'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Thường bị nhầm lẫn là thức ăn đường phố trong mắt du khách, ‘quán’ là mô hình kinh doanh chứa đựng cả trái tim và linh hồn của văn hóa ẩm thực TP.HCM”, anh Ray Kuschert, người Úc sống ở TP.HCM gần 10 năm, chiêm nghiệm.

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 1

Bún bò tại một quán ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Tất cả những gì bạn cần làm là chạy xe đến và gọi món. Thậm chí chẳng cần tắt máy xe đâu, nhân viên quán sẽ mang ra cho bạn một bữa ăn trọn vẹn, được gói mang về, trong vòng 1-2 phút, và bạn cứ thế bon bon về nhà thưởng thức bữa tối của mình. RAY KUSCHERT

Quán là nơi người ta bán thức ăn, thường chuyên một món nào đó, có chỗ cho khách ngồi lại ăn và cả bán mang về.

Ở TP.HCM, bạn có thể dễ dàng thấy hàng ngàn quán bán từ cơm tấm, phở bò, đến món ăn các vùng miền khác như bún bò Huế, bánh khọt Vũng Tàu, hay bún chả Hà Nội...

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 2

Món nem nướng Nha Trang tại một quán ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Thật khó để tìm một từ tương đương với "quán" trong tiếng Anh, dịch sát nhất chắc là từ "shop" - cửa hàng. Quán không phải là thức ăn đường phố, nhưng cũng không phải là nhà hàng.

Thực tế, ở TP.HCM, quán còn nhiều hơn thức ăn đường phố, và những nơi này phục vụ thức ăn vừa chất lượng, lại rẻ, và bán suốt ngày đêm.

Không giống như những người hàng rong bán thức ăn đường phố chỉ bán trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, các quán ăn thường mở cửa từ sáng sớm để phục vụ đồ ăn sáng đến khuya, đôi khi có chỗ mở suốt 24 tiếng. Quán là nơi đáng tin cậy để mua được thức ăn ngon, an toàn và nhanh chóng.

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 3

Menu tại một quán phở ở Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Khi mới đến TP.HCM vào 10 năm trước, tôi được dẫn đi ăn ở một quán phở tại Gò Vấp. Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng nóng hừng hực, chúng tôi dừng xe máy trước một quán ăn nhỏ, có 6 chiếc bàn bên trong và 2 bàn ngoài vỉa hè.

Bước vào trong, người bạn Việt Nam hỏi tôi muốn ăn phở tái hay chín. Lúc đó tôi chẳng biết gì nên bạn gọi món cho tôi luôn, rồi chúng tôi ngồi vào chiếc bàn mà một gia đình trước đó vừa rời đi.

Chỉ trong vòng 90 giây, một cô nhân viên trong quán nhanh chóng dọn hết tất cả các chén dĩa dơ, lau bàn, lấy thêm rau, rồi ngay sau đó hai tô phở nóng bốc khói được bày ra trước mặt chúng tôi.

Thú thật tôi đã sốc khi chứng kiến toàn bộ quá trình chóng vánh ấy. Nếu là ở nước tôi, chắc phải đợi từ 5-10 phút mới có đồ ăn. Và có thể tôi phải tự dọn bàn luôn.

Đây chính là ý nghĩa thực sự của thức ăn nhanh. Dù là bánh xèo, phở, cơm tấm hay bất kỳ món ăn Việt Nam nào khác, tốc độ ra món tại quán ăn cũng quan trọng không kém độ tươi ngon và hương vị của món ăn đó.

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 4

Phở tại một quán ở quận 12, TP.HCM - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Chắc hẳn các bạn cũng từng xem các video so sánh thức ăn đường phố ở Việt Nam với ngành công nghiệp thức ăn nhanh của thế giới rồi đúng không?

Những ông lớn trong ngành thức ăn nhanh đã phải vật lộn hàng năm trời để có chỗ đứng trong thị trường ẩm thực ở đây. Một số người tin rằng hai thế mạnh của các doanh nghiệp này - là tốc độ và hương vị - không thể nào sánh được với thức ăn đường phố ở Việt Nam.

