…

Cứ cách khoảng 50km sẽ có một trung tâm dọc đường nơi cung cấp đủ thứ cần thiết cho chuyến đi bộ dài ngày của bạn. Nơi đó bạn cũng có thể gặp những người cùng chung đam mê trên con đường mòn. Và cái thú vị là bạn có thể tự ship cho mình những thùng hàng đến những trung tâm này trước: thức ăn, quần áo sạch, giày, tiền…

Tôi vẫn hay tự hỏi không biết bao giờ Việt Nam mới có những con đường đi bộ dài ngày như thế, để trốn “thế giới” một thời gian, để việc trekking một mình không còn phải là điều gì đó quá mạo hiểm hay ghê gớm khi nhắc đến.

Việc đi bộ cũng giống như khi chạy bộ ấy, bạn phóng thích hết năng lượng dư thừa để mồ hôi tuôn ra, chân mỏi nhừ và đầu óc thì chẳng còn hơi sức mà nghĩ đến những chuyện phức tạp.

Sẽ yêu biết mấy những bóng cây giữa quả đồi trọc lóc, sẽ hạnh phúc biết mấy khi leo đến đỉnh dốc và ngồi thở. Sẽ bình thản mà bôi kem chống nắng rồi đưa mặt ra cho nắng vờn, sẽ chẳng vội vàng gì mà cứ nằm dài chờ cơn mưa đến.

Khi vượt qua con dốc dựng đứng cuối cùng dưới tán rừng, tôi đã thả balo rồi ngồi phịch xuống đất và mắt chữ O mồm chữ A ngay vì những ngọn đồi xanh mượt trước mắt.

Trước đó tôi vẫn nghĩ mấy ông anh đi trước đầu tư máy móc xịn chụp đẹp và ảo diệu, về nhà thể nào cũng photoshop, ai ngờ cảnh bên ngoài còn đẹp hơn và không thể chụp một góc 360 độ để bao quát hết cái bao la của khung cảnh.

Từng ngọn đồi cỏ xanh mướt chất chồng lên nhau, mênh mông, vô tận. Tưởng như mình đã lạc đến một chốn nào đó xa xăm cách biệt với thế giới.

Cả đoàn quyết định sẽ ăn trưa ngay nơi cảnh đẹp mê mệt này, rồi thảnh thơi trải khăn nằm dài dưới gốc thông nhàn tản ngắm mây bay lững thững, ngắm đồi núi trập trùng, mấy ông còn lim dim chợp mắt vì gió mát khung cảnh hữu tình.

Bao nhiêu đoàn khác đến, rồi nhóm này nhanh chóng rời đi, ai cũng muốn “xí” chỗ cắm trại vị trí đẹp, chúng tôi vẫn mặc. Cho đến khi mây đen ùn ùn kéo tới, chúng tôi mới tức tốc lên đường.

Nhưng dù nhanh đến mấy, chúng tôi cũng không thoát khỏi cơn mưa rừng nặng hạt. Mưa dội thẳng từ trên trời xuống như mở đập xả lũ ở thủy điện, mưa tối tăm mặt mũi. Có người không kịp mặc áo mưa, có người mặc xong đi ba bước thì áo rách tơi tả, có người thì kính mờ nhòe nhoẹt phải liên tục dùng tay làm cần gạt nước.

Và rồi “oạch”, đã có chú ếch đầu tiên và liên tục các chú tiếp theo. Cứ mỗi lần như vậy là cả nhóm cùng quay lại cười hả hê dù không biết khi nào sẽ đến lượt mình. Cả nhóm lầm lũi đi dưới cơn mưa chiều giữa khung cảnh liêu trai, mờ ảo của núi rừng.

Chúng tôi cứ đi mãi đi mãi, hết ngọn đồi này qua ngọn đồi khác mà chưa thấy điểm hạ trại đâu, dù đôi chân đã mỏi nhừ. Cứ chốc chốc mọi người lại ngao ngán xen lẫn thấp thỏm hi vọng về nơi dừng chân.

