Vấn đề liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông TP.HCM
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên ngành, liên vùng. Liên kết, hợp tác phát triển tuyến điểm du lịch đường sông giữa TP.HCM và các tỉnh thành Nam Bộ sẽ tạo thế mạnh cho du lịch khu vực, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên ngành, liên vùng. Liên kết, hợp tác phát triển tuyến điểm du lịch đường sông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Nam Bộ sẽ tạo thế mạnh cho du lịch khu vực, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch.
Bài báo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phước Hiền và Đinh Thị Quỳnh Như - Khoa du lịch và Việt Nam học, Đại Học Nguyễn Tất Thành khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông trong hệ thống liên kết các tuyến điểm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý trong phát triển, khai thác hiệu quả và bền vững loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Tạp chí Du lịch TP.HCM đăng tải toàn văn bài nghiên cứu của nhóm tác giả.
Ảnh: Pham Van Huong.
1. Giới thiệu
Liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vi nội vùng và liên vùng với các địa phương Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ dựa trên cơ sở phân công lao động với các lợi thế so sánh tài nguyên du lịch khác nhau là tiền đề nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển du lịch vùng nói chung và đầu tư công nói riêng. Liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường với hệ thống tuyến điểm du lịch vùng được bố trí trên một không gian lãnh thổ nhất định, tạo nên các cực tăng trưởng du lịch. Khi các chủ thể kinh doanh du lịch đường sông cũng như các địa phương được thực thi các quyền hành trong khung khổ liên kết với các lợi ích cụ thể sẽ là tiền đề để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các liên kết đầu tư phát triển du lịch trên không gian các vùng liên kết du lịch. Du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây bắt đầu hướng tới các liên kết phát triển vùng và liên vùng, song chưa thật sự khai thác hết tiềm năng và lợi thế phát triển của mình.
2. Khái quát về vai trò của quản lý nhà nước và liên kết tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh
Liên kết du lịch nội vùng hay liên vùng cần thiết phải có sự điều tiết và quản lý của nhà nước thông qua đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật, kích thích đầu tư vào du lịch, cung cấp các ưu đãi tài chính, quảng bá - chi tiền cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế, điều phối hoạt động của các cơ quan chính phủ khác nhau liên quan đến du lịch thiết lập một hệ thống các cơ sở giáo dục du lịch và cung cấp chương trình giáo dục và đào tạo du lịch. Trường hợp được nghiên cứu cụ thể qua các thời kỳ đổi mới kinh tế tại đất nước Trung Quốc [1]. Sự quản lý, giám sát của nhà nước từ địa phương đến trung ương đối với hoạt động kinh doanh du lịch là quan trọng cho phát triển du lịch bền vững [2]. Những thay đổi về chính trị và xã hội học đã ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với khách hàng [3]. Vai trò của nguồn nhân lực tại các tổ chức nhà nước trong việc đưa ra đường lối, chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, điểm đến và quốc gia hoạt động hiệu quả và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đương đại được đề cập và thảo luận [1]. Nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, cục bộ địa phương, vậy chính quyền địa phương nên thúc đẩy hay kìm hãm liên kết phát triển du lịch bền vững? Câu hỏi được đưa ra trong nghiên cứu của Ruhanen [4]. Nội dung quản lý nhà nước về du lịch theo Luật Du lịch 2017 (Điều 10) bao gồm: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch; (2) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động du lịch; (3) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch; (4) Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; (5) Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch; (6) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài; (7) Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch; (8) Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch; (9) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch.
Vậy có thể hiểu Quản lý Nhà nước về du lịch là: quá trình tác động của Nhà nước đến du lịch thông qua hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống chính sách pháp luật với mục tiêu phát triển du lịch đúng định hướng của Nhà nước, tạo nên trật tự trong hoạt động du lịch làm cho du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn. Đối tượng của sự quản lý đó chính là hoạt động du lịch, cơ quan tổ chức hoạt động du lịch và cả chính các du khách.
