Có những vùng đất, chỉ một đôi lần đặt chân đến, ở đó không nhiều ngày nhưng rồi ta lại nhớ. Nhớ như đã quen thuộc, đã gắn bó với nó tự bao giờ và dành nhiều thiện cảm. Sài Gòn - TP.HCM là một trong những địa danh ấy, khi gọi tên tự dưng nghe trìu mến.
Có những vùng đất, chỉ một đôi lần đặt chân đến, ở đó không nhiều ngày nhưng rồi ta lại nhớ. Nhớ như đã quen thuộc, đã gắn bó với nó tự bao giờ và dành nhiều thiện cảm. Sài Gòn - TP.HCM là một trong những địa danh ấy, khi gọi tên tự dưng nghe trìu mến.
Hoàng hôn thành phố trên sông Sài Gòn
Tại sao lại thế?
Tôi nghĩ bất kỳ nơi nào, hễ muốn người phương xa đã đến một lần, còn quay lại nhiều lần, trước hết còn phải có sự hấp dẫn từ tính cách con người nơi ấy. Và, chính đất đã tạo nên tính cách con người. Khi biên soạn Gia Định thành thông chí, nhà nghiên cứu Trịnh Hoài Đức (1765-1825) cho rằng, do Sài Gòn - TP.HCM: "Ở về phương Nam, chỗ gần ánh sáng mặt trời, người phần nhiều trung dũng khí tiết, khinh của trọng nghĩa, dù đàn bà con gái cũng thế".
Đô thị bên sông Sài Gòn
Về sau, theo nhà văn Sơn Nam: "Ta còn nghe mấy tiếng "điệu nghệ giang hồ", thái độ hào hiệp, không thành văn bản mà người trong cuộc phải tuân theo". Sở dĩ có nếp nghĩ này bởi đây là vùng đất: "Nhiều ràng buộc phong kiến đã bị xóa, ngoài ý muốn, vì sanh kế phức tạp ở xứ lạ, không như việc cày ruộng ngày nào ở nông thôn. Tình nghĩa bạn bè gắn bó hữu cơ với sinh kế, tạo sự cân bằng về tinh thần, khiến người xa phương bớt nhớ nhà. "Ở đâu ta có nhiều bạn bè là quê hương ta ở đó". Tin vào bạn, làm cho bạn tin cậy mình" (Người Sài Gòn, NXB Trẻ - 1990, tr.34).
Ngư dân Cần Giờ cào nghêu trên bãi biển
Mà, quả thật như thế. Hễ những ai đã đến vùng đất này, qua tiếp xúc, giao thiệp hẳn đã nhìn ra vẻ đẹp của tính cách này. Nay, ta có thể nói một cách nôm na, sở dĩ như thế, vì trước đây khi mới chân ướt chân ráo vào cư ngụ vùng đất này, họ cũng sống trong tâm thế "Bán bà con xa mua láng giềng gần", đã từng được bầu bạn, người xa lạ giúp đỡ, nay có điều kiện thì họ sẵn lòng cưu mang người đến sau.
Đơn giản vậy thôi, chứ huống hồ gì bà con chòm xóm đã từng chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau. Sự giúp đỡ qua lại này làm nên một nét đẹp ấn tượng, nghĩ cho cùng, đây cũng là giá trị của tinh thần "người trong một nước phải thương nhau cùng". Vì lẽ đó, dù gặp nhau đôi ba lần nhưng con người ta dễ dàng làm quen, thân thiện cùng nhau.
Diêm dân Cần Giờ vào vụ thu hoạch muối
Môi trường thân thiện từ yếu tố con người tại Sài Gòn - TP.HCM là một trong những yếu tố thuận lợi cho người làm du lịch.
Bên cạnh đó còn là những vẻ đẹp thể hiện qua những di tích lịch sử, văn hóa trường tồn theo năm tháng, tạo nên sự hấp dẫn, quyến rũ cho cư dân bản địa lẫn du khách. Nhìn lại lịch sử, ta biết, năm 1861, lính viễn chinh đã chiếm được toàn thể địa bàn Sài Gòn và miền Đông lục tỉnh.
Lẽ dĩ nhiên, Nam Kỳ trở thành thuộc địa, xem như một tỉnh của Pháp. Phía Chợ Lớn, giới mại bản làm giàu nhanh nhờ dịch vụ xuất khẩu lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy miếu mạo, đền thờ của người Hoa được xây dựng lộng lẫy. Có thể kể đến Phụng Sơn tự, chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Ôn Lăng, chùa Khánh Vân Nam Viện… Ở đó, từng dấu vết của văn hóa, từng hình ảnh điêu khắc, chạm trổ đã kể cho chúng ta nghe biết bao câu chuyện về thời quá vãng.
Bấy giờ, phía khu vực trung tâm Sài Gòn mặc nhiên trở thành lãnh địa riêng dành cho người châu Âu, biểu tượng là Dinh Xã Tây, nhà thờ Đức Bà… được dựng lên. Những di tích này, vẫn còn lại theo thời gian, tất nhiên, dòng chảy của đời sống không dẫm chân một chỗ mà theo quy luật biện chứng là phải thay đổi. Phải nói một cách nghiêm túc, từ sau năm 1975 đến nay đã có nhiều thay đổi ngoạn mục.
