Đưa “khăn piêu, áo cóm” gửi người trẻ Khơ Mú

Trang phục truyền thống người Khơ Mú ở Điện Biên là di sản văn hoá quý báu đang đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục, nhiều địa phương đưa ra chiến lược phát triển văn hoá, xác định “chủ thể” phải bắt đầu từ giới trẻ.

Xu hướng lai hoá

“Điện thoại phủ sóng cả bản rồi. Internet cũng “vào” nhiều lắm. Bọn trẻ mặc quần bò, áo phông cả rồi…”, một vị già làng từng bất lực chua chát nói với truyền thông về tộc người của mình. Đây không đơn thuần là tiếng nói của một cá nhân, mà là yêu cầu cấp bách trong bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở nước ta.

Những bộ âu phục, váy ngắn, áo sơ mi… ngày càng “chiếm sóng” trong đời sống giới trẻ ở nhiều thôn bản thiểu số. Nhiều trai làng, gái bản chưa nhận thức đúng, đủ tầm quan trọng của di sản trang phục truyền thống trong đời sống văn hoá. Mặc lên mình bộ trang phục truyền thống, không ít bạn trẻ tự ti, mặc cảm, sợ bị coi lạc hậu với số đông. Điều này dẫn tới hệ luỵ ngày càng vắng bóng những bộ trang phục truyền thống hoặc chỉ được mặc ở người cao tuổi. Thậm chí, có nơi “lai căng” phụ nữ chỉ mặc chiếc váy của dân tộc mình, áo được thay bằng áo sơ mi, áo thun với đa dạng sắc màu. 

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từng đưa ra con số đáng báo động, 40/50 dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống. Thay vào đó, họ ưa chuộng các bộ quần áo được làm từ sợi vải công nghiệp bày bán tràn lan trên thị trường. Phụ nữ vẫn mặc chiếc váy dài tới bắp chân, nhưng chất liệu đã khác. Đó có thể là chiếc váy được nhuộm chàm công nghiệp, hoạ tiết thay vì thêu, dệt sẽ là in. 

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 1

Thiếu nữ Khơ Mú trong trang phục truyền thống

Chưa hết, một số nơi tạo ra trang phục truyền thống mà bỏ qua các khâu thủ công, thay vào đó là sản xuất công nghiệp hoàn toàn. Lối tạo ra trang phục này tuy đáp ứng số lượng nhưng rất khó để kiểm soát về đường nét hoa văn, sự tỉ mỉ chỉn chu trong hoạ tiết, dần đánh mất đi nét tinh tế, cái hồn vốn có. Do đó, không thể dùng thiết bị hiện đại để thay thế hoàn toàn khâu thủ công trong việc tạo ra trang phục truyền thống.

Đành rằng văn hoá giao thoa tiếp biến, hội nhập quốc tế nhưng không thể đánh đồng với hoà tan. Một môi trường văn hoá phát triển lành mạnh phải gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên từng có khảo sát cho thấy, đa số trang phục nam của các dân tộc thiểu số đã không không còn lưu giữ đến ngày nay. Trang phục của nữ giới bảo tồn tốt hơn song họ cũng chỉ mặc trong các dịp lễ, hội. Do đó, hiện nay trang phục truyền thống của một số dân tộc như: Phù Lá, Xinh Mun, Si La... ngày càng mai một. Trang phục truyền thống của người Khơ Mú ở Điện Biên cũng không nằm ngoài nguy cơ này. 

Phát huy vai trò của người trẻ

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số nói chung và trang phục người Khơ Mú nói riêng. Trong đó nội dung của dự án cũng tập trung vào việc triển khai bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở bản Kéo, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 2

Trong công cuộc bảo tồn trang phục dân tộc Khơ Mú, cần phát huy vai trò của thế hệ trẻ

Theo các chuyên gia văn hoá, các nghệ nhân ngày một già đi, lớp kế cận họ không ai khác ngoài giới trẻ. Nếu để “đứt gãy” sự kế thừa này, thì trang phục dân tộc sẽ bị thất truyền. Việc giữ gìn nét đẹp trang phục cần sự chung tay của cả cộng đồng, không riêng một tầng lớp nào, tuy nhiên giới trẻ là chủ thể cần đặc biệt quan tâm. 

Đối với nhiều chị em người Khơ Mú ở bản Kéo, mỗi lần mặc trang phục dân tộc luôn cảm thấy tự hào, phấn khởi. 

