Người giữ hồn ẩm thực Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều chuyên gia ẩm thực đánh giá bà Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953, chủ nhà hàng Ánh Tuyết, số 22- 25 phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là người giữ hồn của ẩm thực Việt. Không phải vì bà biết chế biến nhiều món ăn, mà bởi mỗi món ăn và cách chế biến ấy ẩn chứa cả một chiều sâu văn hóa, mang đậm dấu ấn của mảnh đất kinh kì

Người giữ hồn ẩm thực Việt - 1

Học nấu ăn từ 9 tuổi

Nhà hàng Ánh Tuyết, nằm ở khu phố cổ từ lâu là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Họ đến không chỉ để thưởng thức những món ăn truyền thống của người Việt, mà còn tìm hiểu cách chế biến thực phẩm. Hơn hết, họ muốn gặp người phụ nữ đã giữ trọn hồn của ẩm thực Việt, bà Phạm Thị Tuyết.

Gặp chúng tôi khi bà đang hướng dẫn cách chế biến món nem cho một đoàn khách châu Âu. Đôi tay thoăn thoắt, bà trình diễn từng bước một, từ băm thịt, đánh trứng cho đến cách pha trộn gia vị, cuốn nem. Làm đến đâu, bà giới thiệu đến đấy bằng tiếng Anh. Các vị khách vừa chăm chú lắng nghe, vừa làm theo, có người hỏi lại. Khi hoàn thành sản phẩm, dù không đẹp, nhưng ai cũng thích thú. Nem chín, mỗi người một chiếc, ăn thử ai cũng phải thốt lên: “Yummy- ngon quá”, hoặc “Great- tuyệt vời”. Ai thắc mắc gì, bà tận tình giải đáp và nụ cười luôn nở trên môi. Bà bảo “Nụ cười là sợi dây vô hình, gắn kết tình cảm, cũng như chứng tỏ sự mến khách của mình, nhờ đó nhiều khách quốc tế rất ấn tượng khi tới đây”.

Người giữ hồn ẩm thực Việt - 2

Bà đến với ẩm thực không phải là sự tình cờ, mà là một quá trình khổ luyện, có sự hướng dẫn của những người thân trong gia đình.

 Năm 9 tuổi, cô cháu gái đã được bà ngoại tận tình chỉ bảo nữ công gia chánh. Bà được dạy từ những cái đơn giản nhất, như cách thái hành sao cho phù hợp với món canh, món xào, gọt củ làm sao để khi ăn không bị xơ. Bà rất ham học, cái nào chưa hiểu là hỏi ngay.

Trong năm, quan trọng nhất là những ngày Tết Nguyên đán, sau đó là những ngày giỗ chạp hay nhà có khách quý. Cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa rất trang trọng và cầu kỳ. Những món ăn trong ngày Tết cổ truyền gồm nhiều món, như măng, bóng thả, mực, nấm thả, miến, mọc, thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng…  Vì đã được hướng dẫn, dạy dỗ từ nhỏ, nên món nào bà cũng chế biến thuần thục, rất ngon và bắt mắt.

Đưa ẩm thực Việt ra nước ngoài

Bà Tuyết chưa bao giờ có ý định mở nhà hàng ẩm thực. Nói đúng hơn, bà học nữ công gia chánh là để “lấy chồng” và “không bị nhà chồng chê”. Do đó, từ khi lấy chồng đến năm 1990, bà chỉ nấu cho người nhà thưởng thức. Trong một lần họp lớp, bà làm món gà quay tẩm mật ong, mọi người ăn khen nức nở. Ai cũng bảo, bà nấu ăn  ngon, sao không mở cửa hàng. Được sự ủng hộ của bạn bè,  đến năm 1990, cửa hàng đầu tiên được vợ chồng bà thành lập. Ban đầu, cửa hàng chỉ bán giò, chả, gà nướng do chính tay bà làm. Đồ ăn ở cửa hàng bà ngon, lại không có hóa chất nên người tìm đến ngày càng đông.

Người giữ hồn ẩm thực Việt - 3

Hội chợ ẩm thực năm 2001, được tổ chức ở Khách sạn Horison, bà đăng ký tham gia với món gà quay tẩm mật ong. Giám khảo lúc đó là Tiến sĩ Trần Đáng - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và những thành viên khác đã phải sững sờ khi nếm món gà quay của bà. Ông Đáng đã nhận xét, món gà quay ấy được tẩm ướp, chế biến theo cách cổ truyền, không sử dụng hóa chất, lại giữ được các thành phần dinh dưỡng rất ít người làm được nên tặng Huy chương vàng. Từ đó, bà đầu tư mở rộng kinh doanh tại hai cửa hàng số 22 và 25 Hàng Mây – Hà Nội.

