Chuyên gia nhận định ra sao về xu hướng tỷ giá?
Thời gian qua, đồng USD suy yếu nhưng VND lại mất giá là một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm.
Tại hội thảo “VPBankS Talk 5: Đầu tư thông minh cùng AI – Từ dữ liệu đến quyết định” tại TP.HCM chiều ngày 8/7, các chuyên gia cùng đưa ra nhận định về xu hướng tỷ giá.
Đánh giá về tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho biết, công ty đã dự báo ngay từ đầu năm 2025 rằng tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng bởi câu chuyện thuế quan. Vào thời điểm đó, VPBankS dự báo biến động trong biên 3% và dự báo này đã thành hiện thực. Giai đoạn 2016 – 2018, tỷ giá VND cũng đã biến động mạnh, khoảng 3 – 3,5%.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, khi các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng để sản xuất và “chạy thuế”, tăng trưởng nhập khẩu vọt lên 18%, còn xuất khẩu chỉ là 14%. Nhu cầu nhập khẩu tăng tạo áp lực lên tỷ giá. NHNN đã chủ động điều tiết tỷ giá liên ngân hàng lên vùng cao mới.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất cũng đang tạo áp lực lên tỷ giá. Thứ ba, nhà đầu tư trong nước tâm lý phòng ngừa trước biến động tỷ giá, thuế quan, làm nhu cầu USD trong nước lên rất cao. Hiện áp lực tỷ giá trong nước đã phần nào qua đi.
“Nửa cuối năm, câu chuyện tỷ giá vẫn sẽ còn nhiều nhiễu động. Vì vậy, mức biến động tỷ giá trong năm nay vẫn sẽ cao, có thể mất giá từ 3 – 3,5% hoặc cao hơn nữa. Tuy nhiên, đây có thể là kết quả để thích ứng cho một giai đoạn hoàn toàn mới về kinh tế, thương mại toàn cầu”, ông Sơn nêu quan điểm.
Theo vị này, tăng trưởng tín dụng 6 tháng vừa qua ở mức rất cao, gần như cao nhất kể từ COVID-19. Do nới lỏng tiền tệ, tài khóa nên phải chấp nhận việc tỷ giá suy yếu nhất định, lạm phát nhích lên trong khuôn khổ chấp nhận được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam nêu, 6 tháng qua, USD mất giá khoảng 10,6% so với các đồng tiền khác. Tiền đồng lại mất giá khoảng 2,9% so với USD. 6 tháng cuối năm, nhiều khả năng các áp lực làm cho tiền đồng mất giá có thể nhẹ đi rất nhiều. Bởi vậy, vẫn có kịch bản tiền đồng không mất giá nữa so với USD.
“Kịch bản trên phụ thuộc vào việc Fed hạ lãi suất hai lần trong quý IV và Việt Nam giữ nguyên lãi suất. Kịch bản này có khả năng cao sẽ xảy ra”, ông Thành đề cập.
Theo chuyên gia này, NHNN sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất hiện tại. Nếu có áp lực tăng lãi suất, đặc biệt trên thị trường liên ngân hàng, nhà điều hành sẽ tăng thanh khoản. NHNN chịu áp lực rất lớn trong việc không được tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng cũng sẽ không hạ lãi suất để ngăn tiền đồng mất giá thêm.
Tại cuộc họp báo công bố hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, về tỷ giá, trong bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế có nhiều biến động, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng thời sử dụng phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, đảm bảo các nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Tại họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết đến hết tháng 6/2025, VND đã mất giá khoảng 2,8% so với USD.
Ông Quang lý giải, một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, khi lãi suất trong nước được điều hành giảm mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Khi mặt bằng lãi suất VND thấp, đã đẩy chênh lệch lãi suất giữa USD và VND xuống mức âm, khiến các dòng tiền ngắn hạn có xu hướng chuyển sang nắm giữ USD. Từ năm 2024 đến nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tục bị rút khỏi thị trường chứng khoán, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đẩy mạnh chuyển lợi nhuận về nước, tạo áp lực đáng kể lên cung – cầu ngoại tệ, từ đó tác động tới tỷ giá.
Trong nửa cuối năm 2025, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá, tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và định hướng thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ở trong nước, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng ông Quang nêu dữ liệu của Cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng nhưng không đủ bù đắp cho số doanh nghiệp đóng cửa. Điều này cho thấy nội lực phục hồi còn yếu và tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm vẫn thiếu tính bền vững. Điều đó sẽ tác động ngược trở lại đến điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định nhà điều hành thường xuyên cập nhật diễn biến của thị trường để đưa ra giải pháp phù hợp, điều hành tỷ giá linh hoạt theo cung – cầu thị trường, đảm bảo các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ.