Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long có các phiên chợ quê diễn ra đều đặn định kỳ hàng tuần, hoặc hàng tháng. Đây là loại hình du lịch cộng đồng mang đến nhiều điều thú vị, mới mẻ đối với du khách gần xa.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp hình thành và phát triển mô hình chợ quê, thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa đến tham quan, mua sắm, thưởng thức những món ăn truyền thống, dân dã và giao lưu đờn ca tài tử, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và quảng bá hình ảnh địa phương..

Chợ quê Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp

Chợ quê Tân Thuận Đông qua gần 2 năm hoạt động, từ 24 hộ dân tham gia kinh doanh ban đầu, hiện nay Chợ quê Tân Thuận Đông đã có gần 70 hộ dân tham gia bán hàng. Hoạt động từ 14h - 20h thứ Bảy hàng tuần.

Hầu hết tiểu thương mua bán tại đây là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ, đơn sơ với mái lá, vách tre... Đa số những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay làm ra.

Chợ quê hoạt động sôi động, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, đồng thời có thêm một kênh mới để quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của địa phương đến với du khách gần xa.

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 1

Đến chiều thứ Bảy là chợ quê Tân Thuận Đông tấp nập đón khách từ mọi nơi. (Ảnh: sưu tầm)

Ông Phan Hoàng Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, cho bết: “Mô hình chợ quê hoạt động từ tháng 3/2022, đến nay đã tổ chức được 58 buổi họp chợ, thu hút trên 130.000 lượt khách tham quan, doanh thu trên 9 tỷ đồng. Hiện mỗi tuần, Chợ quê Tân Thuận Đông thu hút khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách, riêng dịp lễ và Tết Dương lịch chợ đón hơn 4.000 khách...”

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 2

Không gian giao lưu, thưởng thức đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ. (Ảnh: Sưu tầm)

Thích thú với không gian chợ quê, anh Lê Thanh Tùng ngụ TP Cao Lãnh cho biết: “Tôi rất thích không gian chợ quê Tân Thuận Đông vì các món ăn và bánh dân gian đa dạng rất ngon và mang nét đặc trưng miền tây, người dân rất mến khách. Tại chợ quê, người dân địa phương tham gia bày bán những mặt hàng mang đậm hương vị đồng quê với giá cả hợp lý như: các loại rau đồng, các loại trái cây... Đến đây, những ký ức xa xưa khi những phiên chợ chưa phát triển như bây giờ, tuy đơn giản nhưng người dân thân thiện không khí nhộn nhịp”.

Chợ đồng quê xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp

Để các thành viên trong hợp tác xã (HTX) có thêm thu nhập, người dân có nơi để trao đổi các sản phẩm nông sản, quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè gần xa, mới đây, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chợ đồng quê trên cánh đồng trồng lúa của HTX.

Nơi đây cũng đang được chính quyền xã Mỹ Đông xây dựng các tiêu chí về làng thông minh và cũng đang phấn đấu đạt các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 3

Phiên chợ quê diễn ra trên cánh đồng chiều thứ Bảy gần gũi ấm áp

Đến với chợ đồng quê do HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp khởi xướng, người dân địa phương và du khách sẽ thấy được những gian hàng nông sản của xã viên tự trồng, những món ăn dân dã gắn liền với nền văn hóa của người dân vùng Nam bộ như bánh xèo, cháo cá lóc rau đắng, ốc, ba khía hấp, bún riêu, bắp nướng, bánh canh, các loại bánh dân gian,...

Ngoài ra, phiên chợ còn có không gian giao lưu đờn ca tài tử cho du khách yêu thích nghệ thuật. Việc khởi xướng chợ đồng quê không chỉ tăng thêm thu nhập cho xã viên mà còn giúp các thành viên HTX có nhiều thời gian, cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống.

Chị Nguyễn Thu Hằng ngụ ấp 5, xã Mỹ Đông, Tháp Mười cho biết: “thường xuyên tham gia họp chợ tôi thấy rất vui không khí ấm cúng, kết nối được tình làng nghĩa xóm, giao lưu học hỏi tiếp thu những điểm mới trong món ăn, trong phát triển kinh tế và du lịch, du lịch xã cũng ngày phát triển hơn thu hút nhiều bạn bè từ các tỉnh thành và vùng miền khác”.

