Xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại trở thành "kỳ lân" của du lịch Việt Nam
Chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, du lịch xứ Thanh – Xứ sở của những truyền thuyết, huyền thoại, đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng ''quán quân'' hút khách du lịch 9 tháng đầu năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố, đầu tiên là TP.HCM, sau đó là Hà Nội, và thứ ba là Thanh Hoá.
Thanh Hóa đã đón hơn 10,38 triệu lượt khách trong 9 tháng, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, vượt qua nhiều tỉnh, thành khác.
Danh thắng Kim Sơn - "Tuyệt tình cốc" của Thanh Hóa. Ảnh: K.S
Xứ Thanh – vùng đất của lịch sử, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Từ buổi bình minh trên núi Đọ - bình minh của loài người, xứ Thanh vinh dự và tự hào là quê hương trống đồng Đông Sơn với nền văn hóa – văn minh rực rỡ, nơi lưu lại nhiều dấu ấn đặc sắc về thời đại Hùng Vương.
Chính bởi cái danh giá ngàn năm ấy đã đúc kết, hình thành một kho tàng văn học dân gian đa dạng, đặc sắc. Trong đó, xứ Thanh được xem như là xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại.
Sau đại dịch, biển Sầm Sơn đón lượng khách kỷ lục. Ảnh: K.P
Nhắc đến huyền thoại xứ Thanh, chẳng ai bảo ai, tâm trí mỗi người lại nhớ tới vùng đất biển Sầm Sơn xinh đẹp, đầy nắng gió. Về Sầm Sơn nghe biển thì thầm kể chuyện chàng Độc Cước xẻ thân mình giúp người dân đánh tan loài quỷ biển, bảo vệ bình yên cho xóm, làng.
Và trong lời hát của đá núi ngày hôm nay chẳng thể nào thiếu được khúc ca tình yêu nhuốm sắc màu huyền thoại - Hòn Trống Mái. Câu chuyện tình nghĩa phu thê son sắt, thủy chung của đôi vợ chồng nghèo sống chết có nhau trong cơn đại hồng thủy ở Sầm Sơn thuở nào khiến trời xanh cảm động, hóa phép cho họ thành đôi chim đêm ngày quấn quýt bên nhau.
Cảnh đẹp ở Thanh Hóa khiến du khách không thể rời xa. Ảnh: Quách Nam
Nương theo những câu chuyện cổ tích, chúng ta ghé thăm vùng đất ven biển Nga Sơn – nơi có động Từ Thức (xã Nga Thiện) gắn liền với thiên tình sử giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương. Cũng trên vùng đất biển ấy, các thế hệ người dân tự bao đời nay vẫn say mê kể chuyện về chàng hoàng tử Mai An Tiêm vì làm phật ý vua cha nên bị đày ra một hoang đảo (thuộc huyện Nga Sơn ngày nay).
Không chỉ là một “Thanh Kỳ khả ái”, Thanh Hóa tự lâu đã được biết đến là nơi “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của các triều đại phong kiến, cái nôi sản sinh nhiều bậc vua, chúa và các anh hùng hào kiệt, văn nhân xuất chúng. Trong đó nổi bật nhất là truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, có 102 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong cả nước; có núi, rừng, sông, hồ, hang, động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, với trên 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng; trên 300 lễ hội truyền thống; nhiều nét đặc sắc văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số... là một trong những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Thành nhà Hồ là tòa thành cổ và là một trong số các di sản văn hóa tiêu biểu của nhà Hồ để lại đến ngày nay. Ảnh: K.P
Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai đón và phục vụ khách theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Sau sự kiện mở đầu là lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa, từ tháng 3 đến nay, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch với các địa phương có kết nối đường bay, các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh, thành phố là thị trường trọng điểm về du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nền tảng số; thực hiện chiến dịch quảng bá “Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Mùa hè năm 2022 chứng kiến sự “hồi sinh” mạnh mẽ của ngành du lịch Thanh Hóa khi các địa phương, điểm đến đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu Du lịch biển Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Lam Kinh (Thọ Xuân); Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Pù Luông (Bá Thước)... Cùng với đó là hàng loạt các điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới như du lịch nông trại, camping đầy hấp dẫn.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, trong 9 tháng, toàn tỉnh đã đón hơn 10,3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 110 nghìn lượt), tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 103,9% kế hoạch; doanh thu ước đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 106,4% kế hoạch đề ra. Với kết quả đó, Thanh Hóa là 1 trong 3 địa phương thu hút lượng khách lớn nhất của cả nước (chỉ sau TP.HCM và Hà Nội).
Chưa ai đến Lam Kinh mà không một lần trầm trồ trước sự cổ kính, trang nghiêm của các toà miếu điện, lăng tẩm; càng không thể cưỡng lại sức hút từ vẻ đẹp trong xanh, khoáng đạt của khối “kiến trúc xanh” đa tầng, vốn là sự hài hoà của cỏ cây và đất trời nơi đây. Ảnh: BTH
Riêng thành phố biển Sầm Sơn đón lượng khách kỷ lục hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm 2022. Với quyết tâm trở thành “thành phố của lễ hội”, hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đã được tổ chức hoành tráng, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Trước thời cơ mới, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.