Người Khơ Mú ở Điện Biên gìn giữ bản sắc để trao truyền cho thế hệ mai sau

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Giữa rừng muôn hoa, ngàn hương sắc của cộng đồng 54 dân tộc, người ta vẫn nhận diện được từng tộc người nhờ vào những đặc trưng của phong tục, tập quán hay tín ngưỡng, lễ nghi và đặc biệt là bộ trang phục. Người Khơ Mú cũng không phải ngoại lệ.

Giản dị mà tinh tế là những gì người ta cảm nhận được khi đến thăm những bản làng người Khơ Mú ở Điện Biên. Cuộc sống vật chất nơi đây tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại mang bản sắc độc đáo riêng, đặc biệt là những bộ trang phục chàm đen đặc biệt.

Theo TS Vi Văn An, Hội dân tộc học và Nhân học Việt Nam, dân tộc Khơ Mú có nguồn gốc từ Lào, dưới tác động của lịch sử, họ từng bước rời khỏi quê hương theo sơn lộ, dịch chuyển dần sang Việt Nam. Hai điểm đến của người Khơ Mú trên lãnh thổ Việt Nam là vùng rừng núi Tây Bắc và miền Tây Thanh Nghệ. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Thái nên nhiều phong tục tín ngưỡng của người Khơ Mú cũng vì thế mà bị mai một.

Người Khơ Mú ở Điện Biên gìn giữ bản sắc để trao truyền cho thế hệ mai sau - 1

Khung cửi đơn giản của người Khơ Mú. Ảnh: Lương Trọng Giáp

Quãng thời gian đầu định cư, do phải sống lệ thuộc người Thái nên họ mượn trang phục người Thái làm trang phục cho mình. Thói quen ấy đã bén rễ trong suy nghĩ của người Khơ Mú qua nhiều thế hệ. Sau này, khi cây bông bắt đầu hiện diện trên các nương rẫy đồng thời trong các gia đình của người Khơ Mú xuất hiện khung cửi thì nghề dệt vải mới manh nha hình thành và lâu dần người Khơ Mú đã tự hoàn thiện cho mình bộ trang phục truyền thống riêng.

Xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên là nơi có đông người Khơ Mú sinh sống. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Theo bà Lò Thị Tưởng (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng), trước đây ông bà mặc giống người Thái, sau này tự học cách trồng bông, nuôi tằm, tự sáng tạo cho mình khung dệt để làm ra vải vóc. “Người dân ở đây quý bộ trang phục truyền thống lắm vì phải trải qua rất nhiều công đoạn mới làm được bộ áo quần, khó khăn lắm”, bà Tưởng cho biết.

Mặc dù mang nhiều yếu tố tương đồng với bộ y phục người Thái nhưng bộ trang phục của người Khơ Mú vẫn là sản phẩm văn hóa thể hiện ý thức tộc người một cách rõ nét. Đó không đơn thuần chỉ là trang phục mà thông qua sắc màu khăn áo, người Khơ Mú còn gửi gắm niềm tự hào và tự tôn dân tộc.

Chị Lù Thị Lùng, xã Ẳng Tở, cho biết: “Phong tục của người Khơ Mú là con gái lên 7, lên 8 tuổi phải học thêu trang phục. Tự học, tự làm, tự mặc chứ không mặc như người Kinh hay các dân tộc khác. Bắt đầu biết đọc, biết viết là phải tự giác cầm kim để học thêu, học xe cửu, dệt vải. Tự mình làm, tự mình mặc thì sẽ giữ được trang phục truyền thống, không bị mai một và mất đi”.

Người Khơ Mú ở Điện Biên gìn giữ bản sắc để trao truyền cho thế hệ mai sau - 2

Những người lớn tuổi tự hào trao truyền lại cho thế hệ con cháu bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: Lương Trọng Giáp

Dưới mái nhà sàn truyền thống, những khung dệt lách cách đêm ngày trở thành tiêu chí để đánh giá sự đảm đang, khéo léo cũng như tài năng của một cô gái Khơ Mú. Trên các khung dệt đơn giản được đặt ngay trên thân mình, người phụ nữ Khơ Mú có thể dệt vải ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, tranh thủ khi không phải đi làm rẫy hoặc những buổi tối quây quần bên bếp lửa.

