Những kẻ bộ hành trôi dạt trong vô định

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngắm nhìn xung quanh, chúng ta rảo bước trên con phố quen thuộc, tạm bỏ lại sự hối hả để sống chậm hơn một nhịp. Vượt qua khỏi ranh giới vật chất, đi bộ chính là cách tâm trí nghĩ về cuộc đời, mở ra đối thoại với bản thân về những ký ức, cùng sự thân thuộc ở ngay bên cạnh mà ta lại vô tình bỏ quên bấy lâu nay.

Thăng trầm của quá khứ

Những năm 2000, dự án “Giải cứu thành phố” của hai nhà khoa học Paul Evans và Phil Jones rất được chú ý. Lần đầu tiên xuất hiện những người muốn sử dụng đi bộ như một phương pháp "giải thoát" cư dân Birmingham (Anh) khỏi "bức tường bê tông bốn hướng", mong muốn bất cứ ai sinh sống tại thành phố lớn thứ 3 ở Anh được một lần chứng kiến sự thay đổi toàn diện của nơi đây.

Người cao tuổi thong dong tản bộ qua những con phố thân quen, gợi lên bao ký ức quen thuộc ngày thơ ấu. Hình ảnh Birmingham thập niên 50-60 tái hiện bằng lời kể, trước khi tất cả dãy nhà cũ bị phá bỏ và thay thế bằng các tòa cao ốc hiện đại, mở đường cho sự phát triển của ô tô trở thành phương tiện đi lại phổ biến nhất ở đây.

Hơn hai thập kỷ sau, chàng trai trẻ Aled Mark Singleton mang trong mình hoài bão "vẽ quá khứ, dựng tương lai", tiếp nối dự án “Giải cứu thành phố” phiên bản xứ Wales. Thời gian quả thực khắc nghiệt, "làm biến dạng" khu Caerleon nơi anh sinh ra và lớn lên. Những câu chuyện Aled Mark Singleton ghi lại trên hành trình đi bộ của mình qua mỗi con phố trở nên sống động hơn bao giờ hết, vẽ lên trong anh hình hài của Caerleon, từ một nơi hoang vắng, đến thời kỳ thịnh vượng, thu hút người dân lập nghiệp những năm 60-70 của thế kỷ trước. Nhà nhà ấm lên nhờ hệ thống sưởi, siêu thị dần chiếm ưu thế trong đời sống giao thương của người dân, với nhiều sự lựa chọn hơn mô hình chợ truyền thống.

Những kẻ bộ hành trôi dạt trong vô định - 1

“Trôi dạt trong vô định” được nhà thơ Charles Baudelaire miêu tả như những kẻ bộ hành lãng mạn, tìm thấy những kỉ niệm ở mọi thứ xung quanh.

Triết gia Pháp Guy Debord, một người theo chủ nghĩa tình huống, luôn cho rằng tâm lý lẫn hành vi của con người không chịu chi phối bởi những bản ngã và suy nghĩ bên trong, mà chịu tác động từ chính môi trường mà họ đang đối diện. Ông đưa ra khái niệm "địa tâm lý" từ khoảng năm 1955, với định nghĩa là sự khám phá và trải nghiệm phong cảnh thành thị một cách vô định, không lên trước kế hoạch. Khi ấy, con người đắm mình trong những hành trình "trôi dạt", giữa các nơi chốn của một thành phố, qua đó lĩnh hội được những nhận thức về con người, quá khứ và bản thân qua từng bước chân.

Trên thực tế, tâm lý học coi không gian tựa ngưỡng cửa cho trí não chúng ta bước vào thế giới của quá khứ, tua lại cuốn băng cuộc đời về ngày đã qua. Cụ già ngoài 80, bước đi trên con đường đến trường của 65 năm trước, lòng bồi hồi hoài niệm về tình yêu trung học đầu đời thật trong sáng. Bác gái trung niên chầm chậm nhắc về trung tâm mua sắm sầm uất, bán món ăn yêu thích của cả gia đình, nhưng đầy khắc khoải tiếc nuối khi nơi ấy giờ đã không còn. Chỉ một lần đi bộ, Aled Mark Singleton phát hiện ra những thay đổi lớn trong thói quen chi tiêu, mua sắm hay ăn uống của người dân Caerleon.

“Trôi dạt trong vô định” được nhà thơ Charles Baudelaire miêu tả như những kẻ bộ hành lãng mạn, tức cảnh sinh tình mà tìm thấy niềm vui, nỗi buồn, đầy ắp kỉ niệm ở mọi thứ xung quanh. Chúng ta bắt gặp những con người như thế trong văn học, phim ảnh như “London” (1994) hay “Robinson ngoài không gian” (1997). Kì thực, bộ hành lãng mạn khiến con tim xao xuyến, khiến ta thay đổi cái nhìn chỉ trong chốc lát. Những công trình đối với chúng ta đôi khi là một câu chuyện chứ không phải là một nơi chốn, còn những bãi đất hoang gợi lại vết sẹo của quá khứ.

Có gia đình ba thế hệ, sống ở góc phố nhỏ đã gần 70 năm, trở thành nhân chứng sống của cả một biến động lịch sử. Trong ánh mắt trẻ thơ, thành phố hiện lên sôi động, đầy màu sắc và âm thanh của sự mới mẻ. Nhưng ký ức của ngày xưa theo lời kẻ của người bà lại êm dịu, nhẹ nhàng chẳng khác nào bản tình ca được phát lại trong không gian gió nhẹ du dương của một chiều tản bộ. Cách mạng công nghiệp đã thay đổi chúng ta, tước bỏ bầu không gian trong lành để lấp đầy bởi khói bụi. Đó là một tất yếu của sự tiến hóa, khi loài người tạo ra và học cách thích nghi với những thay đổi mới.

