Xây dựng thương hiệu đô thị TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khi quá trình đô thị hóa trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá thương hiệu với tiêu chí sáng tạo đi đôi với phát triển bền vững

Quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu đô thị một cách tổng thể trên toàn quốc và cho từng đô thị cụ thể.

Thương hiệu đô thị

TP.HCM đã có tên thương hiệu với bề dày lịch sử. Bởi lẽ đó, xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị TP HCM mang tầm cỡ quốc tế là hoàn toàn có thể thực hiện được. Bằng việc kết nối các mối quan hệ giữa đô thị học với các ngành nhân học, địa lý, xã hội, nghệ thuật và kinh tế, sẽ gợi mở, định hướng và đề xuất nhiều giải pháp trong việc xây dựng thương hiệu đô thị TP HCM một cách sáng tạo, nhân văn và mang bản sắc riêng.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thương hiệu vốn là một khái niệm quan trọng trong môn tiếp thị hàng hóa, ngày nay được dùng rộng rãi sang nhiều lĩnh vực khác. Vào thập kỷ 90, nhiều chuyên gia tiếp thị bắt đầu đưa ra ý tưởng về tiếp thị nơi chốn (place marketing). Tạo thương hiệu đô thị (urban branding) là quá trình truyền bá hình ảnh đô thị đến thị trường mục tiêu (như khách tham quan, người sinh sống và làm việc tại chỗ, khối kinh doanh và công nghiệp, xuất khẩu) thông qua các thông tin, ký hiệu và biểu trưng (logo) nhằm thu hút mối quan tâm và sự ưa chuộng đối với hàng hóa và dịch vụ được cung ứng tại đô thị đó. Muốn vậy, thương hiệu đô thị phải nêu bật được các đặc trưng độc đáo của đô thị nhằm giúp công chúng nhận dạng được đô thị và liên tưởng đến các mặt tốt đẹp của nó, từ đó nảy sinh nguyện vọng đến sống, làm việc, tham quan, nghỉ ngơi giải trí hoặc học hành hay chữa bệnh… tại nơi này. Thương hiệu giúp cho đô thị từ một nơi chốn trở thành một điểm đến.

Từ lâu, TP HCM đã có thương hiệu là "Hòn ngọc Viễn Đông", đến nay khi quá trình đô thị hóa trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, thương hiệu trên cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá với tiêu chí sáng tạo đi đôi với phát triển bền vững.

Xây dựng thương hiệu đô thị TP.HCM - 1

Xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị TP HCM mang tầm cỡ quốc tế là hoàn toàn có thể thực hiện Ảnh: Hoàng Triều

Phát triển đô thị hiện đại và bền vững

Nhắc đến một đô thị hiện đại, chúng ta phải thấy được chất lượng cuộc sống của cư dân ở đó và chất lượng môi trường tự nhiên xung quanh, sau đó là sự hài hòa của các yếu tố như cơ cấu, chức năng, tổ chức giao thông, điều kiện tự nhiên, xã hội trong đô thị. Phát triển đô thị hiện đại nhưng phải bền vững, làm thế nào để đô thị hiện đại gắn kết với vùng miền, có sự lan tỏa và gắn kết giữa các đô thị khác nhau.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh, việc phát triển đô thị hiện đại và bền vững đặt ra bài toán cho chính phủ. Việt Nam đã áp dụng chiến lược biến thách thức thành cơ hội, sống thích ứng để bền vững. Mục tiêu là từng đô thị sẽ có những chiến lược phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.

Tại TP HCM, chìa khóa marketing đô thị được coi là một quá trình dài hạn từ phân tích hiện trạng, cơ hội, tài sản đô thị; xác định và lựa chọn tầm nhìn, mục tiêu phát triển bền vững cho đô thị; cụ thể hóa kế hoạch/ dự án cho các chủ thể tham gia phát triển đô thị; thực hiện các công cụ và triết lý marketing về không gian, tài chính, tổ chức và quảng bá; theo dõi và đánh giá thường xuyên kết quả của hoạt động marketing đô thị. Hoạt động quảng bá đô thị góp một phần trong toàn bộ quá trình marketing đô thị và không thể thay thế cho thực hành marketing chiến lược. Xây dựng thương hiệu đô thị, trong nhiều trường hợp được hiểu là sự phát triển logo và khẩu hiệu quảng bá đô thị.

Thứ nhất, đó là nhu cầu cải thiện vị thế của TP HCM trong các bảng xếp hạng đô thị, đại diện cho góc nhìn về năng lực cạnh tranh liên đô thị. Thứ hai, những yếu tố chính về hình ảnh quốc tế của đô thị gắn liền với quan điểm tự do đã làm lu mờ các khát vọng phát triển khác của đô thị. Marketing đô thị như một phương thức định hình lại hình ảnh đô thị và xây dựng thương hiệu đô thị TP HCM.

Trước tiên, xác định tầm nhìn cho đô thị, đưa ra các mục tiêu marketing chính: xây dựng TP HCM là đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với 4 chiều hướng ưu tiên nhằm tập trung vào các thực hành marketing đô thị (đô thị văn hóa, đô thị hội họp, đô thị kinh doanh và đô thị dân cư) được coi là then chốt, tài sản quan trọng của TP HCM. Mục tiêu của marketing đô thị là duy trì và phát triển vị trí của TP HCM.

TP HCM nên xem xét có nên tuyển chọn một công ty chuyên về marketing truyền thông - một nền tảng được xây dựng bởi đội ngũ các nhà sáng tạo đảm nhiệm quảng bá một "TP HCM - Hòn ngọc Viễn Đông mới" ra toàn thế giới thông qua hoạt động quảng cáo và marketing sáng tạo, như: Các sự kiện văn hóa - ẩm thực; chính sách tuyên truyền quảng bá quốc tế mới; chuyển đổi số trong đô thị hay một chiến dịch xây dựng thương hiệu đô thị mới.

Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo

Mạng lưới thành phố sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, phim, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc. Hiện nay, trên thế giới đã có 246 thành phố tham gia mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Tại Việt Nam, có một số thành phố như TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới này. Đặc biệt, lấy thước đo của quy hoạch đô thị hiện đại, bền vững là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm chất lượng đời sống của cư dân trong khu đô thị và chất lượng môi trường, tự nhiên xung quanh. Đồng thời quy hoạch đô thị trung tâm hướng đến mục tiêu kết nối vùng kinh tế tốt hơn, biểu hiện là hệ thống giao thông hướng tâm rõ ràng - hướng phát triển đô thị tại TP HCM, vừa học hỏi quốc tế song vừa có hướng đi khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và văn hóa của địa phương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An Ngọc (Người Lao Động)