Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là 1/12 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển du lịch văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực “kép”, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế xã hội thông qua tăng trưởng du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, mà còn góp sức trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế. Tạp chí Du lịch TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt 2 bài viết về chủ đề: Du lịch văn hóa: Từ thể chế chính sách đến thực tiễn sinh động tại TP.HCM.
Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh chóng, công nghệ thông tin đang mang đến những thay đổi toàn diện, các quốc gia ngoài mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thì còn chú trọng đến vấn đề văn hóa dân tộc, yếu tố làm mỗi đất nước trở nên đặc biệt, duy nhất, cũng có thể hiểu văn hóa là một thành tố cấu thành thương hiệu nhận diện của quốc gia.
Kinh tế phát triển càng nhanh, xã hội càng biến đổi, cùng với sự can thiệp của công nghệ đã làm cho đời sống văn hóa vừa có xu hướng giao thoa với những nền văn hóa khác, vừa có xu hướng biến đổi sâu sắc theo cả hướng tích cực và tiêu cực.
Điều này đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược bảo tồn, phát triển văn hóa của mình, để giữ lại nét đặc trưng thuần túy của quốc gia, nhất là khi khái niệm công nghiệp văn hóa đang dần ngày càng được quan tâm, ở một số quốc gia, công nghiệp văn hóa còn góp phần lớn trong GDP của nền kinh tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, những năm qua, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, ngày 08/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
Phát triển công nghiệp văn hóa với nền tảng là các giá trị văn hóa Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra với nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Tiếp nối tinh thần đó, trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Xem xét quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa” là một trong những vấn đề quan trọng cần “Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thảo luận và quyết định”.
Trên thế giới hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa là xu hướng phát triển tất yếu và là một thành phần đóng góp lớn vào nền kinh tế, thậm chí trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia. Tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành thu nhập lớn và xuất khẩu sang các nước khác để thu ngoại tệ. Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Thực tiễn các nước cho thấy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đem lại lợi ích, giá trị vượt trên, vượt xa khía cạnh kinh tế thuần túy. Đó còn là một “kênh truyền dẫn” hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá, lan tỏa bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, kiến tạo hình ảnh đất nước, xây dựng thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Nói cách khác, như ý tưởng khởi đi của học giả nổi tiếng Joseph Samuel Nye, công nghiệp văn hóa và sáng tạo góp phần tăng cường quyền lực/sức mạnh mềm của quốc gia, hiểu là sức hấp dẫn, sức thu hút, sức thuyết phục của quốc gia này đối với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế mà không phải dùng những “công cụ” cứng rắn khác.
Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế 2024
Theo báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) cho thấy, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp 2,68% vào tổng sản phẩm (GDP). Sau gần 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu lao động người, tăng 7,44%/năm.
Theo chủ trương chính sách trên, Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa để phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Từ năm 2018 đến nay, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung 4 luật (Luật Điện ảnh (2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (2020); Luật Kiến trúc (2019).
Chính phủ đã ban hành 4 nghị định liên quan đến công nghiệp văn hóa là Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 quy định về hoạt động triển lãm.
Ngày 22/12/2023, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là hội nghị quan trọng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhằm đưa ra các định hướng lớn và các cơ chế, chính sách tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát huy tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hội nghị chỉ rõ xu thế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đối với thị trường trong nước và quốc tế, từ đó lựa chọn một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế đầu tư phát triển trọng tâm, trọng điểm.
Từ đó cơ quan ban ngành liên quan có cơ sở định hướng thay đổi cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ và đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức vào tháng 12/2023
Phát triển công nghiệp văn hóa là xu hướng tất yếu để vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị văn hóa vừa là một ngành mang lại giá trị kinh tế cao. Thông qua đó còn góp phần làm tăng nhận biết về hình ảnh con người và đất nước Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hóa là yếu tố hỗ trợ cả mặt đối nội và đối ngoại. Về đối nội, sự gắn kết các giá trị văn hóa sẽ tạo ra sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, gia tăng sức mạnh văn hóa dân tộc, hạn chế việc du nhập của những văn hóa tiêu cực. Về đối ngoại, việc xây dựng nền công nghiệp văn hóa sẽ góp phần làm tăng sức mạnh và tính cạnh tranh quốc gia, là chiến lược nhận biết quốc gia hiệu quả, vừa quảng bá vừa có giá trị kinh tế.
