Tết Đoan ngọ, thực khách 'rần rần' tìm mua đặc sản bánh nếp trứ danh Hà Nội
Món bánh nếp có lớp vỏ trắng ngần, mềm dẻo, phần nhân thịt mỡ, đậu xanh béo ngậy, đậm đà được nhiều thực khách Hà Nội tìm mua thưởng thức, nhất là trong dịp Tết Đoan ngọ đang đến gần.
Bên cạnh những món ăn quen thuộc như bánh tro (hay còn gọi bánh gio), nếp cái, nếp cẩm hay các loại trái cây mùa hè như vải, mận,… thì bánh nếp cũng là thức quà, đặc sản bình dị được nhiều người ưa chuộng, tìm mua trong dịp Tết Đoan ngọ (hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, ngày 5/5 âm lịch).
Bánh nếp là món ăn truyền thống lưu giữ bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, món bánh nếp trứ danh Hà thành dần bị thất truyền, chỉ còn rất ít nơi bán và chế biến chuẩn vị. Bởi vậy, giữa lòng thành phố nhộn nhịp, hiện đại, bánh nếp được xem như món ăn cổ truyền “hiếm có khó tìm”.
Bánh nếp có lớp vỏ mỏng mềm dẻo, phần nhân đỗ xanh hoặc thịt mỡ béo ngậy, đậm đà (Ảnh: Hồng Ngọc)
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cửa hàng ẩm thực trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và một xưởng bếp ở Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) đã khôi phục món ăn này từ 6 năm trở lại đây để phục vụ thực khách.
Cho đến nay, bánh nếp vẫn luôn là một trong những món đắt hàng nhất của quán, bất kể vào ngày thường hay dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Đoan ngọ. Món bánh này gồm 2 thành phần chính là lớp vỏ dẻo mịn và phần nhân mặn đậm đà.
"Tuổi thơ ấu của mình gắn liền với những món ăn bình dị, đậm đà bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Trong tiềm thức, mình luôn ấn tượng với món bánh nếp của các bà, các mẹ, nhớ mãi hương vị đậm đà của thức quà vặt dân dã này.
Về sau, khi món bánh nếp dần bị mai một, mình quyết định tìm hiểu, tham khảo công thức, kinh nghiệm từ nhiều nguồn để phục hồi và lưu giữ thức quà bình dị của người Hà Nội xưa", chị Hương chia sẻ.
Bánh nếp thường được làm với hai loại nhân truyền thống là nhân đỗ xanh thịt mỡ và nhân tôm thịt (Ảnh: Huong Thu Nguyen)
Nhờ cách làm kỳ công với nguyên liệu chọn lựa tỉ mỉ mà thực khách khi thưởng thức bánh nếp không cảm thấy ngán (Ảnh: Nhà hàng Bể cá)
Giống như nhiều loại bánh truyền thống khác, bánh nếp cũng gồm hai thành phần chính là lớp vỏ được làm từ bột nếp và nhân là đỗ xanh hoặc thịt mỡ, tôm hành. Để làm bánh nếp ngon và chuẩn vị xưa, theo chị Hương, nguyên liệu làm bánh phải được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Trong đó, phần vỏ bánh được chế biến từ một loại nếp đặc biệt giúp ăn không bị ngấy và nặng hay nóng bụng. Lượng bột cho mỗi chiếc bánh cũng được đong đếm vừa đủ để tạo lớp vỏ mỏng, mềm dẻo, không bị vỡ khi hấp chín.
Nhân thịt mỡ được tuyển chọn kỹ càng từ lợn ỉ ta, khi chế biến có độ giòn và thơm đặc trưng, làm tăng hương vị cho món bánh nếp.
Là món ăn dân dã nhưng bánh nếp cũng đòi hỏi quá trình chế biến tỉ mỉ, kỳ công sao cho dậy mùi thơm và chuẩn vị nhất (Ảnh: Huong Thu Nguyen).
Phần nhân được chia thành hai loại là nhân thịt mỡ hoặc nhân tôm thịt. Thịt mỡ lấy từ phần mỡ gáy để có độ giòn, thơm. Còn tôm được sử dụng là loại tôm rảo còn tươi rói, kích thước đồng đều để khi xay ra, xào lên vẫn dậy mùi thơm đậm đà của miền biển.
Ngoài nguyên liệu chính gồm tôm, thịt mỡ, phần nhân bánh còn được chế biến khéo léo cùng các gia vị đi kèm như hạt tiêu, mắm Phú Quốc, Phan Thiết hay mộc nhĩ Điện Biên,... để đảm bảo món ăn dậy mùi thơm, có hương vị đậm đà đặc trưng nhất.
Bên cạnh đó, lá chuối cũng được chị Hương tuyển chọn cẩn thận, thường được phơi qua nắng hoặc hơ qua lửa (trong ngày trời râm mát, mưa gió không có nắng) để lá mềm và đảm bảo có độ dai. Nhờ đó, bánh khi gói không bị rách lá, không làm lộ phần bột ra ngoài.
Bánh nếp được sử dụng như một món ăn sáng tiện lợi mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng hay là thức quà vặt làm ấm bụng thực khách mỗi buổi chiều (Ảnh: Thu Hương)
Nhờ cách chế biến tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng công đoạn mà món bánh nếp vẫn được lòng nhiều thực khách ở thành phố hiện đại, trở thành thức quà làm ấm bụng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Chị Hương tiết lộ, vào những ngày cao điểm như cuối tuần, mùa cưới, mùa tiệc cỗ hay dịp Tết Đoan ngọ, món bánh nếp luôn "cháy" hàng. Có ngày, cửa hàng phục vụ hơn 500 chiếc, phải huy động hết nhân viên tham gia vào các khâu như nặn bột, xào nhân, gói bánh,…
Tuy nhiên, bánh nếp được làm thủ công, đòi hỏi sự cầu kỳ nên cửa hàng chỉ phục vụ số lượng có hạn để đảm bảo chất lượng cho món ăn, giúp thực khách có thể thưởng thức hương vị bánh một cách trọn vẹn nhất.
Tại xưởng bếp của chị Hương, bánh nếp nhân thịt mỡ có giá 15.000 đồng/chiếc, còn bánh nếp nhân tôm thịt giá 18.000 đồng/chiếc. Món bánh này cũng thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, trở thành món ăn quen thuộc của người Hà Nội đến tận ngày nay (Ảnh: Huong Thu Nguyen)
Cắn một miếng bánh nếp, thực khách sẽ cảm nhận được lớp vỏ mềm mỏng, dẻo mịn cùng phần nhân đỗ xanh, thịt mỡ đậm đà, béo ngậy với chút cay nhẹ của hạt tiêu và mùi thơm thoang thoảng của nước mắm. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau, lan tỏa khắp khoang miệng khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi đặc sản bánh nếp trứ danh của người Hà thành.
Ngoài gạo nếp, bánh bá trạng có các thành phần chính như trứng vịt muối, thịt heo, khoai sọ, thịt heo băm nhỏ hoặc thịt...