Loa kèn gọi hạ

Những bông kèn ta thanh mảnh màu xanh ngọc như những ngón tay thiếu nữ duyên dáng duỗi dài hờ hững là một đặc sản của Hà Nội.

Những bông kèn ta thanh mảnh màu xanh ngọc như những ngón tay thiếu nữ duyên dáng duỗi dài hờ hững là một đặc sản của Hà Nội.

loa ken goi ha - 1

Xưa nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, một trong những nhà thơ của phong trào Thơ Mới có câu thơ rất nổi tiếng "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà". Đây là một trong những câu thơ lộng lẫy nhất của ông, miêu tả độc đáo về “biến thiên mùa” trong trời đất Việt. Đấy là nói kiểu văn học, còn nói nôm na kiểu tâm hồn ẩm thực thì nhìn đĩa hoa quả các bà nội trợ mua về dâng lên thắp hương là thấy bốn mùa trôi qua như thế nào. Nói nôm na kiểu bình dân là mùa nào thức ấy.

Hồi xưa, câu này rất đúng nhưng bây giờ không đúng lắm vì quả Trung Quốc, quả nhập khẩu, rồi quả các vùng miền trồng xen canh gối vụ bán quanh năm nên không rõ mùa nữa. Mít chẳng hạn, xưa chỉ bắt đầu hè mới có mít, giờ mít giống Thái bán quanh năm bất kể xuân hạ thu đông, mùa nào cũng có mít. Quả như vậy nhưng may vẫn còn có hoa…

Đặc trưng của Hà Nội là mùa nào hoa ấy. Một năm có 12 tháng, mỗi tháng Hà Nội đều có một, hai loài hoa chủ đạo. Chỉ cần nhìn hoa bán trên đường phố là biết Hà Nội đang ở mùa nào. Vì hoa chỉ có từng mùa nên bao sự tinh khiết, sự đắm say đều như được chưng cất lại. Loa kèn là một loại hoa như vậy.

loa ken goi ha - 2

Cuối tháng 3, khi những làn gió xuân cuối cùng phơn phớt thổi là lúc loa kèn bắt đầu thấp thoáng trên đường phố Hà Nội. Có lẽ vì thế mà nhiều người gọi loa kèn là hoa gọi hạ. Khi nhìn thấy những bông loa kèn lấp ló trên các gánh hàng hoa dọc phố cổ là biết đã cữ cuối tháng 3 sắp sang tháng 4, biết đã cuối xuân sang hạ, biết Giêng Hai đã hết. Khi kèn bung nở trắng xóa là lúc hạ đã đến thật rồi. Những bông kèn ta thanh mảnh màu xanh ngọc như những ngón tay thiếu nữ duyên dáng duỗi dài hờ hững là một đặc sản của Hà Nội.

loa ken goi ha - 3

loa ken goi ha - 4

Về giống có hai loại: kèn ta và kèn tàu (giống Trung Quốc). Hoa kèn ta trồng bằng củ, kèn tàu trồng bằng hạt. Búp kèn ta tuy nhỏ nhưng lúc nở rất đẹp, kích cỡ vừa phải và tỏa hương thơm dịu rất dễ chịu, lại tươi lâu. Ngoài ra, kèn ta thân nhỏ, lá cũng nhỏ hơn và xanh thẫm hơn. Kèn tàu nhìn đẹp mắt, bông to và thân mập hơn nhưng lại không thơm lắm và chóng tàn hơn. Đầu mùa kèn ta rộ nhưng sang nửa cuối tháng Tư thường là kèn ta sẽ nhường chỗ cho kèn tàu.

loa ken goi ha - 5

Về hình dáng, loa kèn có loại đơn và loại chùm. Loại đơn là mỗi cành là một hoa, còn chùm thường 3-4 hoa trên một cành. Kèn chùm có bông to, bông vừa và nụ. Nụ màu xanh nhạt khi to dần sẽ chuyển sang màu trắng. Một bình hoa kèn chùm khi một số những bông nở to thì vẫn còn những bông khác hé nở và những nụ bé chúm chím. Trên nền lá xanh là những hoa và nụ với hai màu xanh, trắng điểm những nhị vàng đan nhau nhìn mát cả mắt. Chơi “kèn” ta phải mua lúc còn nụ để thong thả ngắm những búp kèn lớn dần rồi dịu dàng mở từng cánh cho hương thơm tinh khiết thì thầm tỏa khe khẽ tan vào không trung.