Chợ quê Gò Tháp, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 4

Không gian rộng lớn tại chợ quê Gò Tháp đón tiếp hàng ngàn du khách mỗi khi họp chợ

Tại huyện Tháp Mười, chợ quê Gò Tháp (xã Tân Kiều) có nét đặc trưng riêng khi được tổ chức theo hình thức của chợ quê xưa gắn với không gian sen tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Phiên chợ quê đầu tiên tại đây có 44 gian hàng, đến phiên chợ thứ tám đã có hơn 100 gian hàng. Phiên chợ được tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày thứ Bảy của tuần cuối cùng của mỗi tháng. Nhằm tái hiện lại không gian chợ quê xưa, các gian hàng phiên chợ quê Gò Tháp được bày trí theo kiểu chợ truyền thống Nam bộ với mái che lợp lá, quầy sạp bằng tre, gỗ, dừa... và trang trí bằng những chất liệu mộc mạc, đơn sơ có tại địa phương.

Các quầy hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: cháo cá lóc đồng rau đắng, cháo ếch, cháo vịt xiêm, cá lóc đồng nướng ăn lá sen non, ốc luộc sả... đặc biệt là có hơn 30 loại bánh dân gian và các loại trái cây (mít, ổi, xoài...). Đến chợ quê Gò Tháp, du khách còn được thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử.

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 5

Các loại bánh dân gian, bánh đặc trưng miền Tây đa dạng, hấp dẫn du khách mọi miền

Theo Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp, đơn vị đã phối hợp UBND huyện Tháp Mười tổ chức thực hiện mô hình chợ quê, mỗi tháng, chợ hoạt động một lần vào thứ Bảy của tuần cuối cùng trong tháng. Những ngày Tết và lễ hội, chợ quê sẽ hoạt động trong thời gian dài hơn. Chợ quê Gò Tháp phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh, ăn uống kết hợp giao lưu văn hóa văn nghệ, đờn ca tài tử. Đến nay, qua 8 phiên hoạt động, chợ quê Gò Tháp thu hút hơn 101.000 lượt khách.

Chợ quê Long Thuận, Hồng Ngự

Đến TP Hồng Ngự rồi qua phà Mương Lớn để đến Phiên chợ quê xã cù lao Long Thuận, huyện Hồng Ngự hoạt động từ 15 giờ đến 21 giờ ngày thứ bảy hằng tuần. Phiên chợ là mô hình chợ quê tái hiện lại khung cảnh xưa với gần như đầy đủ các món ăn cây nhà lá vườn, nhất là các món ăn dân dã và truyền thống như si rô đá bào, ốc, hến, bánh xèo, bắp nướng, mắm, bánh bò, bánh tét, bánh ít, bánh canh, thức ăn chay... Từng món đều được trang trí bắt mắt, đậm đà hương vị của quê hương xứ sở cù lao.

Ngoài ra còn có khu tự sản tự tiêu với các loại rau, cá đồng, khô các loại và trái cây do người dân tự trồng, thu hái. Phiên chợ quê xã Long Thuận bước đầu có ba khu vực mua bán của người dân với quy mô hơn 65 điểm mua bán.

Mô hình chợ quê ngày càng phát triển thu hút đông đảo khách du lịch - 6

Du khách đông đúc tham quan và thưởng thức món ăn ngon tại quầy khi đến chợ quê Long Thuận

Các mặt hàng ăn uống đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm chụp ảnh check-in, ngắm cảnh đồng quê với vườn rau hữu cơ. Ban Tổ chức đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động diễn ra thường xuyên và thông suốt. Xây dựng các tiểu cảnh phụ để du khách có thể chụp ảnh, check-in, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Bố trí nơi giữ xe cho khách tham quan, phối hợp với đơn vị thu gom rác và bố trí tần suất thu gom rác thải phù hợp với hoạt động của phiên chợ.

Nếu những sản phẩm chợ quê được hình thành và ngày càng phát triển hơn thì không chỉ làm phong phú thêm bức tranh du lịch Đồng Tháp mà còn có thể nâng cao đời sống cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của làng quê miền Tây.

Hình ảnh chợ quê rất đỗi quen thuộc đối với người dân nông thôn vùng sông nước Cửu Long, nhưng với sự phát triển của xã hội những phiên chợ quê gần gũi ngày càng ít đi. Đồng Tháp là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sớm có mô hình chợ quê. Các phiên chợ diễn ra đều đặn định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng. Việc này vừa giúp lưu giữ giá trị văn hóa xưa, vừa là loại hình du lịch cộng đồng mang đến nhiều điều thú vị, mới mẻ; bước đầu có hiệu quả, thu hút nhiều du khách gần xa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vũ Luân