Landtour - mô hình khả thi trong phát triển du lịch cộng đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lãnh đạo thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, đánh giá mô hình Landtour rất khả thi trong việc giúp du lịch cộng đồng của thị xã nói chung, Thủy Thanh và Thanh Toàn nói riêng “lột xác”…

Landtour - mô hình khả thi trong phát triển du lịch cộng đồng - 1

Trải nghiệm bài chòi ở cầu ngói Thanh Toàn

Thống kê sơ bộ, hàng năm, có khoảng 200.000 lượt khách du lịch về với Thanh Toàn. Với số lượng du khách đông như vậy, nhưng những cơ sở vật chất cơ bản để phục vụ và giữ khách ở lại lâu hơn thì nơi đây vẫn chưa đáp ứng khi hiện tại, địa phương này mới chỉ có 1 số nhà hàng nhỏ, homestay cùng các dịch vụ rất đơn điệu.

“Bỏ lỡ” nguồn thu nhập trên, nguồn thu từ khách du lịch chỉ có bán vé Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn (20.000đ/vé). Tuy nhiên, do không có cơ chế kiểm soát khách (khách có thể mua hoặc không mua vé) nên lượng vé bán ra rất thấp, rơi vào khoảng 7.000 vé, với doanh thu trên dưới 130 triệu đồng/năm. Và con số này là tính ở thời điểm trước khi COVID – 19 bùng phát.

Chính từ những yếu tố này, việc áp dụng mô hình cung cấp Landtour được đánh giá rất khả thi.

Landtour – được hiểu là chương trình du lịch trọn gói, giúp phát huy mọi thế mạnh và vẻ đẹp của yếu tố bản địa đến với du khách. Hình thức này “buộc” khách phải mua trọn gói 1 tour của địa phương chứ không thể tách lẻ ra, cũng như “khống chế” các công ty lữ hành hoặc các hướng dẫn viên tự tổ chức tour khi về Thanh Toàn.

Du lịch cộng đồng là loại hình mà người dân địa phương tham gia vào hầu hết các hoạt động du lịch và là đối tượng được hưởng lợi chính từ du lịch. Và, nếu được liên kết với nhau nhịp nhàng, không chỉ tăng thu nhập cho người dân địa phương khi thông thường, du khách là những người mong muốn được tiêu tiền trong chuyến đi, mà Landtour còn đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá những gì tinh túy nhất của điểm đến, từ con người, bản sắc văn hóa, cảnh quan…

Triển khai mô hình Landtour tại Thanh Toàn, những người làm du lịch cần phải quy hoạch lại tuyến du lịch với mục đích định vị sản phẩm. Điều này giúp khi có nhu cầu trải nghiệm một tour du lịch đúng “chất” làng quê miền Trung, người ta sẽ nghĩ đến tour du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn. Đồng thời, những tiểu dự án đi kèm, như: chọn dịch vụ, quy hoạch không gian, thành lập ban quản lý theo hướng hoạt động doanh nghiệp… là những điểm nhấn không thể thiếu.

Để tạo điểm nhấn, các cấp, các ngành hữu quan cần có những động thái như xây cổng chào, bãi đỗ xe, các con đường hoa quanh làng, thiết kế khu vui chơi dành cho trẻ em (tập trung vào các trò chơi dân gian), khu biểu diễn bài chòi (số lượt, khung giờ cố định trong ngày); xây dựng bộ thực đơn “đặc sản Thanh Toàn”, các tuyến tham quan bằng xe đạp, xe bò; đào tạo lực lượng hướng dẫn viên địa phương để truyền bá văn hóa Thanh Toàn cho du khách…

Một điều cốt lõi nữa là cách phân chia lợi nhuận. Theo đó, những người nằm trong ban quản lý phát triển du lịch Thanh Toàn điều có lương cứng, phụ cấp, thưởng. Các dịch vụ tham gia vào tour được trả theo tiền vé đầu người đến tham quan điểm đó. Lợi nhuận cũng sẽ được trích 1 phần để hỗ trợ cho các cộng đồng ở địa phương thông qua những mô hình, cuộc thi: thôn xóm được bình chọn sạch, đẹp nhất làng; ngôi nhà đẹp nhất làng; đoạn đường đẹp nhất làng…

Ông Nguyễn Đình Thuận – Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng – người hiến kế áp dụng mô hình Landtour để phát triển du lịch cộng đồng Thanh Toàn nói trên khẳng định, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương trong triển khai thực hiện mô hình này. Với động thái cầu thị, nhiệt tâm của lãnh đạo địa phương, khoảng 2-3 năm, Landtour sẽ hoàn thiện và giúp du lịch cộng đồng nơi đây “lột xác”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V (Theo Báo Thừa Thiên Huế)