Hành trình di sản nối biển và hoa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dự án khôi phục Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 83,5 km với kinh phí trên 27 ngàn tỷ đồng vừa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đầu tuyến là ga Tháp Chàm, cuối tuyến là ga Đà Lạt. Đây là một tín hiệu vui cho 2 địa phương Ninh Thuận và Lâm Đồng, mở ra hành trình di sản nối biển và hoa độc đáo, đầy hấp dẫn, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, hướng đến khôi phục, bảo tồn và phát triển bền vững. Từ đây, Lâm Đồng tiếp tục ngày càng bay cao hơn, xa hơn khi hệ thống giao thông đường bộ - đường hàng không - đường sắt được đầu tư đồng bộ, bền vững. 

Hành trình di sản nối biển và hoa - 1

Nhà ga Đà Lạt - điểm kết nối hành trình di sản nối biển và hoa khi Dự án khôi phục tuyến Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được triển khai, hoàn thành. Ảnh: H.H.N

• BẢO TỒN GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO

Tôi còn nhớ “hoài niệm” đầy trăn trở của người anh đồng nghiệp - Nhà báo Uông Thái Biểu khi viết bài “Hoài niệm những chuyến tàu” trên Tạp chí “ Xưa và Nay” cách đây hơn 10 năm. Ngược dòng lịch sử, “… vào năm 1932, tuyến đường sắt leo núi từ Tháp Chàm lên Đà Lạt hoàn thành và chính thức khai thác. Tuyến đường có chiều dài tổng cộng 84 km, trong đó có tới 34 km đường răng cưa và phải đi qua 5 hầm với tổng chiều dài gần 1.000 m với nhiều cầu qua vực và suối. Trong toàn tuyến đường thì đoạn K’rông Pha - Eo Gió (Đơn Dương) là cung đường hiểm trở nhất. Để qua được đèo dốc người ta phải thiết kế những bánh răng cưa lắp vào tàu và đường ray được chế tạo kiểu răng thay cho ray trơn. Tuyến đường vượt độ cao 1.500 m trên mực nước biển với độ dốc thường xuyên 12%. Các đoàn tàu được vận hành bằng 11 đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thụy Sĩ. Xưa kia mỗi ngày có hai đôi tàu chạy tuyến Đà Lạt - Nha Trang với ba toa khách, một toa hàng và ngược lại. Hành khách bao giờ cũng đông với phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt…”. 

Thật vui khi dự án được phê duyệt chủ trương và đang đẩy nhanh tiến độ quy trình thủ tục hồ sơ để trình Quốc hội, sớm thực hiện ước mơ “hoài niệm” cho biết bao thế hệ người dân Việt Nam và du khách, nhất là người Đà Lạt và Phan Rang. Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nhằm hướng đến mục tiêu hiện thực hóa quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, vận tải hành khách của thành phố Đà Lạt. Kết nối giao thông khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Nam Tây Nguyên, giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam được khôi phục đưa vào sử dụng hứa hẹn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. 

Hành trình di sản nối biển và hoa - 2

Đoàn các bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh khảo sát thực địa Dự án Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Dự kiến tuyến đường sắt này từ Phan Rang Tháp Chàm lên Đà Lạt gồm 17 nhà ga và trạm khách. Khôi phục 12 ga cũ gồm cả ga Tháp Chàm, bổ sung mới 2 ga và 3 trạm khách. Riêng tỉnh Lâm Đồng gồm 10 ga và trạm khách, trong đó 5 ga khôi phục gồm: Eo Gió (Đơn Dương), Trạm Hành - Cầu Đất, Đa Thọ, Trại Mát và ga Đà Lạt. Xây dựng mới 64 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Tân Mỹ và cầu Đơn Dương. Ngoài ra còn xây dựng các cầu vượt, đường ngang, đường gom. Cải tạo sửa chữa 5 hầm với tổng chiều dài 1094,59 m. Riêng lắp đặt đường ray răng cưa với tổng chiều dài khoảng 16 km, trong đó Lâm Đồng là 8 km. Địa phận tuyến đường sắt đi qua là thị trấn Dran (Đơn Dương) và xã Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ, Phường 9, 10, 11 (Đà Lạt). 

