Vu Lan – Đại lễ của lòng hiếu thảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tháng Bảy âm lịch tới, ấy là lúc những cơn mưa ngâu lất phất bay, thời khắc báo hiệu mùa Vu Lan đã về, trời đất giao hòa trong bản nhạc hoan ca kính lễ, đan vào dòng đời những bâng khuâng, vương vấn những xúc cảm hướng về nguồn cội, để tỏ bày lòng hiếu đạo biết ơn.

Vu Lan – Đại lễ của lòng hiếu thảo - 1

Phật tử làm lễ trong mùa Vu Lan

Trong dòng chảy của văn hóa Việt từ nghìn đời nay, hiếu là đạo. Đạo hiếu là lẽ sống là kim chỉ nam xuyên suốt trong mọi phong tục tập quán của người Việt Nam, mà lễ hội Vu Lan báo hiếu vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với mẹ cha.

Theo HT.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN, nguồn gốc lễ Vu lan báo hiếu xuất phát từ Kinh Vu Lan, Phật kể câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ mình là bà Thanh Đề đã qua đời thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Để làm được điều này, Mục Kiền Liên đã tìm đến đức Phật và được Phật dạy: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, phải nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương. Ngày rằm tháng bảy là ngày chư Tăng tự tứ sau ba tháng an cư kết hạ, tu học tinh nghiêm, đạo lực mạnh mẽ là ngày thích hợp, hãy sắm sửa lễ vật dâng cúng vào ngày đó và cầu thỉnh chư Tăng chú nguyện cho mẹ ông. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Vu Lan – Đại lễ của lòng hiếu thảo - 2

Tinh thần cốt lõi nhất trong ngày lễ Vu Lan ngày rằm tháng Bảy là chữ “Hiếu”. Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường của mọi Phật tử. Không hiếu đạo với mẹ cha thì không thể là một Phật tử chân chính. Vì thế ngày “Vu Lan” diễn ra vào tiết tháng Bảy với người Việt là một ngày linh thiêng trong tâm thức của mỗi người.

Chữ “hiếu” không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của mỗi người con chúng ta, ở tấm lòng thành kính, ở cách sống và làm việc trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo đến với thế hệ sau. Như vậy, đạo hiếu là thiết thực đối với mỗi chúng sinh, không phải chỉ khi cha mẹ lâm chung, mà chính là khi mẹ cha còn hiện hữu cũng như lúc già yếu, ốm đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần.

Bao đời nay, Vu Lan trở thành một ứng xử nhân văn cao đẹp trong xã hội, góp phần vào việc duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con “Uống nước nhớ nguồn”. Hơn thế chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị xã hội lên án, chê cười.

Vu Lan – Đại lễ của lòng hiếu thảo - 3

Vu lan là ngày lễ truyền thống hàng năm nhằm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ

Trong lễ Vu Lan, diễn ra nghi lễ cài hoa hồng, một nghi lễ mang ý nghĩa sâu sắc. Để nhắc nhở chúng ta những ai cài hoa hồng đỏ trên ngực là những người may mắn đang còn cha, còn mẹ. Những bông hồng trắng nhớ thương dành cho những ai không còn được cha mẹ kề bên…

Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu Lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày “xá tội vong nhân”. Xưa kia cha ông quan niệm rằng, sống ở trên đời không phải ai khi mất đi cũng có người thân hương khói, cúng giỗ. Vì thế ngày Rằm tháng Bảy người sống giúp đỡ cho các “vong nhân” hay những người từng làm điều ác bằng việc thắp hương, cháo loãng, bỏng ngô… để cầu mong cho linh hồn họ được siêu thoát.

Đặt sang một bên quan niệm của một thời về “hai thế giới”, chúng ta nhận ra ở đây một yếu tố quan trọng góp phần làm nên cốt cách và truyền thống văn hóa nhân ái, là quan niệm bao dung để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, bình an. “Xá tội vong nhân” vừa là tình cảm dành cho những con người không may mắn, vừa thể hiện lòng vị tha với những người từng làm điều xấu. Chính những điều này góp phần duy trì nền tảng đạo đức của xã hội Việt Nam truyền thống.

Một mùa Vu Lan nữa lại đến, cũng là dịp mà chúng ta hướng về cha mẹ để tỏ bày lòng hiếu đạo, biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bùi Trung Dũng

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!