Còn kèn đơn, người bán thường chọn hoa đều như nhau nên khi nở là đồng loạt nở, lúc ấy nhìn lọ hoa nở bung toàn màu trắng thì không được duyên cho lắm. Tuy nhiên cắm lẵng hoặc cắm những bình to hàng trăm bông đặt ở các sảnh rộng thì người ta hay chọn kèn đơn cho dễ cắm và khi nở hoa sẽ nở đều.

loa ken goi ha - 6

Lại nói, cùng là hoa nhưng trồng ở đất khác nhau cũng cho nhan sắc khác nhau. Trước đấy, giữa tháng 3 đầu tháng 4 chủ yếu là kèn Đăm, tức là trồng ở làng Đăm (nay gọi là Tây Tựu). Kèn Đăm bói sớm nhưng thân ngắn và hoa không trắng muốt, lá cũng không xanh thẫm, trông hơi hơi thô. Vì ngắn nên kèn Đăm thường chỉ cắm được ở những bình thấp hoặc cắm xốp trong lẵng.

Giờ đất ở Tây Tựu dần ít đi nên người dân Tây Tựu thuê đất ở Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) để thay đổi môi trường đất canh tác, cho hoa tốt hơn. Kèn Nhật Tân thường xuất hiện muộn hơn vào tầm giữa tháng 4 nhưng đẹp thôi rồi. Cành dài thanh mảnh, lá xanh thẫm và hoa trắng muốt trông rất yêu kiều. Không hiểu sao nhìn những bông loa kèn Nhật Tân lại cứ liên tưởng đến những cô gái Hà Nội xưa, cổ cao thanh mảnh, duyên dáng áo dài, thong dong đi bộ trên hè phố cổ...

loa ken goi ha - 7

Để có được những bình hoa loa kèn đẹp, nên chọn những những cành có điểm những nụ to hơi trắng ở đầu bông đang tầm nụ bắt đầu nở, các nụ khác xanh tươi và không quá nhỏ, nên chọn những cành có 3-5 bông, đừng tham nhiều nụ quá sẽ không nở hết và rũ xuống. Cắm loa kèn không khó, chủ yếu phải tìm được bình phù hợp. Vì loa kèn là loại hoa dáng cao, nên hợp với bình pha lê, thủy tinh hoặc gốm. Bình cao và khá rộng miệng thường đẹp hơn.

loa ken goi ha - 8

Đặc biệt loa kèn không ưa cắm vào những bình nhiều màu sắc. Lấy một cái bình sặc sỡ để cắm loa kèn chẳng khác nào hại nó. Càng giản dị loa kèn càng đẹp. Bình một màu làm tôn vẻ lịch lãm và thanh tân của loài hoa này. Đơn giản vì loa kèn vừa có sắc vừa có hương. Một mùi hương không nồng như cô gái đẹp xức quá nhiều nước hoa mà hương loa kèn dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ. Nếu như nhiều loài hoa khác có thể cắm phối với nhau, riêng loa kèn thì đẹp nhất khi nó chỉ đứng một mình, kiểu như “em xinh em đứng đầu đình cũng xinh”.

loa ken goi ha - 9

Ngắm những bông loa kèn trắng muốt tự dưng nhớ đến một đoạn trong truyện ngắn nổi tiếng “Có môt đêm như thế” của nhà văn Nguyễn Thị Minh Thư: “Khi đưa cần câu cho Lai, Miên nhận thấy anh có một đôi mắt rất đen. Có lẽ còn đen hơn cả những dải nước mà sóng đang lôi vào bờ, rồi lại ném ra xa tít tắp kia.

- Sao cần câu ngắn thế anh? - Giọng Miên trong và nhẹ.