Nhận thấy tầm quan trọng của mình, hiệu quả kinh tế to lớn mà ngành du lịch mang lại. Nhà nước đã đưa ra nghị quyết số 08 NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quyết định số 1685/QĐ/Ttg ngày 15 tháng 12 năm 2018 của thủ tướng chính phủ quyết định phê duyệt đề án: cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nhằm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tại Bạc liêu, thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025 được ký kết ngày 14.12.2019. Ngày 28-6 năm 2020 tại Tây Ninh, đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận Liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ giữa UBND các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Du khách tham quan tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: Toquoc.vn.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện năm 2020 ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm giữa các địa phương bằng nhiều hoạt động thiết thực như: thực hiện các chương trình kích cầu du lịch giảm giá các sản phẩm du lịch tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; thực hiện khảo sát xây dựng, kết nối trên tuyến du lịch “Non nước hữu tình” (riêng tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa và Sắc màu vùng biên” giữa các tỉnh còn lại trong vùng chưa thể triển khai do dịch Covid-19; cùng tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt là đã cùng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid 19 còn nhiều phức tạp, phát triển du lịch phải gắn liền với phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Liên kết phát triển nhiều loại hình du lịch giữa các địa phương, khu vực trong giai đoạn hiện nay là nhu cầu cấp thiết. Với lợi thế dòng chảy và kết nối với hầu hết các tỉnh thành Nam Bộ. Du lịch đường sông thành phố Hồ Chí Minh cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về liên kết du lịch đường sông. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quảng tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 256 km, chiều rộng trung bình là 300m, chiều sâu khoảng 18m chảy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh là 80 km. Trong suốt triều dài phát triển của Gia định - Trấn Biên - Sài Gòn - Chợ lớn - Thành phố Hồ Chí Minh dòng sông đã và đang là đầu mối giao thông huyết mạch, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử - kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Ngày nay, từ sông Sài Gòn, thuyền du lịch không chỉ cập cảng Nhà Rồng, bến Bạch Đằng, Tân Cảng, Ba Son mà còn có thể đi sâu vào trong nội thành qua các kênh Lò Gốm, Tàu Hủ, rạch Thị Nghè, sông Giồng Ông Tố… hay đi xa hơn tới Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí kết nối cả với các nước trên thế giới qua các tuyến du lịch tàu biển, tàu sông. Theo thống kê từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 năm (2017 và 2018), số lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh và sử dụng loại hình du lịch đường thủy ước đạt khoảng 450 nghìn lượt khách/năm, với doanh thu đạt 540 tỷ đồng/năm. Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu tăng trưởng dòng khách du lịch đường thủy với tốc độ khoảng 15%/năm trong những năm tiếp theo. Đối với dòng khách quốc tế, lượng khách đến và sử dụng du lịch đường thủy đạt khoảng 470 nghìn lượt/năm và có tốc độ tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm. Trong những năm tiếp theo, doanh thu từ du lịch đường thủy (chủ yếu là tàu biển) phấn đấu đạt 1.220 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo. Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về lữ hành. Tổng cục Du lịch đã xây dựng trang web quanlyluhanh.vn. Tính đến tháng 5 năm 2021 có 2427 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 494 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa... Thành phố Hồ Chí Minh có 21 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông từ nội đô tới liên tuyến với nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau như: thuyền máy, canoe, tàu cao tốc, du thuyền, phà, tàu cánh ngầm, buýt sông, tàu ăn tối… Có 3 tuyến du lịch tầm ngắn: Tuyến 1: Tuyến nội đô hướng quận 1,4,6,8 đi trên kênh Tẻ, Kênh Đôi, Tàu Hủ, Lò Gốm, Bến Nghé, Tuyến 2: Đi làng Họa Sỹ, Tuyến 3: Tuyến đi Khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa trên sông Sài Gòn. Các tuyến du lịch đường sông tầm trung. Tuyến 4: Đi Củ Chi, có điểm đến cuối là địa đạo Bến Đình hoặc địa đạo Bến Dược. Tuyến 5: Tuyến hướng về khu vực công viên văn hóa lịch sử, chùa Hội Sơn (quận 9), dài 50 km, đi theo sông Sài Gòn. Các tuyến du lịch đường sông tầm dài. Tuyến 6: Hướng về Nhà Bè, Cần Giờ và có thể nối ra Vũng Tàu, dài hơn 75 km, đi theo các sông Sài Gòn, Nhà Bè và Lòng Tàu (hoặc Soài Rạp). Tuyến 7: Hướng đi Bình Chánh, Long An về các tỉnh miền Tây nối sang Campuchia đi theo kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm, Bến Lức ra sông Tiền ngược lên thượng nguồn sông Mekong. Từ thực tế các tuyến du lịch đang được khai thác hiện nay, du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh không thể phát triển một mình nếu không liên kết với khác địa phương hay không liên kết với các loại hình du lịch khác như: du lịch đường bộ, du lịch đường hàng không…, hay không liên kết với các lĩnh vực kinh tế khác như: thương mại, dịch vụ, truyền thông…, Công tác liên kết du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập như: trình độ nhân sự du lịch chưa đồng đều giữa các địa phương, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, giá thành cao, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân địa phương còn rời rạc, khi xảy ra sự cố trong phục vụ còn xảy ra tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng cáo, tiếp thị điểm đến… Do vậy, vai trò của quản lý nhà nước trong liên kết phát triển du lịch đường sông tại thành phố Hồ Chí Minh đang rất được quan tâm.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu liên kết phát triển du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo hai giai đoạn, sơ bộ bằng phương pháp định tính và chính thức bằng phương pháp định lượng. Phỏng vấn, thảo luận nhóm với 20 cán bộ quản lý, giảng viên thỉnh giảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của cuộc phỏng vấn này sau đó sẽ được tham khảo để thiết kế bảng câu hỏi khảo sát (định lượng) khách du lịch đường sông. Các giai đoạn được tiến hành cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Nghiên cứu sơ bộ định tính
Tác giả bài viết đã tiến hành phỏng vấn sâu 5 điều hành tour du lịch đường sông. 10 lãnh đạo cơ quan nhà nước, thảo luận nhóm đồng cấp 5 Thầy Cô giảng dạy các bộ môn chuyên ngành du lịch. Vai trò của nghiên cứu sơ bộ là hoàn thiện các vấn đề chưa biết, xác định rủi ro, giúp người nghiên cứu hoàn thiện mô hình nghiên cứu và bảng câu hỏi khảo sát trước khi đi vào nghiên cứu chính thức [6].
Giai đoạn 2: Nghiên cứu định lượng chính thức
Nghiên cứu định lượng bao gồm một loạt các phương pháp liên quan đến việc điều tra có hệ thống các hiện tượng xã hội, sử dụng dữ liệu thống kê hoặc số. Do đó, nghiên cứu định lượng quan tâm đến việc đo lường và giả định rằng các hiện tượng đang nghiên cứu có thể được đo lường. Nó đặt ra để phân tích dữ liệu cho các xu hướng và mối quan hệ và xác minh các phép đo được thực hiện. Theo (Encyclopedia, W.O. 2005.), nghiên cứu định lượng là thao tác đại diện và quan sát về mặt số học nhằm mục đích mô tả và giải thích các hiện tượng mà những quan sát đó phản ánh. Nó được sử dụng trong nhiều loại khoa học tự nhiên và xã hội, bao gồm vật lý, sinh học, tâm lý học, xã hội học và địa chất. Dựa trên kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bảng câu hỏi khảo sát khách du lịch tại bến Nhà Rồng, bến nội đô số 1 Hoàng Sa và phỏng vấn online. Số mẫu (n = 189). Nội dung bảng câu hỏi được thiết kế theo bảng câu hỏi Linkert chia thành 5 câu hỏi lớn tương ứng với 5 đánh giá của du khách về nhu cầu liên kết, sản phẩm liên kết, nội dung liên kết, thực trạng liên kết và vai trò của quản lý nhà nước trong liên kết phát triển du lịch đường sông. Mục đích của nghiên cứu định lượng là kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Thời gian phỏng vấn từ ngày 06/05/2021 đến ngày 20/05/2021.
4. Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với 189 khách du lịch đường sông, trong đó có 98 du khách nữ (chiếm tỷ lệ 51,8%). Du khách đến từ cả 3 miền nhưng khách du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất (52,6 %), du khách chủ yếu ở độ tuổi 18 đến 40 (95,5 %) với hình thức đi du lịch chủ yếu tự do (chiếm 65,7 %).
Có 165 câu trả lời 189 mẫu chiếm 87.3% trả lời cần phải liên kết phát triển du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh với các tình thành trong khu vực do tiềm năng và lợi thế sẳn có mà thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho thành phố. Du lịch đường sông rất phù hợp cho các đoàn khách nhóm nhỏ, gia đình, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường có 191 câu trả lời chiếm 96.2%. Liên kết du lịch đường sông tạo ra sản phẩm mới kích thích chi tiêu có 159 đồng ý chiếm 84%. Liên kết du lịch đường sông phát triển còn giảm tải cho du lịch đường bộ có 164 lựa chọn lý do này chiếm 86.7%. Có 187 trả lời chiếm 94% đồng ý xu hướng liên kết du lịch là xu hướng chung trên thế giới, du lịch đường biển, đường sông ngày càng trở nên phổ biến. Còn lại 36 trả lời chiếm 19% đưa ra lý do khác cần phải liên kết.
Tìm hiểu vai trò của quản lý nhà nước về liên kết triển du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nước đưa ra đường lối, chính sách pháp luật có 177 phiếu chiếm 93.6% trả lời. Đầu tư và thu hút đầu tư có 172 phiếu chiếm 91%, Phát triển các chương trình học tập, hội thảo, giáo dục có 159 phiếu chiếm 84%, các ý kiến khác có 39 phiếu trả lời chiếm 20%.
Đánh giá về vai trò của quản lý nhà nước đối với liên kết phát triển du lịch đường sông hiện nay. Chưa quyết liệt của các cơ quan chức năng nhà nước có 155 câu trả lời, chiếm 82%. Không có tầm nhìn chiến lược với 142 sự lựa chọn, chiếm 75%. Hạ tầng kết nối kém có 168 câu trả lời chiếm 89%. Công tác điều phối hoạt động liên kết chưa hiệu quả với 175 câu trả lời chiếm 92,5%. Chất lượng nguồn nhân lực chưa tốt 161 câu trả lời chiếm 85%. Các câu còn lại có 43 câu trả lời khác chiếm 22,7%.
Khi phỏng vấn du khách yêu cầu về sản phẩm liên kết là gì đối với tuyến du lịch đường sông: có 177 câu trả lời cần phải an toàn cho du khách và cộng đồng, chiếm 93,6%. Giá cả hợp lý có 174 sự lựa chọn chiếm 92%. Bảo vệ môi trường, du lịch du lịch bền vững có 182 lựa chọn chiếm 96%. Các lựa chọn khác có 35 câu trả lời chiếm 18,5%.
Liên kết phát triển du lịch đường sông của Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp có 143 câu trả lời chiếm 73,6% nhu cầu liên kết giữa doanh nghiệp và địa phương có 125 câu trả lời chiếm 66%. Tất cả các bên liên quan nhưng nhà nước đóng vai trò chủ đạo là số lượng cao nhất với 176 câu trả lời, chiếm 93%. Doanh nghiệp và người dân địa phương có 151 lựa chọn, chiếm 80%. Giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, xây dựng chương trình học tập, hội thảo, giáo dục có 138 câu trả lời, chiếm 73%. Những người còn lại là 49 câu trả lời chiếm 26%.
Liên quan đến thực trạng liên kết sản phẩm du lịch đường sông của Thành phố Hồ Chí Minh có 168 người đồng ý rằng sản phẩm còn đơn điệu chiếm 77%. Môi trường nước bị ô nhiễm có 159 câu trả lời chiếm 75,7%. Thiếu kết nối với đường bộ có 166 lựa chọn chiếm 81,3%. Thiếu hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí có 164 câu trả lời, chiếm 86,7%. Thiếu các hoạt động khuyến mại và tiếp thị với 160 sự lựa chọn, chiếm 84,6%. Mức độ phục vụ chưa thống nhất: 153 câu trả lời chiếm 81%. 41 câu trả lời còn lại chiếm 21,6%.