Theo TS Vi Văn An, khung dệt của người Khơ Mú không cố định, chỉ có cái go và phía trước có vải cuốn, khi ngồi dệt người ta chỉ quàng cái dây qua eo. Điều này phản ánh là yếu tố du canh, du cư, đi đâu người ta cũng có thể cuộn lại, bỏ vào gùi là di chuyển được. Điều này khác với khung cửi của người Thái là khá đồ sộ, phản ánh yếu tố định cư của người Thái. Họ ở cố định thành bản mường còn người Khơ Mú di cư theo mùa vụ.

Phụ nữ Khơ Mú mang trên mình một chiếc áo ngắn, bên trong có yếm, lưng thắt vải, váy dài, chân mang xà cạp, đầu đội khăn. Áo của phụ nữ Khơ Mú thường tối, màu cổ tròn, có đường xẻ ở trước ngực. Hàng cúc áo hình con bướm, chất liệu bằng bạc hoặc có thể bằng nhôm, nẹp cổ và nẹp ngực, không có sự phân chia và chỉ dài tới ngang ngực. Dọc hai bên hàng cúc áo có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết. Ở giữa dải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang, phồn thịnh, luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở.

Thường áo của phụ nữ lớn tuổi có nhiều hoa văn hơn còn áo của thiếu nữ thì lấp lánh hơn. Chiếc yếm tiếng của phụ nữ Khơ Mú khá đơn giản chỉ là một vuông vải ngắn che phần trước cơ thể. Màu yếm thường tương phản với màu áo để tạo sự thu hút cho bộ trang phục. Bó sát eo, làm nổi thân hình thon thả là chiếc khăn lưng được làm từ một dải lụa sáng màu. Điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải.

Theo TS Vi Văn An, một điểm khác biệt rõ rệt trong y phục của phụ nữ Khơ Mú so với phụ nữ Thái chính là chiếc khăn đội đầu. Đó là một tấm vải đen dài khoảng gần 2m, rộng bằng 1 khổ vải hẹp 30cm. Trên nền vải đen, người Khơ Mút giảm lược đi rất nhiều chi tiết, thêu ít hoa văn trang trí, không có các cút tiêu cầu kỳ đi kèm với khăn piêu của người Thái.

Tuy nhiên, bằng cách phối với nhiều màu sắc và kỹ thuật thể hiện các mô típ, hoa văn trên khăn đội đầu của người Khơ Mú vẫn khoe được vẻ tinh tế với bố cục chặt chẽ, cách thức phối màu rực rỡ, mang tính đặc trưng. Với người Khơ Mú, chiếc khăn đội đầu thiên về tính năng che mưa, che nắng hơn là vật dụng trang trí.

Người Khơ Mú ở Điện Biên gìn giữ bản sắc để trao truyền cho thế hệ mai sau - 3

Tuy có nhiều điểm tương đồng về nguyên liệu, may mặc cũng như phương thức tạo dáng, song mỗi chi tiết và hoa văn trên trang phục của người Khơ Mú lại là những sáng tạo mang đặc tính riêng về mặt kỹ thuật cũng như quan điểm thẩm mỹ. Bởi thế, dù cuộc sống có đổi thay bao nhiêu đi chăng nữa thì người Khơ Mú vẫn truyền dạy cho nhau cách làm cũng như cách mặc một bộ trang phục truyền thống

“Bây giờ, con gái không biết tự may, tự thêu quần áo cho mình và cho người thân thì người ta chê cười. Vì thế ngay từ bé đã phải học, không chỉ may quần áo cho mình mà sau này còn truyền dạy cho các con nữa”, chị Lù Thị Lùng chia sẻ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hồng Phúc