Với bà, điều trăn trở nhất là làm sao đưa được ẩm thực Việt ra thế giới. “Nhìn các nước khi nói đến tên, du khách sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực nước đó, tôi thèm lắm. Ví như nói tới Hàn Quốc, họ nghĩ ngay đến món Kim Chi, nói tới Nhật Bản, là biết đến món Shushi… Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là “mái nhà ẩm thực của thế giới”, vậy tại sao mình không làm được những điều như các nước đã làm”, bà Tuyết chia sẻ.  

Bà Tuyết thấy rằng, tìm hiểu ẩm thực nơi mình tới thăm là sở thích của hầu hết khách du lịch. Nhưng với Hà Nội, ẩm thực không đơn thuần là nghệ thuật ăn uống mà là sự kết tinh văn hóa ngàn năm lịch sử của chốn kinh kỳ, cách thưởng thức ẩm thực rất tinh tế. Vì vậy, họ đến đây không chỉ là thưởng thức món ăn mà còn là tìm hiểu một nghệ thuật ẩm thực của một dân tộc. Từ những trăn trở ấy, tại cửa hàng của mình, bà chế biến, trình bày hàng trăm món ăn cổ truyền Việt Nam. Từ năm 2002, hàng ngàn đoàn khách ngoại quốc đã đến nhà hàng này. Họ không chỉ tới thưởng thức ẩm thực, mà còn để được tận mắt chứng kiến cách chế biến những món ăn nổi tiếng của Hà Nội. Ai cũng ngạc nhiên, rồi thích thú, một số du khách muốn tận tay mình được chế biến thử. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để quảng bá ẩm thực Việt, bà đã mở các lớp chế biến món ăn Việt cho du khách. Người Mỹ, Australia thích chả nem, gà quay mật ong, người Nhật thì chỉ thích học và ăn món cổ truyền của người Việt như bánh chưng, bóng, nấm thả... Tại các lớp dạy, bà giúp học viên hiểu biết rõ sự tinh tế về mặt hương vị và ý nghĩa văn hóa của từng món ăn. Rau mùi ở nước ngoài thì dài và không đậm hương vị như Việt Nam. Trong các loại gia vị của Việt Nam, nước mắm là món ăn không thể thiếu trong chế biến món ăn, người nước ngoài thì lại thấy lạ lẫm và ngạc nhiên. Rồi người đi trước giới thiệu cho người đi sau. Các đài truyền hình, báo chí nước ngoài như BBC, New York Time… cũng có nhiều bài viết, nhờ đó nhiều du khách đã biết đến ẩm thực Việt. Tuy nhiên, sức bà cũng có hạn. Nhiều lần bà bày tỏ ý kiến, mong muốn các cơ quan chức năng tuyên truyền hơn nữa ẩm thực Việt ra nước ngoài. “Tôi chỉ là hạt cát nhỏ trong đại dương bao la. Nhưng còn sống ngày nào, tôi sẽ cố gắng để nhiều người sẽ biết đến ẩm thực Việt Nam”, bà Tuyết chia sẻ.

Nói về giới trẻ ngày nay, bà Tuyết cho rằng số người nấu được các món ăn truyền thống như xưa rất ít. Nhiều bạn trẻ đến khi lấy chồng không nấu nổi một món ăn ra hồn. Có thể vì công việc cơ quan, việc gia đình chiếm hết thời gian của họ. Nhưng cái chính là cách giáo dục ngày nay đã thay đổi, những giá trị truyền thống dần bị mai một. Ngay từ nhỏ, họ đã không đụng tay, đụng chân thì dù họ có tham gia học các lớp nữ công gia chánh 1-2 tháng cũng chẳng thấm tháp gì. Bởi để nấu được món ăn ngon, đậm đà hương vị dân tộc phải có một quá trình học hỏi, trau dồi lâu dài, thậm chí cả đời. Cũng chính vì thế, nhiều gia đình đã nhìn phụ nữ ngày nay với một con mắt khác. 

 Thùy Hương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.