Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn
Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, trong đó có du lịch cộng đồng phát triển rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…
Ảnh minh họa
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tại hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 14/7, tại Hà Nội.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh/thành phố, có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn.
Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát. Một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng như Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre… Hiện chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.
Hiện hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Đề án nhằm góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.
Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Việt Nam có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển loại hình du lịch này. Đề án cần làm rõ các khái niệm, bổ sung tiêu chuẩn du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lâm Đồng có các điểm du lịch đã có thu nhập gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần nên mục tiêu đặt ra của đề án gấp 2 lần còn thấp. Đề án cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn.
Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện việc quản lý du lịch thuộc cấp huyện trở lên. Nếu phát triển du lịch nông thôn thì cấp quản lý cần mở rộng. Khi du lịch thì du khách thường thích lưu trú, như vậy việc chuyển đổi sử dụng đất sẽ đặt ra như thế nào. Bởi vậy, cần xác định là làm du lịch trong nông thôn, chứ không phải nông thôn làm du lịch để tránh những tác động sau này. Cùng với đó là có sự chuyển đổi số trong du lịch nông thôn.
Cần cơ chế, chính sách đồng bộ
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đó là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn… Để quản lý du lịch nông thôn, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.
Sản phẩm du lịch được xây dựng cần bảo đảm ba yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP.
Ông Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo ngày 14/7.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; trong đó có du lịch cộng đồng phát triển rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện cả nước có 37 sản phẩm du lịch cộng đồng đạt 3 sao và 4 sao.
Để tránh việc lợi dụng du lịch nông nghiệp đất để chuyển mục đích sử dụng đất hay phát triển không đúng mục đích, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề là làm sao phát triển mà quản lý được. Thứ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục góp ý cho đề án này.
Hoạt động kinh tế ở các huyện thuộc TP.HCM chủ yếu dựa vào nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. So với đô thị,...