Nhà thờ Đức Bà Paris
Vì thế, tâm lý của những người từ vùng miền khác tìm đến nơi này, nếu muốn tận mắt nhìn thấy những gì cũng thay đổi. Tôi nhớ ngày xưa, khi được đi chơi Sài Gòn, một trong những nơi đầu tiên ai cũng thích đến vẫn là Thảo Cầm viên, gọi nôm na là Sở thú. Nay, thì đâu? Khi tôi tìm hiểu thì người trẻ lại chọn Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chi tiết nhỏ này, chỉ là một thí dụ cho thấy sự “thay da đổi thịt” ở một vùng đất như một lẽ tất nhiên.
Ta hãy trở lại với thời điểm của năm 1861. Nếu Chợ Lớn đa phần dành cho người Hoa, phía trung tâm dành cho người Pháp thì người Việt thế nào?
Công trường Mê Linh
Bấy giờ, người Việt ở phía Bà Chiểu, Gò Vấp, Phú Nhuận… cũng có cách bảo tồn văn hóa dân tộc, thể diện tinh thần dân tộc. Trong số đó có việc ra sức trùng tu Lăng Ông bên cạnh nhiều chùa chiến, đình làng, miếu mạo khác... Họ xem đó là một nhu cầu tinh thần trong các buổi lễ cầu quốc thái dân an, sơn hà xã tắc để mọi người có điều kiện gắn bó với cộng đồng dân tộc. Xem lại hình ảnh xưa về các di tích này, ta mới có thể hình dung ra sự tấp nập của người dân trong những ngày Tết nhất, lễ hội xuân thu nhị kỳ…
Sân bay Tân Sơn Nhất
Sài Gòn - TP.HCM hiện nay đã thay đổi nhiều mặt. Khi viết trường ca Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2020), tôi đã khái quát: “Này em, dòng sông/ Khơi thêm mạch chảy/ Cầu nối nhịp cầu/ Và em biết đấy/ Như nối câu thơ/ Gieo từng nốt nhạc/ Đô thị chỉnh trang/ Tươi ngon bóng mát/ Dọc ngang ngược xuôi/ Đường xa chớ ngại/ Hạ tầng giao thông/ Nối cho gần lại/ Theo trục Bắc - Nam/ Khu dân cư mới/ Nhiều đường vành đai/ Dẫn ta đi tới/ Các tuyến metro/ Từng ngày khởi động/ Đường đi trên cao/ Bừng lên sức sống…”.
Ngư dân Cần Giờ giăng lưới đêm
Ở sự thay đổi này, theo tôi vẫn là từ yếu tố con người. Dù không phải là người chôn nhau cắt rốn tại Sài Gòn nhưng sống lâu nay tại đây thì tính cách tôi cũng có sự ảnh hướng theo hướng tích cực. Một trong những nhân vật đáng kính trọng ấy, với nhận thức của tôi, trước hết phải kể đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998) lúc ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đọc lại tác phẩm chính luận Đổi mới để tiến lên (NXB Sự Thật - 1988), tôi nhận ra rằng, ông nhận thức sâu sắc và tâm đắc tư duy: “Phải biết lắng nghe”.
Ta nhớ khoảng năm 1631, danh thần Đào Duy Từ đã từng trao đổi với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên: “Muôn sự đã ngoài chăng ước nữa/ Ước tôi hay gián, chúa hay nghe”. Nghe điều hay lẽ phải. Nghe từ dân, từ trí thức, từ cộng sự… Biết nghe cũng là một phẩm chất của người cộng sản, nếu đánh mất ắt trở nên độc đoán, ù lì, xơ cứng, tụt hậu. Bài học này, sau đó, những thế hệ lãnh đạo ở TP.HCM đã tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy, nếu chủ quan, lãng quên ắt va vấp…
TP.HCM rực rỡ về đêm
Có thành tâm như thế, diện mạo của Sài Gòn - TP.HCM ngày nay mới đạt đến những khát vọng lớn lao để trở thành môi trường đầu tư và kinh doanh không chỉ trong mà còn ngoài nước. Môi trường này ngày càng thuận lợi, minh bạch, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, tiếp tục khẳng định vị trí là đầu tàu về kinh tế - xã hội của thành phố đối với khu vực và cả nước. Đây không là khẩu hiệu, “làm văn”, “chơi chữ” mà đã có những con số cụ thể tăng trưởng rất đáng ghi nhận.
Cũng trong trường ca Sài Gòn - Ấn ngọc phương Nam, tôi nhận thức: “Kế hoạch dựng xây không phải làm văn/ Câu với chữ tung tăng hào nhoáng/ Phải cụ thể/ Phải chi li/ Phải chặt chẽ trong từng con toán/ Công việc từng ngày tất bật khẩn trương/ Tháo gỡ từng ngày quyết liệt khẩn trương/ Phải dựng thêm trường/ Phải xây thêm bệnh viện/ Phải thêm bảo tàng, nhạc viện lẫn công viên…/ Dân không chỉ no mà còn phải ăn ngon/ Mặc đã ấm thì phải còn mặc đẹp/ Nhà cửa đẹp, phố phường thêm đẹp/ Thành phố xanh đáng sống yên bình”.
Tôi tâm niệm, đây còn là một trong những vẻ đẹp của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM hôm nay và mai sau.
Ảnh sử dụng trong bài nằm trong bộ ảnh quảng bá du lịch TP.HCM - TP.HCM chào đón bạn do Sở Du lịch TP.HCM cung cấp. Chương trình “TP.HCM chào đón bạn” kéo dài từ tháng 3-9/2022 với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm truyền tải hình ảnh về TP.HCM - điểm đến du lịch an toàn - hấp dẫn - thân thiện. |