Nếu anh bạn đồng hành mà không cương quyết thì chắc chắn mọi người sẽ không ngần ngại dừng lại hạ trại đại ở một bãi đất, không cần đồi, cũng chẳng cần ngắm mặt trời, chỉ cần trút bỏ balo và ngồi thở như một con người bình thường.

Nhưng nhờ lời đường mật của người bạn đã từng đi cung đường này, rằng lên kia có một ngọn đồi riêng, ngắm mặt trời đẹp nhất Tà Năng và quan trọng là ngọn đồi chỉ có nhóm chúng tôi với nhau. Chập choạng tối, chúng tôi cũng đến ngọn đồi Hai cây thông – nơi hạ trại đêm nay.

Không có thời gian để nghỉ ngơi hay làm việc gì khác vì trời đã quá tối, chúng tôi chia hai nhóm dựng lều và nấu ăn dù củi ướt mem và thiếu thốn mọi thứ.

Cái nồi bé như niêu cơm Thạch Sanh, con gà mang theo thì to quá khổ như gà Mỹ, cháo thì chỉ có năm gói. Vậy mà với tài năng tháo vát của các bạn chung đoàn, chúng tôi cũng có cháo gà ăn ấm bụng, sau khi vật lộn với cái bếp củi đầy khói.

Đêm đó, trên một ngọn đồi vắng vẻ cao vợi giữa rừng Tà Năng, anh em tôi chia nhau nồi cháo nấu vội vàng, một chai rượu Sim chỉ đủ làm ấm người chứ không ai say, nghêu ngao mấy bản bolero rồi chui vào lều.

Không mưa. May mà không mưa.

Tôi ngủ đến nửa đêm thì thức giấc vì lạnh hết cả phần lưng do không có tấm cách nhiệt. Nằm nghe gió rít bên ngoài và thổi lều bạt bay phần phật thì khỏi cần ra cũng biết trời lạnh và gió lớn cỡ nào. Nghe tiếng anh trong đoàn gọi bảo “Sao nhiều lắm, có sao băng nữa nè”.

Mãi đến khi tờ mờ sáng, tôi mới bước chân ra khỏi lều, khoác cái áo khoác len mỏng, gió luồn qua nổi hết da gà. Vội vàng chạy lại bếp lửa ngồi co ro, tự pha một ly cafe, đánh thức các anh em khác rồi bưng ly cafe đi bộ lên đỉnh đồi cách đó mấy bước chân.

Không làm gì, chỉ ngồi đó nhấm nháp cafe và chờ mặt trời phía hừng đông ló dạng. Cảm giác như bình minh này chỉ dành cho riêng mình.

Nắng lên rất nhanh, mặt trời qua khỏi dãy núi như khinh khí cầu bị kéo lên. Cả ngọn đồi đang màu xanh xám bỗng được nhuộm vàng màu nắng. Đi qua mấy cơn mưa lạnh buốt, chỉ cần thấy nắng ai cũng vui như đang yêu tràn trề, kéo hết lên đồi, lăn lê chụp hình, hoặc tranh thủ hít hà tận hưởng buổi sáng đẹp trời.

Thỉnh thoảng sau này tôi rất nhớ Tà Năng. Nhớ những ngày vác balo nặng chịch, ngước mặt lên là dốc thẳng đứng, chỉ biết cúi mặt mà bò từng bước. Tôi nhớ có những đoạn chúng tôi chẳng thể mở miệng nói chuyện cười đùa với nhau vì quá mệt. Ở nhiều đoạn đường tôi đã cảm tưởng chỉ có mình mình giữa rừng, xung quanh chẳng có ai, hoặc đồng đội chỉ là những cái bóng nhỏ chút phía xa.

Tôi cũng nhớ những cái bong bóng nước phồng rộp đau buốt dưới chân đã hành hạ tôi thế nào ở những cây số cuối cùng như cái cách Cheryl chịu đựng những cái móng chân của mình đứt lìa trên con đường mòn.

Tôi đã chịu đựng hầu hết cảm giác của Cheryl, từ đau đớn, lo sợ, hồi hộp đến vui sướng, tự do. Nhưng cô đơn thì chưa từng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Chủ Nhật, ngày 23/05/2021 18:00 PM (GMT+7)

Huyền Trần