Chị Quàng Thị Hương, một người dân ở bản Kéo, cho hay trước đây chị được bà, mẹ chỉ dạy việc trồng bông, kéo vải, dệt hoa văn họa tiết trên trang phục tuy nhiên, hiện nay mọi người thường mua vải sẵn rồi thêu dệt hoa văn lên trên. "Ngày Tết chúng tôi thường tụ tập, cùng nhau may những bộ trang phục mới cho các thành viên trong gia đình. Người Khơ Mú đón Tết phải có áo mới, đón Tết nó mới vui", chị Quàng Thị Hương chia sẻ.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 3

Phụ nữ Khơ Mú diện trang phục dân tộc trong dịp lễ hội, Tết

Các nghệ nhân trong bản cũng gửi gắm tâm tư khi đề cập tới công tác bảo tồn trang phục dân tộc, thế hệ trẻ người Khơ Mú cần phát huy giá trị truyền thống dân tộc, yêu quý và trân trọng những nét đẹp giàu bản sắc trong trang phục truyền thống. Những buổi chỉ dạy thêu thùa, cắt may trang phục truyền thống, hướng dẫn phương pháp nhuộm vải chàm vẫn được các nghệ nhân người Khơ Mú truyền lại cho giới trẻ. 

Một ngày ở bản Kéo mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho du khách. Tới bản Kéo vào mùa lễ hội, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm những điệu múa đặc trưng của các thiếu nữ Khơ Mú trong trang phục dân tộc. Đêm đến, bên những chiếc bếp củi cháy hừng hực, những người phụ nữ Khơ Mú tay thêu thùa nhưng vẫn miệt mài tiếp chuyện du khách về cách làm ra bộ trang phục truyền thống, về chiếc khăn piêu, áo cóm, váy đen, chiếc túi dệt thổ cẩm cho trai bản đi hỏi vợ… Thi thoảng thiếu nữ Khơ Mú, dịu dàng, duyên dáng trong bộ y phục thường nhật mời khách nhấp chén rượu táo mèo.

Bà Quàng Thị San, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ cho biết, các bạn trẻ ngày nay rất hào hứng với trang phục truyền thống. Các thiếu nữ luôn trưng diện y phục của đồng bào trong các dịp lễ hội, đầu năm mới… Tuy nhiên, chỉ mặc thôi là chưa đủ để giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của người Khơ Mú. Quan trọng nhất là phải truyền được nghề thêu thùa, may vá cho thế hệ trẻ.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 4

Khó khăn trong việc bảo tồn trang phục dân tộc Khơ Mú hiện nay là nghề trồng bông, dệt vải đã mai một rất nhiều

Tuy nhiên, việc này hiện nay đang gặp nhiều trở ngại bởi nghề trồng bông, dệt vải đang bị mai một đi rất nhiều, sự giao thoa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, các nghệ nhân biết nghề, hiểu văn hóa giờ không còn nhiều. "Hi vọng các cơ quan quản lý nhà nước có các chương trình, chính sách, kinh phí hỗ trợ để giúp bà con trong việc tái trồng lại bông, nguồn nguyên liệu quan trọng trong việc bảo tồn trang phục truyền thống. Ngoài ra, cần có thêm các lớp tập huấn giúp thế hệ trẻ hiểu về quy trình dệt vải, hiểu về kỹ thuật may vá và thêu các họa tiết trên trang phục… Có như thế mới lưu giữ và bảo tồn được trang phục truyền thống", bà San cho biết thêm.

Bảo tồn trang phục gắn với xây dựng nông thôn mới

Mới đây, Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hơn 70 nghệ nhân, học viên là người dân tộc Khơ Mú ở bản Kéo đã được hướng dẫn các chuyên đề về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thông qua hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo tồn trang phục truyền thống. Các học viên được Nghệ nhân Ưu tú Quàng Văn Cá và nghệ nhân Quàng Thị Bừa trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất, kỹ thuật trang trí họa tiết trên trang phục truyền thống người Khơ Mú và thực hành kỹ thuật thêu họa tiết trên bộ trang phục truyền thống người Khơ Mú.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 5

Tập huấn quy trình sản xuất, thêu họa tiết trên bộ trang phục truyền thống người Khơ Mú

Bên cạnh đó, bà con dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo còn được phổ biến phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Học viên Lý Thị Duyên chia sẻ: "Qua lớp tập huấn, tôi nhận thấy vai trò của mình là thế hệ trẻ cần phải có ý thức học hỏi các thế hệ cha, ông tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc để từ đó lưu giữ, bảo tồn và tham gia giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình với các dân tộc khác trong tỉnh, khu vực và thu hút khách du lịch đến tìm hiểu nét văn hóa dân tộc Khơ Mú”.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 6

Các học viên được Nghệ nhân Ưu tú Quàng Văn Cá và nghệ nhân Quàng Thị Bừa trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất trang phục truyền thống người Khơ Mú

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, việc xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú tại bản Kéo gắn với xây dựng nông thôn mới là hoạt động góp phần nâng cao năng lực, ý thức tự bảo tồn, gìn giữ và phát huy các mô hình bảo tồn giá trị bộ trang phục truyền thống. Đồng thời khuyến khích đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn trang phục nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung.

dua “khan pieu, ao com” gui nguoi tre kho mu - 7

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung trao Giấy chứng nhận cho Học viên tham gia Lớp tập huấn

Qua đó, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Khơ Mú trong việc nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương theo hướng bền vững.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Vy