Bánh mì Việt Nam - Niềm tự hào của dân tộc
Ngày trước, khi bánh mì Việt Nam mới ra đời, bánh chủ yếu được làm bằng thủ công, mọi thứ đều do người làm bánh đổ cả công sức và thời gian để cho ra đời bánh mì, nhào nặn, tạo hình và nướng bánh. Thậm chí, việc đo lường nhiệt độ, người làm bánh đôi khi phải dùng cánh tay của mình để xem sức nóng đã vừa chưa. Vì vậy, nói ổ bánh mì được gói ghém cả cái tình của người làm bánh là vậy.
Bánh mì Việt Nam là một món ăn mang hương vị đặc biệt, cả người Á lẫn Âu đều có thể dùng được. Bánh mì Việt Nam gần giống như baguette (bánh mì của Pháp), thế nhưng vỏ bánh mỏng, ruột đặc. Điều này làm cho bánh trở nên giòn mềm, ai cũng có thể dùng được. Còn bánh mì của Pháp thường vỏ dày, cứng, nên người Việt và người Á sẽ khó ăn hơn, kén người ăn hơn. Người châu Âu khi đến Việt Nam du lịch, họ thường sẽ tìm bánh mì Việt Nam, họ muốn tìm hiểu điều gì tạo nên sự khác biệt ấy và phần lớn du khách rất thích thú.
Ở khắp đất nước Việt Nam đều có bánh mì. Nhưng ấn tượng về bánh mì Sài Gòn nhiều hơn, vì khắp nơi ở Sài Gòn đều có bánh mì. Từ những lò bánh mì làm thủ công, cho đến bánh mì sản xuất ở xưởng với quy mô lớn đều có ở Sài Gòn. Nhiều người cho rằng cái nôi của bánh mì Việt Nam là ở Sài Gòn. Bánh mì Sài Gòn rất hào sảng như người Sài Gòn với nhiều cách ăn kèm khác nhau. Ở Sài Gòn, bánh mì có thể thay thế cho bữa ăn. Thay vì ăn cơm, phở, người ta có thể thay thế bằng ăn bánh mì. Chính điều đó mà bánh mì vẫn luôn tồn tại, phát triển, các xưởng, các lò bánh mì cũng không ngừng phát triển tạo thành cái nghề.
Là một người chuyên nghiên cứu về làm bánh mì, thậm chí nghiên cứu cả máy làm bánh mì, bản thân tôi cũng có nhiều suy nghĩ, làm sao để bánh mì Sài Gòn ngày càng phát triển. Trong đợt ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhìn thấy người nông dân, đặc biệt là người trồng thanh long phải bán rẻ, thậm chí đổ đống. Công sức để họ chờ ngày thu hoạch xem như đổ bỏ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã bàn bạc cùng với gia đình, suy nghĩ để tìm ra công thức làm ra bánh mì thanh long. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng bánh mì thanh long đã hoàn hảo để giới thiệu đến mọi người. Nhưng nếu một mình tôi thì chắc chắn sẽ không giúp gì được nhiều cho người nông dân, vì thế tôi đã công bố công thức làm bánh mì thanh long. Tôi hy vọng, mọi người ai cũng sẽ làm được bánh mì thanh long. Từ đó, bánh mì Sài Gòn giờ đây có thêm bánh mì thanh long, khắp đất nước Việt Nam rồi cũng sẽ có bánh mì thanh long. Có như vậy thì bánh mì thanh long sẽ trở thành dấu ấn riêng của Việt Nam. Tôi không muốn gọi là giải cứu, mà là góp phần giải quyết được lượng thanh long của người nông dân. Mặt khác, góp phần phát triển bánh mì Việt Nam, tạo được ấn tượng với bạn bè nước ngoài. Điều đó khiến tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Có dịp tham gia hội đồng ban giám khảo cho các cuộc thi quốc tế về làm bánh mì, tôi mới cảm nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè các nước dành cho bánh mì Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay, xưởng bánh của tôi đang xuất khẩu bánh mì đi Nhật Bản. Điều đó cho thấy, rõ ràng bánh mì Việt Nam có một vị trí riêng và còn có thể vươn xa hơn. Từ đó, bản thân tôi thấy càng phải có trách nhiệm tiếp tục phát triển bánh mì, đưa bánh mì Sài Gòn nói riêng, bánh mì Việt Nam nói chung vươn ra thế giới.
Kao Siêu Lực
Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn ông Kao Siêu Lực đã giúp chúng tôi thực hiện bài viết này.