Gỏi bòn bon dân dã mà ngon

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Muốn lên quê tôi, bạn hãy đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam), theo đường 616 khoảng 25 km về phía Tây sẽ đến Tiên Châu, huyện Tiên Phước. Vào mùa bòn bon, hai bên đường và trong chợ, đâu đâu cũng thấy bày bán bòn bon.

Bòn bon là loại trái cây đặc sản Quảng Nam nhưng chỉ có ở các huyện Tiên Phước, Ðại Lộc, Đông Giang, Nam Giang mới có. Và cũng chỉ ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước trồng được giống bòn bon mang hương vị đậm đà, ngọt ngào đã làm say lòng bao du khách.

Gỏi bòn bon dân dã mà ngon - 1

Quả bòn bon.

Bòn bon ra hoa vào tháng 4 Âm lịch, từng chuỗi hoa màu trắng xen vàng lấp lánh, thơm lừng trong gió. Ðến chừng tháng 7 bòn bon kết trái; tháng 9, 10 là thu hoạch. Mùa bòn bon chín chỉ kéo dài chừng một tháng. Khi chín trái bòn bon có màu vàng nhạt như mỡ gà, trông rất đẹp.

Quả có từng múi, mỗi múi mang một hột bên trong, nhưng chỉ có 1 hạt lớn, số múi còn lại là hạt lép. Hạt bòn bon có vị đắng nên khi ăn chỉ "nhấp nháy" để thưởng thức cái mùi vị thơm ngọt của bòn bon rồi nuốt luôn cả hột vì không tách riêng được múi với hạt.

Các bậc cao niên xã tôi cho hay, vào mùa Hè năm Ất Mùi, Ðức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn (Vua Gia Long) khi còn chống với Tây Sơn đã có lần nhờ trái bòn bon của Ðại Lộc để đỡ đói trên bước đường bôn tẩu nên loại trái cây này được mệnh danh là "Nam trân" (trái quý ở phương Nam) từ đó. Cho nên bòn bon là một loại trái cây đặc sản của vùng rừng núi Quảng Nam.

Ngày xưa, bòn bon được xem là một sản vật quý dùng để tiến vua chúa trong các dịp lễ. Ngày nay, do giá trị kinh tế mang lại, bòn bon đã được trồng và bán công khai rộng rãi ở khắp nơi.

Khi phong trào ẩm thực càng ngày càng đa dạng và phong phú, món gỏi bòn bon, thứ quả đặc sản Quảng Nam được các "nghệ nhân ẩm thực", nhà hàng kỳ công chế biến món gỏi bòn bon với tôm, thịt, vừng rang… rất thơm ngon, đặc sắc. Nhiều cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia có món gỏi bòn bon làm "nức lòng" khứu giác, vị giác người xem nên được các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như nghệ thuật trang trí cho nên gỏi "bòn bon tôm thịt" có thể nói là tinh hoa ẩm thực của người dân đất Quảng.

Gỏi bòn bon dân dã mà ngon - 2

Món "gỏi Nam trân" với tôm, thịt.

Gỏi bòn bon dân dã mà ngon - 3

Món "gỏi Nam trân" với tôm, thịt, mực…

Cách chế biến món gỏi bòn bon như sau: Chọn những chùm bòn bon có quả to, đều, vỏ màu vàng sáng. Ngoại tách từng múi bòn bon khoảng một bát ăn cơm. Tiếp đến ngoại luộc thịt heo ba chỉ thái mỏng. Tôm sú luộc (bỏ một ít vỏ chanh vào), bóc vỏ, bỏ đầu, đuôi. Vừng (mè) trắng rang vàng. Ớt bằm và thái sợi một ít dùng để trang trí. Tỏi băm nhuyễn. Chanh (một trái) vắt lấy nước cốt. Rau răm thái nhỏ.

Làm nước trộn gỏi như sau: Chanh vắt nước cốt hòa với  một muỗng đường, một muỗng mì chính, một muỗng tỏi băm, một muỗng ớt bằm, một muỗng nước mắm ngon trộn đều. Tiếp đến, cho bòn bon đã tách múi vào tô cùng tôm, thịt ba chỉ, rau răm.

Tiếp theo, đổ nước cốt vào trộn đều. Rắc vừng rang và bóp bánh tráng nướng giòn (hay phồng tôm), ớt thái sợi lên trên. Món "gỏi Nam trân" có vị chua ngọt của bòn bon ở xứ Quảng vùng cao, vị thơm béo của thịt heo ba chỉ ở đồng bằng, ngọt đậm của tôm ở xứ biển khơi rì rào sóng vỗ khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi.

Gỏi bòn bon dân dã mà ngon - 4

Du khách Âu Mỹ thích thú thưởng thức món "gỏi Nam trân".

Mấy năm gần đây, thị trường trái cây trong nước xuất hiện loại quả  bòn bon "ngoại", trái lớn và ngọt. Tuy nhiên, loại "Thái trân" này ăn tươi rất ngon nhưng làm món gỏi thì không đạt do vượt quá "ngưỡng ngọt" của món gỏi bòn bon.

"Lụt nguồn trôi trái bòn bon / Tặng em ăn thử nhớ hồn quê hương" - câu ca đã trở thành quen thuộc với người dân xứ Quảng quê tôi. Xa quê đã lâu, giờ đây mái tóc đã lên màu "sương khói", mỗi lần đến mùa bon bon, tôi lại nhớ da diết về quê hương xứ Quảng với món "gỏi bòn bon dân dã mà ngon" dễ "nơi mô" có được.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Tiên Sa

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.