Thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch một mặt góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.

Đó là đánh giá chung của cơ quan chức năng và các chuyên gia, nhà quản lý về hiện trạng phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Nam. Chủ đề này cũng được thảo luận sâu tại Hội thảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024 ngày 25/10 vừa qua.

Sông Đầm (thành phố Tam Kỳ) sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, hiếm có, mức độ đa dạng sinh học cao, cùng với di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh (vừa được công nhận điểm du lịch năm 2023) là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ và khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Nam trong tương lai. Theo Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. 

Thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - 1

Sông Đầm ở thành phố Tam Kỳ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Thắng cảnh này được chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển trở thành khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo hướng lồng ghép công viên thiên nhiên cảnh quan, nghỉ ngơi, trải nghiệm, hoạt động cộng đồng; làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn, phát triển…

Tuy nhiên, sông Đầm đang đối mặt với hiện trạng suy giảm đa dạng sinh học. Theo UBND thành phố Tam Kỳ, có 5 nguyên nhân, gồm có: biến đổi khí hậu, lũ lụt, việc xả thải từ các khu công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân, khai thác tận diệt. 

Thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - 2

Rừng dừa Cẩm Thanh ở Hội An) chịu ảnh hưởng từ sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch.

Sông Đầm là một trong số những điểm đến nằm trong câu chuyện cân bằng giữa phát triển du lịch với giữ gìn môi trường sinh thái tại Quảng Nam. 

Nói về câu chuyện này, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: “Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến (overtourism) như Cẩm Thanh hay Cù Lao Chàm (Hội An)… tác động tiêu cực các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường; ảnh hưởng các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học”.

Trong khi đó, các sản phẩm được định hướng đầu tư, khai thác như du lịch sâm, dược liệu, du lịch dưới tán rừng, du lịch hồ thủy điện... trên địa bàn Quảng Nam vẫn đang dừng ở mức khảo sát tiềm năng, công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, khai thác loại hình du lịch này đã được tích cực triển khai nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi do còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư, khai thác…

Thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - 3

Du khách nước ngoài trải nghiệm Lễ hội xuống đồng tại Cẩm Châu (Hội An).

Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, Học Viện nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, chính quyền Quảng Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch bền vững và bảo tồn thiên nhiên, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ hệ sinh thái địa phương. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn và rừng nguyên sinh còn hạn chế, thiếu các trung tâm thông tin, nhà nghỉ thân thiện với môi trường, cũng như hệ thống vệ sinh và quản lý chất thải tại chỗ.

Đặc biệt, Quảng Nam còn thiếu các cơ sở phục vụ cho các hoạt động du lịch sinh thái chuyên biệt như trung tâm nghiên cứu thiên nhiên, cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn, điểm cung cấp dịch vụ trekking và cắm trại; thiếu một sản phẩm du lịch đột phá, sản phẩm du lịch sinh thái hiện nay còn khá đơn điệu, chưa có tính sáng tạo hoặc tạo điểm nhấn riêng để thu hút khác…

Thách thức trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học - 4

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An).

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải cho rằng, địa phương này cần thiết lập các quy định bảo vệ môi trường và tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức. Cùng với đó, tăng cường đầu tư hạ tầng xanh và năng lượng tái tạo như: lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các cơ sở lưu trú ở Cù Lao Chàm, phát triển hạ tầng giao thông xanh, xây dựng trạm xử lý nước thải ven biển…

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải đề xuất Quảng Nam nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch sinh thái và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng nhằm tạo liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Quảng Nam có thể tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp phát triển du lịch xanh như: khuyến khích tổ chức các tour sinh thái ở Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, phát triển homestay sinh thái ở các làng quê, tổ chức tour du lịch kết hợp học tập ở các vườn quốc gia. Các khách sạn tại Hội An có thể áp dụng chương trình tiết kiệm nước và điện, đồng thời sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng…

Cùng với đó, tỉnh này nên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển bền vững với việc triển khai hệ thống giám sát chất lượng nước tại khu vực lặn ngắm san hô Cù Lao Chàm, đảm bảo môi trường biển không bị ô nhiễm; sử dụng drone để theo dõi tình trạng rừng và sinh vật hoang dã ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh…

Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương phát triển du lịch quan trọng với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” và xây dựng Bộ Tiêu chí Du lịch xanh. Với quan điểm đó, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.

Nhiều địa phương, điểm du lịch của Quảng Nam nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, ví dụ như Làng rau Trà Quế được tổ chức UN Tourism vinh danh là Làng du lịch tốt nhất Thế giới năm 2024- Giải thưởng sẽ được UN Tourism trao với tháng 11 tại Colombia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam được nhận giải thưởng World Travel Awards 2024 Asia's ở hạng mục Leading Regional City Tourist Board 2024 (Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á); Hội An ở hạng mục Asia's Leading Culture City Destination 2024 (Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á)…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỹ Linh