Mỗi dòng sông là một câu chuyện hấp dẫn
Mỗi dòng sông ở Việt Nam đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách.
Lễ hội sông nước tại TP.HCM thu hút rất nhiều du khách.
Tại hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp” tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) cho biết, mỗi dòng sông ở Việt Nam đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách. Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ven sông, trải nghiệm các lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền, đua ghe... hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các làng ven sông.
Chưa tương xứng
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, hiện du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Việt Nam có hơn 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km rất lý tưởng để phát triển du lịch đường sông.
Những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông như du lịch trên dòng sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)... Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh hiện khai thác tới 17 tuyến du lịch đường thủy, trong đó 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Các chuyên gia bàn giải pháp phát triển du lịch đường sông.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên nhân của tình trạng này là do hạ tầng giao thông đường thuỷ còn kém, nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch. Việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ, cảnh quan hai bên bờ sông ở phần lớn các tuyến du lịch chưa được chỉnh trang… cũng là nguyên nhân được chỉ ra. Đặc biệt, hiện nay chúng ta chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ; công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn hạn chế…
Khai thác câu chuyện của từng dòng sông
Để du lịch đường sông ở Việt Nam “cất cánh”, TS. Vũ Nam, Khoa Du lịch & Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần xây dựng đề án phát triển du lịch đường sông Việt Nam. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch đường sông không nên chỉ chú trọng đến phát triển về quy mô, số lượng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, số lượng khách du lịch, mà cần chuyển trọng tâm sang chất lượng của loại hình du lịch này.
Theo các chuyên gia phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam còn nhiều điểm “nghẽn”. Ảnh: Sơn Hà.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch; cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng phù hợp.
Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương thông qua các chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.
Một điểm cần chú ý nữa là cần tăng cường quản lý môi trường, cần áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả; có thể xây dựng và hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông như mô hình khu bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ, nơi các hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường được kết hợp hài hòa.
Theo các chuyên gia, cần khai thác câu chuyện của từng dòng sông để thu hút khách du lịch đường song. Ảnh Sơn Hà.
Đặc biệt là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn mỗi dòng sông ở Việt Nam đều có những câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những giá trị này sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách. Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ven sông, trải nghiệm các lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền, đua ghe... hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các làng ven sông.
Chia sẻ câu chuyện du lịch đường sông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TS. Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy cho biết, ĐBSCL có tiềm năng lớn về du lịch đường sông, thời gian qua, nhiều địa phương trong vùng đã có các tuyến du lịch hấp dẫn điển hình như TP Cần Thơ.
Theo thống kê, nơi đây mỗi năm, có tới 2/3 chọn tour du lịch trên sông. Điểm nhấn của tour là tham quan chợ nổi Cái Răng, trải nghiệm du lịch sông nước gắn với tham quan vườn cây ăn trái tại huyện Phong Điền; ngắm cảnh sông nước về đêm, thưởng thức các món ăn và nghe đờn ca tài tử trên du thuyền ở Ninh Kiều… Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển bền vững, theo TS. Vũ Văn Tuyên các địa phương cần xây dựng chiến lược căn cơ, có những giải pháp hữu hiệu.
TS Vũ Văn Tuyên cho rằng, ĐBSCL nên đẩy mạnh khai thác, xây dựng các tour du lịch đường sông gắn với miệt vườn như: tour du lịch đường sông gắn với tham quan nông trại chăn nuôi bò sữa, vườn cây trái, vườn rau, vườn hoa kiểng, làng bè nuôi thủy sản...
Trong các tuyến này, du khách có cơ hội tham quan, tự tay hái và thưởng thức trái cây tươi ngon tại vườn, trải nghiệm và thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn, mua đặc sản, quà lưu niệm, tát mương bắt cá, chụp hình tại các vườn cải, vườn hoa… Làm được như thế, chắc chắn du lịch đường sông ở ĐBSCL sẽ khai thác được nhiều thế mạnh mà nơi đây vốn có.
TS. Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, cần kết hợp du lịch đường sông với các loại hình du lịch khác như du lịch nghỉ dưỡng (xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, cung cấp các dịch vụ spa, golf, nhà hàng...); du lịch mạo hiểm (tổ chức các hoạt động thể thao trên sông như chèo thuyền kayak, lướt ván...)
Đặc biệt, cần tạo ra những trải nghiệm độc đáo: tổ chức các sự kiện đặc biệt trên sông như lễ hội âm nhạc, trình diễn thời trang, các cuộc thi... Bên cạnh đó, cần tạo ra các dịch vụ cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng.
Sông Nho Quế là mô hình áp dụng thành công du lịch đường sông.
Từ câu chuyện thực tế, ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang chia sẻ, chúng ta thường nghĩ thuyền chỉ là một loại hình giao thông vận tải để vận chuyển hành khách và hàng hóa từ điểm này đến điểm khác, nhưng ở bến thuyền sông Nho Quế lại khác. Hà Giang đã cho ra mắt sản phẩm du lịch đi thuyền trên sông Nho Quế để ngắm cảnh hùng vĩ của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2023 Hà Giang đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch thì có lẽ có đến hơn 2 triệu du khách muốn trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế.
Tuy nhiên, ông Lại Quốc Tĩnh cũng cho biết đây mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu, về lâu dài Hà Giang còn nhiều dòng sông đẹp ở nhiều địa phương, ngay sông Nho Quế cũng còn nhiều đoạn rất đẹp có thể phát triển được loại hình du lịch đường sông. Nhưng để làm hiệu quả cần nghiên cứu cách thức triển khai, quy mô hoạt động, các thủ tục pháp lý còn vướng mắc thì mới tạo được các tour du lịch đường sông hoạt động hiệu quả.