Có thể nói, mặc dù công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, song có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Điều này thể hiện qua giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam của các ngành công nghiệp văn hóa không ngừng tăng lên qua các năm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp bình quân khoảng 1,059 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực du lịch văn hóa đã đạt được những thành tựu nhất định, tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, đóng góp 8,39% vào GDP cả nước; năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của du lịch có sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đến năm 2022, du lịch từng bước phục hồi (từ ngày 15/3/2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 690 nghìn tỷ đồng.
Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, đây là yếu tố góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc gắn với tìm hiểu văn hóa vùng miền (du lịch di sản văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng...)
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Du lịch văn hóa là một thành phần của Công nghiệp văn hóa (Cultural industries) – vấn đề đang được chú trọng phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): "Du lịch văn hóa bao gồm hoạt động của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn,về các lễ hội và các sự kiện văn hóa khác, thăm các di tích và đền đài, du lịch nghiên cứu thiên nhiên, văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương".
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án (Quyết định số 2031/QĐ-BVHTTDL ngày 10/6/2019) với 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Theo Kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nghiên cứu thị trường khách quốc tế và nội địa để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh khai thác; Nghiên cứu, tham mưu ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm (Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/07/2023), Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 440/QÐ-BVHTTDL ngày 02/03/2023); Định hướng các địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết phát triển du lịch đi vào chiều sâu, thực chất; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong du lịch.
Đồng thời, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành du lịch tại địa phương. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên cả nước đã có sự phục hồi và tăng tốc phát triển sau đại dịch Covid-19. Tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi Bộ chỉ số “Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF”, đồng thời chịu trách nhiệm cải thiện nhóm chỉ số về “Năng lực cạnh tranh du lịch”.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 10; Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch phát triển; Cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp lữ hành và lưu trú (có 19 quy định thuộc tổng số 28 điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch được cắt giảm kể từ khi Luật Du lịch 2017 được ban hành. Các điều kiện kinh doanh lữ hành quy định trong Luật Du lịch trước đây đã được cắt giảm từ 5 xuống còn 3 điều kiện).
Tuy nhiên, thực tiễn các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa thành công đã chứng minh rằng, du lịch văn hóa nên được phát triển như một thành tố kết nối, khơi dậy tiềm năng, là bước đệm để các thành tố khác bật lên. Cho nên, cần nhận thức rõ ràng và triệt để hơn nữa tính cấp thiết trong phát triển du lịch văn hóa như một thành tố kết nối, là chất xúc tác để các thành tố của công nghiệp văn hóa đạt đến sự thăng hoa, tạo ra giá trị kinh tế cụ thể.
Xét cho cùng, trong 12 lĩnh vực: (1) Quảng cáo; (2) Kiến trúc; (3) Phần mềm và các trò chơi giải trí; (4) Thủ công mỹ nghệ; (5) Thiết kế; (6) Điện ảnh; (7) Xuất bản; (8) Thời trang; (9) Nghệ thuật biểu diễn; (10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (11) Truyền hình và phát thanh; (12) Du lịch văn hóa thì du lịch văn hóa có thể là ngành kết nối, phát huy, giới thiệu và làm cho sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn, quảng bá sản phẩm đến cộng đồng, du khách.
Đồng thời, các ngành khác, khi phát triển được những sản phẩm chất lượng, sẽ giúp ngành du lịch thu hút nhiều du khách, tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn phát triển ngành du lịch tại TP.HCM.