Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngay đầu xuân Nhâm Dần, du lịch Huế chứng kiến một lượng lớn khách đổ về vui chơi, ngắm cảnh. Cuộc chơi xuân đến giờ vẫn còn tiếp diễn…

Du lịch Huế chưa bao giờ ảm đạm như thế

Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở một số nước trên thế giới, Việt Nam cũng nằm chung số phận không lâu sau đó. Những giới hạn đi lại, những đợt phong tỏa và kiểm soát gắt gao khiến mọi hoạt động bị đình trệ. Những điểm du lịch trở nên vắng vẻ, hiu quạnh.

Du lịch vốn là một “mỏ vàng” và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dịch bệnh ập đến, mọi thứ xáo trộn. Đường phố vắng, di tích vắng, nhà hàng, khách sạn đóng cửa chưa biết ngày mở lại. Những người làm du lịch chưa bao giờ chứng kiến một sự ảm đạm đến mức tồi tệ như vậy. Hai năm, là quãng thời gian rất dài đối với những người làm du lịch. Có người hoàn trả mặt bằng, số khác thậm chí phải đi tìm con đường làm ăn mới.

Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân - 1

Cuộc du xuân của du khách đến Huế trong những ngày đầu năm mới như một tín hiệu khả quan cho ngành du lịch trong năm 2022

Thống kê từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Huế chỉ đạt khoảng 633.315 lượt, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.100 tỷ đồng, giảm gần 69% so với cùng kỳ năm 2020. Mốc 2020 là chỉ giới để so sánh, nhưng nhìn lại thời kỳ này khi dịch chưa bùng phát mạnh ở Việt Nam, lượng khách đến Huế cũng giảm rõ rệt.

Đại dịch đã khiến 27 đơn vị ngưng hoạt động trong đó 11 đơn vị lữ hành quốc tế, 2 văn phòng đại diện lữ hành quốc tế, 1 chi nhánh lữ hành quốc tế, 7 lữ hành nội địa, 6 văn phòng đại lý du lịch. Có đến 80% khách sạn phải đóng cửa, số cơ sở còn lại hoạt động một cách cầm chừng.

Mong tất cả bắt lại được nhịp

Huế, những tháng cuối năm thường là mùa “ăn nên làm ra” của du lịch khi một lượng lớn khách Tây đổ về đây. Nhưng gần hai năm đóng cửa biên giới khiến Huế trở nên buồn bã, vắng vẻ lạ thường.

Những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, dọc hai bên bờ sông Hương, người ta không mấy trông chờ vào một sự khởi sắc. Dọc tuyến đường Lê Duẩn trước Kỳ Đài Huế khi chưa dịch, chợ hoa Tết nào cũng chật kín người, tắc đường. Nhưng năm này chỉ lác đác vài người. Vắng khách du lịch đã đành, người dân cũng hạn chế chi tiêu do kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân - 2

Huế tấp nập đón khách phương xa trong những ngày đầu năm mới

Người Huế đã nghĩ đến kịch bản một cái Tết vắng vẻ của đô thị có vốn liếng trong tay là 5 di sản được thế giới công nhận, cùng với đó là hàng loạt các điểm vui chơi công cộng khác. Công viên được trang trí, bày biện nhưng cũng không mấy ai hi vọng vào một đợt chơi xuân lớn.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu dịch chuyển từ ngày mùng 2 Tết Nhâm Dần. Dòng người đổ về các công viên dọc sông Hương, vào Đại Nội, các điểm di tích, check-in đường Hoàng mai… Khách trong tỉnh, ngoại tỉnh tìm về Huế những ngày Tết mỗi lúc một nhiều. Thống kê từ Sở Du lịch cho biết, trong dịp Tết đã có hơn 71.000 du khách đến Huế; trong đó khách lưu trú chiếm hơn 38.000 người. Một số khách sạn, homestay cháy phòng… Các điểm lưu trú bất ngờ với lượng khách đến, chưa kịp chuẩn bị nhân lực, cả chủ lẫn tớ phải xắn tay vào phục vụ.

Chị Phan Minh Nga, chủ một homestay ở Huế, cho biết những ngày trong Tết phải từ chối nhiều cuộc đặt phòng bởi quá tải. Một số khách quen từ nơi khác đến, không hẹn trước, họ phải dựng lều trại cá nhân ngay sân vườn nhà chị để qua đêm.

Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân - 3

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho rằng Huế đón một lượng khách đến trong dịp Tết như vậy là nhờ sự chuẩn bị, giới thiệu từ trước trên các nền tảng mạng xã hội, truyền thông.

“Chúng tôi giới thiệu các chương trình sẽ có trong dịp Tết cổ truyền, trong đó nhấn mạnh đến 7 chương trình đặc biệt. Đó là: Tết huế; Tết trong Hoàng cung; Các lễ hội trong hoàng cung và dân gian; Áo dài và di sản; Huế kinh đô ẩm thực; Giới thiệu các điểm check-in trong dịp Tết. Và đặc biệt là giới thiệu Huế - điểm đến an toàn”, ông Giang thông tin.

Để có được thông điệp “Huế điểm đến an toàn”, ngay khi triển khai tiêm vaccine, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên tiêm cho người lao động trong ngành du lịch. Đến bây giờ, hầu như tất cả nhưng người lao động trong ngành du lịch đã tiêm mũi 3. “Đó là cơ sở đầu tiên để chúng tôi tự tin thu hút khách và đó như là một chỉ dấu để cho du khách biết: Huế rất an toàn”, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định.

Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân - 4

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế hi vọng năm 2022, mọi sự sẽ được bắt nhịp tốt trở lại để tạo đà cho những năm về sau

Ngày Huế tấp nập đón khách phương xa, cũng là lúc những người buôn bán đóng cửa nghỉ Tết và tập quán mở cửa muộn sau tết làm du khách không thưởng thức được các món ăn đặc sắc của vùng đất này. Ông Giang nói đây là một điều khá đáng tiếc trong những ngày khách đến Huế du xuân.

Với sự khởi sắc những ngày đầu xuân, ngành du lịch Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ sớm bắt nhịp và ổn định lại sau hai năm dịch bệnh. Trong năm 2022, với Festival bốn mùa những người làm du lịch sẽ lại càng có hi vọng nhiều khách đến Huế. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định rằng ngành du lịch chỉ làm một năm 2-3 sản phẩm du lịch nhưng sẽ có trọng tâm trọng điểm.

“Trong năm này chúng tôi sẽ tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe”, vị giám đốc này thông tin.

Du lịch Huế: 2 năm “mỏ vàng” xanh xao, kỳ vọng lớn từ một cuộc du xuân - 5

Con đường Mai vàng trước Kinh Thành Huế luôn tấp nập đón khách đến check-in trong dịp Tết

Cuộc du xuân của khách đến Huế vẫn đang còn tiếp diễn dọc hai bờ sông Hương, Đại Nội và các lăng tẩm, đầm phá. Để hành trình này được kéo dài bền bỉ, ngành du lịch địa phương cũng đã có những kiến nghị trình lên Chính phủ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đại dịch như: giảm thuế thuê đất, mặt nước, thuế VAT, các chính sách về giản nợ, giảm lãi vay ngân hang. Ưu tiên phục hồi và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực du lịch chất lượng cao; sau khi dịch được kiểm soát, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành du lịch…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Đắc Thành

CLIP HOT