Thật vậy, trong lĩnh vực này thì quán ăn chính là "người hùng" thật sự. Người ta mất hàng giờ để chuẩn bị món ăn nhưng chỉ vài phút, có khi là giây, sau khi bạn bước vào quán là có đồ ăn rồi. Đây mới chính là thức ăn nhanh đúng nghĩa.

Một điểm đặc biệt nữa, cũng tương tự như thức ăn đường phố, các quán ăn này phục vụ bạn "ngay trên đường".

Tất cả những gì bạn cần làm là chạy xe đến và gọi món. Thậm chí chẳng cần tắt máy xe đâu, nhân viên quán sẽ mang ra cho bạn một bữa ăn trọn vẹn, được gói mang về, trong vòng 1-2 phút, và bạn cứ thế bon bon về nhà thưởng thức bữa tối của mình.

Thêm vào đó, các dịch vụ giao đồ ăn cũng "ăn nên làm ra" nhờ các quán ăn này. Dù các dịch vụ này phục vụ tất cả các loại đồ ăn, thì sự khác biệt về tốc độ và chi phí giữa đồ ăn quán địa phương và các đối thủ đến từ nước ngoài cũng dễ thấy.

Tài xế ra vào quán ăn nhanh như một cơn gió, lấy đồ ăn bạn đặt, rồi mang đến tận nhà chỉ trong vài phút. Đây là điều mà các cửa hàng thức ăn nhanh phương Tây vẫn đang gặp khó khăn ở thị trường Việt Nam, đó là chưa kể đồ ăn ở các quán Việt Nam thường rẻ hơn 50% so với các món burger.

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 5

Shipper nhận cháo ếch tại một quán ở Phú Nhuận, TP.HCM để giao cho khách - Ảnh: BÔNG MAI

Sẽ không có dịch vụ nào nhanh hơn thế ở bất cứ đâu trên thế giới, ngay cả dịch vụ "drive-thru" (khách hàng lái xe đến các cửa hàng và ngồi trong xe gọi món luôn mà không cần xuống xe) của Mỹ cũng không thể nhanh được như vậy.

Ở các nước phương Tây, tốc độ của thức ăn nhanh thường được tính bằng phút. Một nhà hàng drive-thru có thể phục vụ bạn trong vòng 5-7 phút, một nhà hàng pizza sẽ chuẩn bị bánh cho bạn trong vòng 15 phút, hoặc các cửa hàng đồ Thái hoặc Ấn Độ mang về cũng cần khoảng 20 phút.

Mà đó là nếu bạn đợi ở cửa hàng, còn gọi món từ nhà thì hãy cộng thêm 15-20 phút nữa, và rõ ràng là định nghĩa thức ăn nhanh ở hầu hết các nước phương Tây là 30 phút đến một tiếng từ khi gọi món đến khi ăn.

Có thể nói, quán ăn là một lực lượng "siêu anh hùng" trong nền ẩm thực Việt Nam. Các đầu bếp bắt đầu ngày mới thậm chí trước khi mặt trời mọc, để chuẩn bị những món ăn có hương vị hoàn hảo cho thực khách đến ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, đôi khi là xen kẽ vào những bữa đó.

Và thực khách luôn có được bữa ăn tươi ngon với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của đồ ăn nhanh phương Tây.

'Fastfood' ở Việt Nam không phải burger hay pizza mà có tên là 'QUÁN' - 6

Một quán bò né ở TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Nhưng hơn thế nữa, mỗi quán ăn là một trải nghiệm mà ở đó, những món ăn được nấu bằng tình cảm và mang sứ mệnh giữ vững danh tiếng của một gia đình, hay có khi là cả một vùng, về chất lượng và hương vị.

Không khó để thấy cả gia đình nào đó mua đồ ăn sáng ở cùng một quán đến 5-6 ngày một tuần. Người ta ăn quán mỗi ngày vì đồ ăn quán có khi còn rẻ hơn tự nấu ở nhà.

Quán, không phải là hàng rong, cũng không phải là nhà hàng, mà nơi đó mang lại cảm giác giống như bạn được mời đến nhà một ai đó để ăn một bữa ăn được nấu với tất cả đam mê, đủ sức làm bạn vui và quay lại hết lần này đến lần khác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

RAY KUSCHERT - NHÃ XUÂN chuyển ngữ (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.