- Tháng 4 cá thường ăn sát bờ... Nhưng kìa, ngồi không khéo bạn sẽ làm hỏng hết hoa đấy!

- Hoa nào?

Theo bản năng Miên nhổm người lên, như thể đang ngồi trên hoa thật. Thì ra chỗ Miên đang ngồi là một thẻo vườn, mà vạt cỏ tươi tốt bên đầm đã mọc trườn vào. Phải nhìn kỹ mới thấy những gốc cây đã héo.

- Có thấy gì không?

- Những gốc cây?

- Chỉ thế thôi à! - Thở ra rồi hít vào thật mạnh xem nào.

- Hít vào thật mạnh... Trời, sao từ nãy đến giờ em không nhận ra nhỉ?

- Suỵt! Luật sư quay lại, đưa tay lên miệng cảnh cáo tiếng reo của Miên.

Hẳn cậu ta sợ cá nghe thấy.

Hoa loa kèn. Một mùi thơm ngọt mát dâng lên.

Giữa những gốc cây đã héo, giữa những lá cỏ dài tươi tốt, cây hoa còn sót lại ở một góc thẻo vườn chỉ có một bông hoa duy nhất. Thật khó tưởng tượng nổi hương thơm ôm đầy cả khoảng không bao la này, chỉ dâng lên từ đài hoa mảnh dẻ đến dường kia.

- Trước đây là nhà của một ông già rất yêu hoa. Giờ ông chuyển vào làng, nhường đất cho sinh viên làm nhà ở và giảng đường. Có biết vì sao mình nhắc đừng ngồi lên không?

Miên lắc đầu.

- Hoa đã cắt, nhưng còn củ để lại ươm dưới đất đấy - Lai giải thích.

- Giật đi anh... Thôi, hỏng rồi!

Có tiếng quẫy nhẹ. Tiếp theo là tiếng thở dài thực to của luật sư. Dưới ánh trăng, cái gọng kính của cậu in hình to kệch, nom đến kỳ dị.

- Hôm nay đen quá. Thôi chả thèm câu nữa.

Luật sư ngáp dài, và nằm xoài luôn xuống. Nó gỡ kính. Lại ngáp. Một lát im lặng. Rồi bỗng cất tiếng, giọng ngái ngủ:

- Cái ông Gớt Hôn ấy buồn cười nhỉ. Ngồi dưới hầm rồi kêu gọi... Mà ban nãy anh nói về mặt trăng là bịa thật đấy?

- Xin cứ tin tôi - ngài luật sư!

Có gì đó vừa giễu cợt, vừa trìu mến trong giọng Lai. Cả ba cùng im lặng. Trong đêm tĩnh mịch chỉ còn vang lên tiếng nước vỗ bờ. Mặt đầm cứ rộng ra, rộng mãi và, và bầu trời dường như cũng được nâng lên - cao và nhẹ hơn”.

Truyện này chị Thư viết lâu rồi nhưng lần nào nhớ đến đoạn này mình cũng xúc động.

loa ken goi ha - 10

Tháng 4 về, trời bắt đầu nắng gắt. Đang bước đi ngoài nắng, bước chân vào phòng mắt như chợt dịu lại vì bình hoa loa kèn duyên dáng ở góc phòng. Sau những ồn ào của phố xá, của bụi đường, hương hoa dịu nhẹ như giúp ta thanh lọc tâm hồn một lần nữa… Loa kèn Hà Nội mang vẻ kiêu hãnh riêng báo hiệu thời khắc giao mùa từ xuân sang hạ. Bình loa kèn giản dị nhưng gợi về bao nhớ thương và làm xao xuyến biết bao người con Hà Nội đi xa…

loa ken goi ha - 11

Riêng nhà mình thấy loa kèn trên phố là biết sắp đến sinh nhật mẹ - loài hoa mà mẹ thích nhất. Sinh nhật mẹ có thể tổ chức to hay nhỏ tùy từng năm nhưng thứ quà tặng không bao giờ vắng mặt luôn là một bình loa kèn trắng muốt, dịu dàng “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vĩnh Quyên

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!