Ngân hàng số: 119 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, toàn ngành ngân hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học cho hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng, góp phần giảm mạnh tình trạng gian lận và lừa đảo tài chính, thúc đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng.

Ngân hàng số: 119 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học - 1Tại cuộc họp báo ngày 8/7 công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, đại diện NHNN thông tin, các tổ chức tín dụng (TCTD) và trung gian thanh toán đã hoàn tất xác thực sinh trắc học đối với hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) tính đến ngày 27/6. Việc xác thực được thực hiện thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID, đạt 100% tổng số tài khoản cá nhân có phát sinh giao dịch trên kênh số.

Ở khối khách hàng tổ chức, hơn 1,1 triệu hồ sơ cũng đã hoàn tất xác thực, tương ứng hơn 100% số tài khoản thanh toán tổ chức có phát sinh giao dịch số. Đồng thời, gần 86 triệu tài khoản không còn hoạt động đã được rà soát, loại bỏ khỏi hệ thống, góp phần nâng cao tính minh bạch và giảm rủi ro trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Theo NHNN, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ định danh và xác thực sinh trắc học đã mang lại hiệu quả rõ rệt. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong năm 2025 đã giảm tới 57%; số lượng tài khoản bị lợi dụng để nhận tiền lừa đảo cũng giảm 47%.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện khung pháp lý cho thanh toán không tiền mặt

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành ngân hàng tiếp tục chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số. NHNN đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng triển khai thanh toán số, ứng dụng công nghệ mới, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình giao dịch.

Đến nay, phần lớn các dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa, với tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại nhiều ngân hàng đạt trên 95%. Hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam ngày càng mở rộng và thông minh, cho phép người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, vay vốn… ngay trên thiết bị di động.

Các dịch vụ như mở tài khoản, phát hành thẻ, sử dụng ví điện tử, gửi tiết kiệm kỳ hạn, chuyển tiền, vay vốn đã được số hóa hoàn toàn. Việt Nam hiện cũng là một trong những quốc gia tiên phong kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và Lào – bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực, đặc biệt trong khối ASEAN.

Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tiếp tục vận hành an toàn, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp trên cả nước.

Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động thanh toán không tiền mặt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh: tổng số giao dịch tăng 45,44% về lượng và 25,21% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Riêng kênh Internet tăng 46,09% về số lượng và 34,46% về giá trị. Song song đó, các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống tiếp tục được NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường, nhằm bảo vệ người dùng và duy trì vận hành bền vững.

Hơn 17,2 triệu tỷ đồng tín dụng hỗ trợ sản xuất, ưu tiên lĩnh vực trọng điểm

Cũng tại buổi họp báo, NHNN công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng tính đến ngày 30/6, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Nguồn vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng và công nghệ số.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ các TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, qua đó thúc đẩy cho vay đối với nền kinh tế. Đồng thời NHNN cũng yêu cầu các TCTD nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay thực chất.

Về tỷ giá, trong bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế có nhiều biến động, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng thời sử dụng phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, đảm bảo các nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các TCTD chủ động điều hành hoạt động tín dụng. Đồng thời, ngành ngân hàng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu.

Một số chương trình tín dụng trọng điểm tiếp tục được triển khai như: gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; Chương trình 500.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng, công nghệ số và các dự án trọng điểm; tín dụng ưu đãi cho ngành nông – lâm – thủy sản…

Với những giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các nhiệm vụ điều hành, NHNN tiếp tục triển khai tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đến nay, công tác quản trị điều hành tại các ngân hàng đã được nâng cao, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. NHNN cũng tích cực xử lý nợ xấu tồn đọng và phòng ngừa phát sinh mới, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống.

Đáng chú ý, NHNN tiếp tục giữ vững vị thế là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính trong 7 năm liên tiếp trong khối các bộ, ngành. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) đã phối hợp với Cục C06 – Bộ Công an thực hiện 6 đợt đối chiếu, làm sạch dữ liệu khách hàng, xử lý khoảng 57 triệu lượt hồ sơ theo hình thức offline.

Tổng kết, nửa đầu năm 2025 ngành ngân hàng ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số, phát triển thanh toán không tiền mặt và đảm bảo an ninh tài chính. Việc hoàn tất xác thực sinh trắc học cho toàn bộ tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch là bước ngoặt quan trọng, góp phần minh bạch hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam phát triển bền vững.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Huyền

CLIP HOT

Biển Phú Quốc sóng to, du khách vẫn thích tắm
Biển Phú Quốc sóng to, du khách vẫn thích tắm

Những ngày gần đây đảo ngọc Phú Quốc thường xuyên có mưa nhưng không ngăn được lượng khách đến các điểm vui chơi. Tại nhiều bãi biển sóng rất to nhưng du khách vẫn đổ xô tắm.