5. Tồn tại và nguyên nhân ảnh hưởng đến liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh
Hoạt động liên kết phát triển đường sông Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại những nguyên nhân, hạn chế ảnh hưởng hoạt động này như sau:
- Vai trò của nhà nước là quan trọng nhưng nhà nước không thể làm thay công việc của doanh nghiệp: Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch. Cụ thể sự liên kết giữa các tổ chức du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhau, với các đơn vị cung ứng du lịch đường sông tại các điểm đến vẫn còn mờ nhạt, không có hoạt động bán hàng, tiếp thị, quảng cáo chung thông qua tờ rơi, website, mạng xã hội… Có liên kết giữa các tổ chức kinh doanh du lịch đường sông với điểm đến nhưng còn lỏng lẻo, theo mối quan hệ cá nhân, “hợp đồng miệng” điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, không đồng nhất, sự cạnh tranh không lạnh mạnh giữa các nhà cung cấp dịch dịch vụ, sự non kém trong tổ chức điều hành. Thực tế cho thấy mỗi đơn vị kinh doanh du lịch tàu sông đều có sản phẩm du lịch riêng, nhắm tới thị trường khách khác nhau như công ty Thuyền Đông Dương và công ty Thuyền Sài Gòn chẳng hạn. Nhu cầu của khách du lịch luôn luôn thay đổi và khác nhau, hôm nay họ muốn trãi nghiệm du thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn nhưng lần sau họ lại muốn trãi nghiệm tour lãng mạn trên sông sông Thị Nghè. Đây là vấn đề đặt ra để sớm có giải pháp khắc phục.
- Trình độ chuyên môn về du lịch của lãnh đạo địa phương không đồng đều và còn nhiều hạn chế. Phần lớn cán bộ không được đào tạo đúng chuyên nghành du lịch, được thiên chuyển hay kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau nên không đủ thời gian và năng lực cho hoạt động chuyên trách. Điều đó cũng xảy ra với quản lý kinh doanh, nhân viên phục vụ tại các đơn vị du lịch đường sông dẫn đến việc tham mưu, sự hiểu biết về nhu cầu, đặc điểm của khách du lịch còn khiêm tốn. Sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dịch vụ trong liên kết du lịch đường sông.
- Các sản phẩm du lịch đường sông còn thiếu tính đa dạng, đặc trưng, chuyên biệt. Hình thức tổ chức còn giống nhau chưa có sự đổi mới sáng tạo trong dịch vụ nhằm đáp ứng nhiều đối tượng khách du lịch hay phù hợp với điều kiện tự nhiên cảnh quan đôi bên bờ sông. Vì thế khó lòng thu hút và giữ chân được khách du lịch trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt hiện nay.
- Công tác quảng bá hình ảnh du lịch đường sông và liên kết du lịch đường sông trong vùng du lịch chưa được nhà nước quan tâm, phạm vi liên kết còn giới hạn, sự hỗ trợ, giao lưu học hỏi lẫn nhau chưa nhiều. Mặc dù nhà nước có sự hỗ trợ quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế nhưng tần suất ít, chưa giới thiệu từng điểm đến cụ thể. Các tổ chức du lịch chỉ dừng lại ở dạng các bài viết, hình ảnh trên website, mạng xã hội về sản phẩm của địa phương hoặc công ty mình mà chưa có sự phối hợp hợp tác thị trường du lịch, điểm đến du lịch. Vì nhiều lý do, các địa phương, đơn vị lữ hành chưa thiết tha đầu tư xúc tiến liên kết phát triển du lịch đường sông.
Ảnh: Klook.
