Khách du lịch ngạc nhiên trước đặc sản cá lau kính nướng ở Cần Thơ
Đến TP Cần Thơ, anh Bùi Văn Hồ (SN 1988) bất ngờ trước món cá lau kính đã trở thành đặc sản. Mỗi ngày, chủ quán có thể bán được 50kg cá.
"Thịt chắc thơm, khiến người ta liên tưởng đến thịt gà", anh Hồ chia sẻ về trải nghiệm thưởng thức cá lau kính, chiều 14/7. Trong chuyến du lịch Cần Thơ, anh được người dân địa phương giới thiệu đặc sản cá lau kính, được bán tại quận Thốt Nốt.
Cá lau kính được biết đến là loài cá ngoại lai, ăn tạp, sinh sản nhanh. Loài cá này có tập tính hút rong rêu, chất nhớt, con trưởng thành có độ dài 30-50cm.
Theo lời chia sẻ của chủ quán, anh từng thưởng thức cá lau kính qua lời giới thiệu của bạn bè. Thấy món ăn độc lạ, anh quyết định mở bán. Cá lau kính nếu không được xử lý cẩn thận sẽ có mùi tanh khó chịu. Cá được mổ lấy màng đen trong bụng, rửa sạch qua 3-4 lần nước, ướp gia vị gồm sả, mỡ hành và nướng trên lửa than.
Cá lau kính mất 15 phút để làm sạch và từ 20-30 phút để làm chín cá từ ngoài vào trong. Trong lúc nướng, người bán phải trở cá liên tục để cá không cháy khét, lớp vảy của cá cũng khá dày.
Lớp vảy cá khá dày và cứng, không thể ăn được (Ảnh: NVCC).
Thời gian đầu, mỗi ngày chủ quán chỉ có thể bán được 10kg cá, sau tăng gần lên 40-50kg cá, nhận được sự ủng hộ của khách hàng.
Theo anh Hồ, cá lau kính từng được xem là loài cá "bỏ đi". Vì thế, anh đã bất ngờ khi cá lau kính được chế biến thành món nướng, luộc sả thơm ngon. Tại Cần Thơ, anh được thưởng thức cá lau kính cùng rau răm, diếp cá, chấm với muối tiêu hoặc nước mắm.
Vảy cá lau kính khá cứng, bén có thể làm đứt tay, anh buộc phải gỡ thật cẩn thận. "Trứng cá khá béo bùi. Thịt cá săn chắc, ngọt thơm mùi sả. Cá lau kính buộc phải dùng nóng, nếu không sẽ rất tanh. Đây là trải nghiệm rất thú vị của mình", anh Hồ mô tả.
Cá lau kính được nướng cùng sả để dậy mùi thơm (Ảnh: NVCC).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết cá lau kính khá phổ biến ở các tỉnh miền Tây. Theo bác sĩ, cá lau kính không có nhiều chất dinh dưỡng nhưng vẫn có thể ăn được.
"Đây là loại cá ngoại lai nên hiện chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về chúng. Mọi người nên cẩn thận trong cách chế biến và phải biết rõ cá mình chuẩn bị ăn có nguồn gốc từ đâu (sông nào, hồ nào). Cá không có độc tố nhưng môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến cá và ảnh hưởng đến người ăn cá", bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Kiệt, cá lau kính không nên dùng làm thực phẩm hằng ngày, bởi cá không giàu chất dinh dưỡng.
Kon Tum là vùng đất của những món ăn siêu lạ và độc đáo hiếm nơi có như: bún đỏ, gỏi lá, cá gỏi kiến vàng…