Dự kiến hướng tuyến di chuyển vận hành như sau: Tuyến vượt đèo Ngoạn Mục đi vào địa phận tỉnh Lâm Đồng. Qua ga Eo Gió, tuyến cắt QL27 và đi song song về phía Bắc đến thị trấn Dran tại phía Nam hồ Đơn Dương. Tuyến vượt sông Đa Nhim tại vị trí hạ lưu cầu Đơn Dương hiện hữu về ga Đơn Dương, giao cắt QL27 và đi song song về phía Tây Nam QL20. Qua ga Trạm Hành, tuyến vượt hầm số 3, tiếp tục giữ nguyên hướng tuyến về ga Cầu Đất. Tuyến tiếp tục đi qua hầm số 4, số 5 đến ga Đa Lộc, đến ga Trại Mát và kết thúc tại ga Đà Lạt. 

Chia sẻ về thông tin vui này, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết: Vừa qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 đã quyết định đầu tư công trung hạn theo hình thức PPP cho các dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Nay lại phấn khởi hơn vì sau đó có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam từ nay đến 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó có tuyến đường sắt rất quan trọng là Tháp Chàm - Đà Lạt, trên cơ sở khôi phục nền tảng đường sắt cũ từ trước năm 1970. Dự án này được quyết định đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Chính phủ quy định rõ nếu có nhà đầu tư quyết tâm sẽ có thể triển khai dự án sớm hơn dự kiến. Lần này sau khi nhà đầu tư trình dự án, đề án, có tham khảo thêm từ phía Nhật Bản, Pháp; dự án với tổng vốn 27 ngàn tỷ đồng theo hình thức PPP (trong đó có phần đầu tư công từ ngân sách nhà nước). Với vai trò là ĐBQH, Đoàn sẽ báo cáo với Quốc hội thông qua phần đầu tư công hạn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu trong nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2021 - 2026, chuẩn bị đầu từ giai đoạn 2026 - 2030. Tiếp đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định, xem xét và sớm phê duyệt vốn. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ nắm bắt thông tin, giải thích cho cử tri và có tiếng nói chung ủng hộ Lâm Đồng để triển khai dự án này.

Hành trình di sản nối biển và hoa - 3

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được khôi phục sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, KT - XH 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Ảnh: TL

• CƠ HỘI CHO LÂM ĐỒNG CẤT CÁNH BAY CAO HƠN

Dự án này hoàn thành sẽ thỏa nguyện ước muốn, tạo cơ hội để Đà Lạt - Lâm Đồng cất cánh bay cao hơn trong thời gian tới, đáp ứng mong mỏi của cử tri tỉnh nhà và cử tri cả nước. Để Lâm Đồng tăng tốc trở thành tỉnh khá cả nước với cơ sở hạ tầng phát triển ổn định, bền vững; bảo đảm đô thị chuẩn, thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai vào năm 2045, yếu tố giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cho biết, đây là dự án mà tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng rất mong chờ để có thêm một phương thức vận chuyển mới, trong đó với đặc thù là loại hình đường sắt răng cưa sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch của Lâm Đồng - Ninh Thuận. Vùng núi và biển, biển và hoa sẽ được kết nối gần hơn. Qua đó, giảm tải áp lực trong vận chuyển hàng hóa khi quá tải đường bộ. Mặt khác, khi dự án thi công hoàn thành còn tạo sự phong phú cho hệ thống giao thông Việt Nam nói chung và Lâm Đồng - Ninh Thuận nói riêng. “Chúng tôi mong muốn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án để cuối năm nay hoàn tất hồ sơ, đến đầu năm 2023 có thể bắt đầu triển khai dự án. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi mong nhà đầu tư nghiên cứu, áp dụng những kỹ thuật hiện đại tiên tiến nhất để khi vận hành theo mô hình đường ray bánh răng cưa không có sự cố, đảm bảo an toàn cho hành khách”, ông Hiệp kỳ vọng.

Có thể nói, Dự án khôi phục Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được thi công và đưa vào sử dụng không chỉ góp phần vào vận tải hàng hóa và hành khách từ Lâm Đồng và ngược lại, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội 2 địa phương ngày càng phát triển. Quan trọng hơn, nó sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, bởi khi đường sắt này hoạt động sẽ làm giảm phương tiện lưu thông đường bộ và giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường. Qua đó, giúp cho giao thông khu vực được thông suốt và thuận tiện; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyệt Thu (Báo Lâm Đồng)