6. Giải pháp phát huy liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh
Dựa trên cơ sở kết quả có được về nhu cầu, thực trạng, nội dung, sản phẩm liên kết du lịch đường sông, vai trò của quản lý nhà nước trong hoạt động liên kết phát triển du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhận định những nguyên nhân, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động liên kết tuyến điểm du lịch đường sông. Tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm liên kết phát triển tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh:
- Chính quyền địa phương cơ quan ban ngành liên quan cần đóng vai trò trung gian kết nối giữa các tổ chức kinh doanh, điểm đến du lịch với nhau. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ hội thảo giữa nhà nước, tổ chức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ, người dân địa phương để tăng cường mối liên kết hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo sự đồng thuận cao giữa các bên liên quan. Nhà nước cần rà soát đánh giá lại chính sách pháp luật, qui hoạch, đào tạo để có chương trình liên kết phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực.
- Nhà nước cần liên kết với các trung tâm đào tạo tổ chức các khóa học nâng cao trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng kiến thức du lịch đường sông cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách. Ngoài ra, cần có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho nhà cung cấp dịch vụ bao gồm cộng đồng dân cư địa phương, nhà quản lý nguyên du lịch, tổ chức kinh doanh du lịch… nhằm tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhà nước nên khuyến khích các điểm du lịch, vùng du lịch… cần tích cực trao đổi kinh nghiệm thông qua các chuyến giao lưu, học tập thực tế mô hình liên kết thành công nhằm nâng cao tổ chức điều hành quản lý, phục vụ du khách.
- Nhà nước cần phối hợp với các bên liên quan để có chính sách thu hút đầu tư phát triển: Nhà nước cần có chính sách thuận lợi, rõ ràng minh bạch kêu gọi nguồn lực nhà nước tư nhân cùng tham gia đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nhiều hơn nữa cho tuyến điểm du lịch đường sông như cầu tàu, bến đỗ, dễ dàng và tiện lợi cho kết nối giữa các loại hình du lịch, điểm đến du lịch với nhau, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu tính bản địa vùng miền. Thu hút thêm nhiều đối tượng du khách trong nước và quốc tế.
- Xây dựng hình ảnh chiến lược quảng bá hình ảnh liên kết tuyến điểm du lịch đường sông bài bản: Liên kết tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng phát triển, chính vì thế không thể thiếu một chiến lượng quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch bài bản. Điều này cần sự phối hợp đồng bộ của cơ quan nhà nước quản lý về du lịch, các cơ quan ban ngành địa phương, tổ chức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ, cộng đồng địa phương trong khu vực liên kết. Sự thống nhất về hình ảnh, nội dung, tần xuất, phương tiện quảng cáo cần phải tổ chức chuyên nghiệp qui mô và có tính liên tục định kỳ, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương và qui định pháp luật.
7. Kết luận
Xu hướng du lịch đô thị, du lịch sinh thái, du lịch đường sông… ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Liên kết để phát triển là nhu cầu tất yếu không chỉ đối với ngành du lịch mà còn đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đứng trước những thuận lợi và thách thức đối với ngành du lịch nói chung, tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần phải liên doanh, liên kết với các loại hình du lịch khác, vùng du lịch khác để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm chung của tất cả các địa phương liên quan nhưng thể hiện rõ nhất là vai trò của quản lý nhà nước. Thông qua những giải pháp được đề xuất trong bài viết, tác giả mong muốn góp phần nhỏ bé trong việc nghiên cứu về liên kết phát triển du lịch đường sông nhằm đưa liên kết tuyến điểm du lịch Việt nam nói chung và liên kết tuyến điểm du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
1. Zhang, H.Q., K. Chong, and J.J.T.M. Ap, An analysis of tourism policy development in modern China. 1999. 20(4): p. 471-485.
2. Dinica, V.J.J.o.S.T., Governance for sustainable tourism: a comparison of international and Dutch visions. 2009. 17(5): p. 583-603.
3. Dredge, D. and M.J.J.o.S.T. Whitford, Event tourism governance and the public sphere. 2011. 19(4-5): p. 479-499.
4. Ruhanen, L.J.J.o.S.T., Local government: facilitator or inhibitor of sustainable tourism development? 2013. 21(1): p. 80-98.
5. Schensul, S.L., J.J. Schensul, and M.D. LeCompte, Essential ethnographic methods: Observations, interviews, and questionnaires. Vol. 2. 1999: Rowman Altamira.
6. Watson, R.J.N.S., Quantitative research. 2015. 29(31): p. 44.