Bằng cách này, hay cách khác, Sài thành là dành cho người thương. Cho má, cho tôi, cho bạn và cho những thế hệ mai sau.
1. Bạn ghé Sài thành trong chuyến công tác vỏn vẹn có mấy ngày. Vậy đó, mà sáng sớm nào cũng chạy từ khu trung tâm thành phố về lại con hẻm nhỏ thời mười tám, đôi mươi đã đến và trọ.
Trọ đâu chục năm trời từ thời chân ướt chân ráo theo tấm giấy báo đại học tìm về thị thành này cho đến khi phải quay về cố xứ. Đúng một chỗ trọ. Đúng cái quán cà phê cóc đầu hẻm. Đúng cái điệu cà phê sữa nóng và ổ bánh mì không chấm vào mỗi buổi sáng. Kèm theo đó là tờ báo giấy. Buổi sáng của bạn thành nếp hệt như thị dân chánh gốc đất này.
Nắng phương Nam vào mùa gắt gỏng. Bạn vẫn chọn chỗ ngồi cũ, hàng xóm người còn, người mất, người thì dọn đi, nhưng nết uống quán cũ vẫn giữ nguyên. Bạn ghé đến, trông ánh mắt nheo lại nhìn kĩ và rồi bà chủ quán cà phê cười chào bằng câu quen thuộc “thằng quỷ xứ”. Bạn thản nhiên hỏi “Tám nay còn cô đơn hông”. Khách và chủ cười rổn rảng cà góc phố.
Mấy người quen cũ nhớ thằng sinh viên nước da đen ngăm từ một vùng biển miền Trung, mỗi bận sáng sớm hay dọn quán cà phê phụ bà Tám. Đôi lần nó ghẹo bà chủ quán nói nó ở rể xứ này nhen Tám. Bà bán cà phê quen miệng “thằng quý xứ”. Ngộ kỳ đời đất này câu chửi cũng nhẹ bẫng và người bị chửi thì cười sằng sặc chẳng bao giờ xét nét câu từ chi cho mệt thân. Ghét nhau chửi đã đành, xứ gì thương nhau cũng chửi. Chửi ra rả suốt ngày.
Như bận thằng nhỏ thiếu tiền học, cắm cúi chạy phục vụ trong một nhà hàng tận khuya mờ mịt mới về lại phòng trọ. Bà cà phê nghe vợ chồng chủ trọ kể lý do ba hôm nay quán lóc cóc thiếu mặt thằng nhóc sinh viên. Bả canh trưa thằng nhỏ xế trưa vừa đạp xe ngang qua, níu áo lại bả chửi. Chửi nhoi trời thằng nhỏ không chịu học, tiền thì từ từ kiếm, mắc gì mà im re không nói. Chửi xong bả dúi vào tay thằng nhỏ mớ tiền. Cho mượn có tiền trả Tám sau. Thằng nhỏ năm đó tròn 19 tuổi, mới gá phận mình trên đất Sài thành một năm mà thấy lòng thương quá đỗi.
Bạn kể, từ dạo đó, bạn thấy thương cái xóm nghèo với sự rổn rảng suốt ngày. Trong cái ồn ào náo nhiệt đãi bôi cạnh tranh gay gắt, đất này vẫn còn có một thứ nắm níu người ta, đó là chữ thương. Vậy nên, bạn vẫn về tìm lại xóm nghèo, quán quen, người cũ mỗi khi có dịp ghé đến đất này.
2. Bây giờ là tháng Tư, nắng nhuộm đỏ phố. Phố hát bài ca muôn triệu cánh tay nối trọn mùa vui. Tôi đi qua phố đã hơn ba chục mùa vui ấy, vẫn thấy tuổi mình chẳng bao giờ dài bằng tuổi phố. Những tháng Tư lấp lánh trên môi cười. Người phố rộn ràng hơn hẳn. Nhịp phố cũng sục sôi những cờ phướn. Gió lộng. Và phố hát.
Có một lần nào đó, giữa thênh thang lòng, giữa mông mênh vui, giữa rộng dài con phố, những cánh tay lạ xa cùng kết một vòng tròn và hát. Hát ngay giữa phố. Người qua và dừng lại. Những cánh tay nối tiếp. Vòng tròn mở ra. Nụ cười lan xa. Niềm vui bất tận. Tiếng hát cũng bất tận vào đêm. Đó là những ngày cuối tháng tư, nơi phố đi bộ Nguyễn Huệ, đêm gói chúng tôi vào.
Những người ngoại quốc có dịp đến thành phố này, bỡ ngỡ nhìn đám đông cứ hát múa tưng bừng, dẫu bập bẹ tiếng được tiếng mất, nhưng vẫn kết trọn một vòng tròn vui cùng chúng tôi. Nhiều lắm những mái tóc vàng, những đôi mắt xanh, những màu da khác, những ngôn ngữ lạ, nhưng niềm vui thì chẳng có biên giới, nên cứ vui đi. Sài Gòn hào sảng nên niềm vui tựu trung trên thành phố này vẫn cứ luôn là một niềm vui đại đồng.
