Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Được làm từ nguyên liệu "độc dược" nhưng qua quá trình chế biến kỳ công của người vùng cao, món ăn này đã trở thành đặc sản hấp dẫn du khách với hương vị rất riêng không nơi nào có.

Không chỉ được biết đến là địa điểm du lịch nổi tiếng nơi địa đầu Tổ quốc mà Hà Giang còn hấp dẫn du khách bởi những đặc sản "độc nhất vô nhị". Trong đó phải kể đến cháo ấu tẩu - món ăn được ví như "độc dược" nhưng đã gắn bó với cuộc sống của bao thế hệ người dân vùng cao.

Món cháo này còn được người dân địa phương gọi là "cháo độc dược" hay "cháo chết người" bởi thành phần nguyên liệu đặc biệt. Đó chính là củ ấu tẩu.

Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang - 1

Củ ấu tẩu không chỉ là vị thuốc quý mà còn được chế biến thành món cháo độc đáo (Ảnh: Việt Anh).

Củ ấu tẩu còn có tên gọi là ô đầu hay phụ tử, thường mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh. Theo y học, ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng nên chữa bệnh rất tốt. Từ lâu người Mông đã dùng củ ấu tẩu ngâm để xoa bóp chân khi đau nhức hoặc chữa cảm gió rất hiệu quả.

Củ ấu tẩu bản chất rất độc nhưng qua quá trình sơ chế kỳ công bằng bí quyết riêng giúp làm giảm độc tính, người Hà Giang đã tạo nên một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng "trứ danh".

Để chế biến củ ấu tẩu thành món ăn rất công phu và mất nhiều thời gian. Người ta thường ngâm ấu tẩu trong nước gạo một đêm, sau đó rửa sạch, ninh khoảng 4 - 5 tiếng cho chất độc tiết ra hết, tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt.

Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn với gạo tẻ và nước hầm xương từ chân giò lợn, thêm tí gạo nếp cho đặc sánh, dậy mùi thơm. Để cháo nhừ và sánh nhuyễn, người ta đun cháo trên lửa nhỏ liu riu, lúc nào cũng bốc hơi lục sục.

Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang - 2

Cháo có vị đắng khá kén người ăn nhưng lại mang nhiều lợi ích sức khỏe (Ảnh: Đào Xuân Dương).

Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người nấu sẽ nếm thử một lượng nhỏ, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, chưa thể ăn. Chỉ khi không thấy tê đầu lưỡi tức là cháo chín, có thể thưởng thức.

Cháo ấu tẩu được ăn kèm thịt nạc băm, cho thêm quả trứng gà cùng với ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô để tăng thêm hương vị.

Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang - 3

Miếng ấu tẩu bùi, dẻo, hòa quyện với cái ngọt của nước hầm xương ninh và trứng, tạo cảm giác thú vị, mềm tan trong khoang miệng (Ảnh: Lê Quý).

Cháo nấu xong có màu nâu đậm, thoạt nhìn khá giống bát cháo lòng của người miền xuôi. Khi thưởng thức cháo, thực khách đầu tiên sẽ cảm nhận được vị đắng như củ tam thất từ ấu tẩu rồi dần dần thấm thía được cái vị bùi, béo và thơm của nước hầm xương.

Cháo ấu tẩu Hà Giang có suốt bốn mùa nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của người dân nơi đây, cháo phát huy tác dụng tốt nhất khi qua giấc ngủ đêm. Bởi vậy người ta thường ăn món cháo này vào ban đêm.

Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang - 4

Với người dân vùng cao Hà Giang, cháo ấu tẩu từ lâu đã trở thành món ăn đêm thường nhật (Ảnh: Khương Hoàng Anh).

Những người trung tuổi ăn cháo ấu tẩu để bồi bổ xương cốt, còn với du khách đường xa, người buôn bán tứ xứ lại coi món ăn này như liều thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc, lấy lại giấc ngủ sâu và khoan khoái sau ngày dài lao động vất vả.

Kỳ lạ món cháo "có độc" chỉ ăn buổi tối, vị đắng ngắt ở Hà Giang - 5

Mỗi bát cháo ấu tẩu có giá khoảng 30.000 đồng. (Ảnh: @vancoco).

Ban đầu, cháo ấu tẩu chỉ được biết đến như món ăn giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người dân Hà Giang đã thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" ở vùng cao nguyên đá khiến thực khách gần xa ăn một lần là nhớ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thảo Trinh (Báo Dân Trí)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.