Bộ hành lãng mạn

Nhà nghiên cứu Nigel Thrift tin tưởng vào sức mạnh của việc đi bộ mỗi ngày, khẳng định đi bộ cho ta cơ hội tuyệt vời để ngắm phong cảnh, và điều này làm tăng cảm giác thoải mái. Ký sự “Nơi hoang dại” của cô có đoạn: "...trước cảnh bình minh và hoàng hôn mỗi ngày, tôi muốn đắm mình trong thế giới tự nhiên kì vĩ ấy, bằng đôi chân đang bước tự do trên nền đất ẩm...". Quả thực, chuyển động cơ thể chậm rãi giải phóng endorphins, một tập hợp các hóa chất giúp an thần, cung cấp cho não bộ cảm giác thư thái và hưng phấn, giúp giảm căng thẳng và âu lo.

Hầu hết những người ủng hộ "địa tâm lý" như Nigel Thrift cho rằng trường phái này mở ra những câu chuyện thật lắng đọng, lững lờ trôi khắp nơi có khi chỉ vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ. Kẻ bộ hành thỏa chí vùng vẫy trong không gian ký ức, ôn lại kỷ niệm ở từng nơi, nhắc về lịch sử, về quá khứ của những nơi chốn họ từng đi qua. Tất cả đến vào thời điểm chúng ta đối diện khó khăn, để khích lệ tâm trí mỏi mệt cân bằng cuộc sống lại và tìm về nguyên căn của bản ngã mỗi người, mà theo Guy Debord, được hình thành từ chính nhịp thở của nơi chúng ta sống.

Những kẻ bộ hành trôi dạt trong vô định - 2

Vượt qua khỏi ranh giới vật chất, đi bộ chính là cách tâm trí nghĩ về cuộc đời, mở ra đối thoại với chính bản thân về những ký ức.

Với “Triết học của tản bộ”, nhà văn Frederic Gros nhấn mạnh rằng những bước đi của đôi chân chúng ta như phép màu đơn giản nhất giúp mỗi người kể lại câu chuyện cuộc đời một cách độc đáo nhất. Chậm rãi bước qua công viên, ta nhớ về ngày đầu tiên được bố mẹ mua cho một cây kem mát lạnh, rồi ý niệm tự do quay về ôm lấy tâm trí hiện tại đang bộn bề lo âu, mở ra cánh cửa để ta bước vào chốn bình yên trong chốc lát. Vòng quanh khu phố, ta nhìn thấy những gương mặt thân quen, nở nụ cười thân thiện với người hàng xóm đã lâu không gặp, và ngạc nhiên nhận ra họ thân thiện đến nhường nào.

Aled Mark Singleton hoài nghi phải chăng con người thế kỷ này quá bận rộn và... lười đến mức không còn nhận ra tầm quan trọng của đi bộ. Khi giãn cách COVID-19 được nới lỏng, thậm chí trước cả khi thế giới chao đảo vì dịch bệnh, chính phủ nhiều quốc gia đã triển khai nhiều chiến dịch khuyến khích người dân đi bộ như một phương thức thay thế ô tô và xe máy. Chúng ta từng rất hạnh phúc khi thấy con mình chập chững những bước đầu đời, bắt đầu hành trình khám phá thế giới. Chúng vô tư nô đùa trên đôi chân bé nhỏ, rảo bước khắp nơi, lưu lại ảnh trên võng mạc để bắt đầu tích lũy cho chiếc hòm ký ức.

Kì lạ thay, càng lớn chúng ta càng phụ thuộc vào máy móc, mà quên mất mình từng vất vả ra sao để tự đứng lên, rồi tự bước vào đời. Bộ hành lãng mạn đã dần biến mất trong vài thập kỷ trở lại đây. Với “Giải cứu thành phố”, Aled Mark Singleton mạnh dạn đặt câu hỏi: "Phải chăng, đã đến lúc hồi sinh sự lãng mạn của những kẻ bộ hành, bất chấp cuộc sống ngày càng hối hả vì công nghệ tiện ích?".

Những nhà tư tưởng địa tâm lý thời nay, như Iain Sinclair và Will Self, tiếp nối "cuộc nổi loạn lãng mạn" của Guy Debord bằng trải nghiệm thực tế, coi bước đi tựa nghi lễ giải phóng tinh thần, trừ bỏ mọi muộn phiền rồi chạm tới hạnh phúc. Đi bộ tháo nút những rối rắm trong ma trận đầy mối quan hệ chằng chịt của đời người, kết nối không - thời gian từ quá khứ, còn kẻ tản bộ chẳng khác nào người du hành thời gian.

Ở thực tại, chúng ta đang trôi về tương lai, tựa con thuyền hướng mũi về phía đường chân trời. Sâu thẳm nơi tâm trí là “chiếc hòm ký ức”, mà chỉ với cái chạm nhẹ, ánh mắt bắt gặp điều quen thuộc nào đó mỗi nơi ta bước đến, là chiếc hòm ấy sẽ hé mở. Chúng ta gắn từng mảnh ký ức với hình ảnh, để rồi khi đến lúc tuổi già hoài niệm lại, nhớ về tuổi thơ chân trần trên nền đường trưa hè, hay thanh xuân tươi đẹp chầm chậm dắt xe đạp cạnh người thương.

Hành trình đi bộ, dù dài hay ngắn, đều sẽ chạm tới những gì sâu xa nhất. Đôi khi, ký ức chỉ hướng về ai đó đã dành trọn vẹn cuộc đời với ta, như Frederic Gros luôn cùng vợ tản bộ dọc bờ biển vào ngày cuối tuần, để cùng nhau lắng nghe tiếng sóng ngoài khơi xa...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Dũng (An Ninh Thế Giới)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!