Chúng tôi, những người trẻ của thế hệ 198X, hay Gen Z, hoặc 2K, sinh ra và lớn lên khi tháng Tư dắt phố đi qua mùa lửa đạn đã mấy mươi năm. Có lẽ trong kí ức của những công dân trẻ chỉ là những bài học, những câu chuyện, những hình ảnh xao xát lòng, đau đáu niềm thương. Nhưng cũng chính chữ thương đó đã nối hai miền thời gian lại gần nhau, xóa nhòa những tâm can trái tuyến. Tất cả chúng tôi, thời khắc này, là cùng nắm tay và hướng về phía đông như những đóa hướng dương ngẩng cao đầu đón ánh mặt trời ở công viên bờ sông Sài Gòn.
3. Ai rồi cũng có một miền đất để thương. Má hay nói vậy. Giữa những kí ức hỗn độn lẩn thẩn nhớ quên, nhưng với những người đã đi qua gieo neo dâu bể của phận người trên mảnh đất Sài Gòn này, tin chắc ai cũng như má. Kí ức nằm gọn trong một góc đời, in hằn trong một góc nhớ. Má chọn ở lại giữa thời khắc lịch sử chỉ vì đơn giản chẳng có vĩ tuyến nào cho lòng người cả. Ngửa bàn tay là thịt, úp bàn tay cũng là thịt. Máu vẫn đỏ, da vẫn vàng và mình vẫn nói tiếng Việt. Ký ức tháng Tư của má nhẹ tênh, nhưng mỗi lần nhắc lại má cười sáng mắt, vết chim di xếp ly, in hằn nơi khóe đuôi, nếu đem ra đếm, chắc cũng bằng ngần ấy mùa vui của thị thành này.
Có lần má còn khỏe, má biểu tôi chở một vòng chơi lễ. Má chỉ thương xá Tax, má kể hộp đêm Tự Do, má kêu dừng chân bên một góc đường Duy Tân, má hỏi cà phê Văn khoa. Má đi một vòng Sài Gòn tìm trong cũ càng những niềm thương xưa xa nhưng rồi gật gù khen phố xá thị thành đẹp quá, lộng lẫy quá và vui quá.
Cái vui của người già thật ra là nhìn vào sức sống của thành phố này. Những phồn hoa lấp lánh xanh đỏ đèn màu khác xa thời của má. Chừng má về lại hiên nhà ngồi uống trà đêm, má chặc lưỡi cái chách, giờ tụi bây sống sướng quá chừng. Tôi cũng cười với má, mà má giờ cũng sống sướng quá chừng. Chỉ vậy thôi là má sẽ kể những câu chuyện Sài Gòn của những tháng ngày hỏa châu lập lòe đốm lửa đêm. Dẫu tôi chưa đi qua tháng ngày đó, nhưng kí ức của má khiến tôi hiểu thêm về nơi mình sinh ra và lớn lên. Hiểu để thương. Thương để vui. Vui trọn vẹn niềm vui nối dài những cánh tay.
4. Có lẽ những đứa trẻ Sài Gòn như thế hệ chúng tôi đều mang trong mình những kí ức của ông bà, của ba má để thấu tận niềm vui mà cùng chung nỗi mừng. Lắm khi tôi cũng chọn một góc phố nào đó ngồi nhìn tháng Tư trôi nhanh như con nước. Những con nước ngày vui. Để khi hết lễ, đám trẻ hay tiếc sao trôi nhanh quá thể, mới đó thôi mà. Thế nhưng, với những người như má, như mấy ông bà già của Sài Gòn này, tháng tư luôn đằng đẵng những tấc lòng.
Có vui, có nhớ, có thương và có tưởng. Bởi có những người thân, những bạn bè, những tình yêu đã không về theo tháng Tư. Như chính má với một người bạn nằm lại đâu đó trên trận thông cầu Rạch Chiếc. Má hay nhắc cậu bạn cùng xóm, thoát ly sau cái Tết Mậu Thân. Ngày đó, đến cái nắm tay vẫn còn chưa kịp.
Tháng Tư về phố hát bài ca dậy vang những cái nắm tay. Tôi cũng hát. Bạn bè tôi cũng hát. Hát rộn ràng một góc phố. Hát để thấy ngày phố biết cười nụ cười hiền. Ngày phố biết ngủ những giấc bình yên. Và ngày phố nối liền sơn hà vẹn nguyên bờ cõi. Gần năm mươi năm, mùa vui, ngày trôi vẫn cứ như dòng nước, nhanh về phía trước.
Đất này cũng trôi về phía trước bằng những cao ốc nguy nga lộng lẫy đèn màu; bằng những khu phức hợp liền kề hiện đại sang trọng; bằng những chuyến tàu dọc ngang 4 nhánh sông chính của phố xá thị thành; bằng những con tàu sắp sửa lăn bánh trên tuyến Metro đầu tiên.
Bằng cách này, hay cách khác, Sài thành là dành cho người thương. Cho má, cho tôi, cho bạn và cho những thế hệ mai sau.