Bún riêu cua đồng ấm lòng ngày mưa
Về Long An thời điểm này, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh nước lũ tràn đồng trắng xóa, dân chài quăng lưới kéo cá.
Mùa nước nổi về, cua đồng béo ngậy rất thích hợp để nấu bún riêu cua
Khi con nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc miền Tây nói chung và Long An nói riêng bước vào mùa nước nổi. Về Long An thời điểm này, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh nước lũ tràn đồng trắng xóa, dân chài quăng lưới kéo cá. Hành trình khám phá vùng sông nước sẽ thêm phần thú vị nếu như du khách thưởng thức những món đặc sản mùa nước nổi, trong đó có bún riêu cua đồng.
Không đợi đến mùa nước nổi, cua đồng có quanh năm nhưng mùa này cua nhiều, chắc thịt. Mỗi vùng, miền có cách chế biến món bún riêu cua đồng khác nhau. Riêng bún riêu cua của miền Tây có vị đậm đà, ngọt đậm. Ngoài ra, cách trình bày món ăn có phần đơn giản như tính cách người dân miền sông nước này.
Tỉ mỉ qua từng công đoạn nấu bún riêu cua đồng, chị Lê Hoàng Việt (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: "Cứ mỗi độ nước lên, các con lại đòi ăn bún riêu cua đồng. Những ngày lũ về, chồng tôi dùng trái bắp sống bỏ vào lọp đặt ven sông để bắt cua đồng, một phần dùng nấu bún riêu, số cua còn lại đem cho hoặc bán để kiếm thêm chút thu nhập".
Cua làm sạch, phần gạch để riêng, khi xào xong sẽ cho vào giúp nồi bún riêu cua thêm vàng óng. “Tôi học nấu món này từ mẹ. Hồi đó, cua thường được giã nát bằng chày chứ không cho vào máy xay như bây giờ. Giã cua là nhiệm vụ của cha tôi vì tay đàn ông khỏe mạnh hơn. Mẹ nấu cua trong một cái nồi, khi nước sôi thì lược qua nồi khác. Sau đó, mẹ cho mớ gạch cua đã phi hành, tỏi vào” - chị Việt nói.
Bún riêu cua là món ăn mà gia đình chị Lê Hoàng Việt ưa thích trong mùa nước nổi
Bún riêu chị nấu hoàn toàn từ cua đồng. Phần váng cua đồng thơm ngon, mềm và dai, ăn rất ngon chính là điểm khác biệt về hương vị với bún riêu cua ở những nơi khác. Đặc biệt, nước dùng bún riêu cua được hầm từ xương để có vị ngon ngọt tự nhiên. Phần riêu cua được trộn với thịt xay, trứng thành món chả cua thơm ngon. Bên cạnh đó còn có thể thêm huyết heo, chả chiên, đậu hủ chiên, ốc,... Bún riêu được ăn kèm với rau đắng, rau muống, bắp chuối bào, thêm vài lá húng lủi mới đúng điệu. Nhắc đến bún riêu thì không thể thiếu mắm tôm. Múc muỗng mắm tôm hòa vào tô bún dậy mùi thơm.
Những ngày mưa, cả nhà quây quần bên nồi bún riêu cua mà cảm nhận bao mệt nhọc tan biến. Bình dị, mộc mạc thôi nhưng tô bún riêu cua đồng khiến những ai lớn lên từ đất quê ruộng làng, những ai được dịp thưởng thức khó lòng mà quên.
Thu về, trời trở lạnh, chẳng ai nỡ bỏ qua món ốc trinh nữ nóng hổi thơm ngon cả.