Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến mọi thứ chuẩn bị cho kỳ Festival 2020 phải đổi thời gian tổ chức đến 3 lần và cuối cùng là dừng. Tính từ 2018 đến nay, 4 năm rồi người dân Huế mới được đón lại Festival.

Với lần trở lại này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế muốn đem một sự tươi mới cho người dân cũng như du khách. Festival bốn mùa là một trong những sự thay đổi đó. Ở kỳ lễ hội này, khi đến Huế du khách sẽ thấy những lễ hội được diễn ra xuyên suốt trong cả một năm. Mỗi quý sẽ có những chủ đề, chương trình “đinh” nhằm làm nổi bật sự kiện.

Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" - 1

Chương trình Lễ hội Áo dài tại các kỳ Festival

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, nói rằng việc chúng ta dồn lại mọi thứ để tổ chức trong một tuần lễ sẽ gây nên sự quá tải. “Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu dồn nén lại như vậy sẽ rất đông khách, nhưng nó đông dẫn đên quá tải. Khách sạn cũng không đủ để đáp ứng cho du khách. Rốt cuộc tác dụng thì nó cũng không có gì cả. Quan điểm của chúng tôi là trải ra cả bốn mùa để giãn bớt sự quá tải đó”, ông Đạt thông tin.

Vì trải ra cả bốn mùa, nên phải căn chỉnh các hoạt động để thích hợp với mỗi tháng, mỗi quý. Với mùa Xuân, thì chương trình chính sẽ là “Lễ hội ẩm thực”, với mùa Hè sẽ là “Festival Huế năm chẵn và Festival làng nghề truyền thống diễn ra vào năm lẻ” còn “Lễ hội Lân và Lễ hội đèn lồng” sẽ là những chương trình chính cho mùa Thu.

Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" - 2

Chương trình Lễ hội Áo dài tại các kỳ Festival

“Mùa đông là mùa khó khăn nhất do thời tiết, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời là không được. Cho nên mùa này thì chúng tôi tính đến lễ hội âm nhạc với các loại hình âm nhạc thính phòng, cổ điển… Và khi kết thúc cho một chuỗi các sự kiện, lễ hội trong năm thì sẽ có Chương trình Countdown-Chào đón năm mới”, Giám đốc Trung tâm Festival Huế nói.

Trước thông tin về việc tiết giảm một số chương trình, lễ hội trong kỳ Festival sắp đến, ông Đạt thông tin, rằng thực ra đây không phải là cắt giảm mà chỉ trải dài ra ở một vài sự kiện, lễ hội trong các tháng.

“Có một số chương trình như Lễ hội Diều, Thuận An biển gọi, Hương xưa làng cổ… trước đây nằm trong khuôn khổ Festival nhưng giờ đưa ra ngoài. Việc chúng tôi đưa những sự kiện này ra ngoài là để có được nhiều hơn các đoàn tham gia. Nếu mình dồn nén vào đó thì cái không có người tham gia, cái thì quá đông”, ông Đạt cho hay.

Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" - 3

Lễ hội đường phố với màn biểu diễn Chú rối khổng lồ đến từ các đoàn nghệ thuật Quốc tế.

Trả lời về việc các đoàn nghệ thuật tham gia vào kỳ Festival này, ông Đạt thông tin: “Đến bây giờ có nhiều quốc gia vẫn đang còn trục trặc về vấn đề đăng ký, như Trung Quốc, Nga… Hàn Quốc cũng đã đăng ký hai đoàn nghệ thuật tham gia nhưng sau này rút lui. Lúc đầu, chúng tôi dự kiến 15 quốc gia tham dự, nhưng bây giờ mới có 7-8 nước đăng ký. Nhưng chắc chắn thì cũng chỉ mới 4-5 đoàn. Chúng tôi đang tính đến phương án dự phòng là mời thêm”.

Khung chương trình của các kỳ Festiavl trước đây luôn có các sự kiện: Khai mạc, Lễ hội đường phố, Chương trình nhạc Trịnh, cùng một chương trình của Di tích để tôn vinh di sản và kết thúc là chương trình Bế mạc. Nhưng bây giờ khi đã trải dài các lễ hội cả năm thì không thể tổ chức Khai mạc và Bế mạc, thay vào đó sẽ biến nó thành một chương trình khác để xem như khai màn cho một tuần lễ cao điểm. Rồi sẽ có một đêm giã bạn để các đoàn nghệ thuật giao lưu, từ biệt.

“Dự kiến đêm khai màn sẽ bán vé. Trong đêm khai mạc, chúng tôi lên kịch bản sẽ lấy Lễ hội Áo dài kết hợp một số tiết mục nghệ thuât khác để nâng tầm nó lên. Còn đêm giã bạn sẽ làm không gian mở cho du khách, công chúng cùng tham dự”, người đứng đầu Trung tâm Festival Huế cho hay.

Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" - 4

Thông thường với các kỳ Festival trước đây luôn có một chương trình nghệ thuật mang âm sắc Huế. Nhưng do dịch bệnh và kinh phí có hạn nên trong kỳ Fesitval lần này với chương trình này cũng đang gặp khó khăn và còn phải cân nhắc. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ ở kỳ Festival 2020 thì sẽ có chương trình nghệ thuật “Ai đã đặt tên cho dòng sông” do Nhà văn Nguyễn Quang Vinh xây dựng. Nhưng đến giờ thì chương trình này có được trình diễn trong kỳ Festival này hay không thì vẫn “chưa có gì chắc chắn”.

Trải qua 22 năm với 10 kỳ tổ chức, việc Festival Huế vẫn chưa trở thành một lễ hội mang thương hiệu quốc tế. Nói về việc cần làm gì để nâng tầm Festival Huế lên một sự kiện cao hơn, ông Đạt cho rằng đây là một câu hỏi khó. Nguyên nhân được ông lý giải rằng do dịch bệnh và nguồn lực kinh phí khó khăn.

“Mình đang trên đà đi lên thì vấp phải dịch bệnh làm mất 4 năm phát triển. Muốn nâng tầm thì mình phải mạnh về tài chính, khả năng kêu gọi tài trợ như hiện này còn rất khó. Chính phủ bây giờ không cho sử dụng ngân sách để chi lễ hội, mình cũng phải liệu cơm gắp mắm”, ông Đạt trả lời và nói thêm “chúng tôi cũng rất muốn tổ chức Lễ hội ẩm thức đường phố, Lễ hội Ánh sáng, Festival kiến trúc… nhưng do kinh phí thiếu nên chưa mạnh dạn làm”.

Festival Huế 2022: Muốn nâng tầm nhưng phải "liệu cơm gắp mắm" - 5

Lễ hội đường phố luôn thu hút sự theo dõi của người dân và du khách.

Như các kỳ Festival khác sẽ nghiêng nhiều về các sự kiện, chương trình về di sản, thì năm nay theo Ban tổ chức sẽ có nhiều chương trình trẻ trung, sôi động hơn, hướng đến giới trẻ. Những phần về di sản, vẫn giữ nhưng nó sẽ không bao trùm cả sân khấu. Ngay cả các đoàn Quốc tế bắt đầu chuyển dần sang hình thức hiện đại hơn, kể cả thể loại âm nhạc, múa…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Đắc Thành