Du lịch chờ gỡ vướng visa
Dù chính sách thị thực (visa) Việt Nam đã có nhiều thay đổi kể từ sau dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng với thực trạng hiện nay, rất khó cho Việt Nam đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm 2023.
Trong khi Đài Loan tặng tiền cho du khách đến du lịch, những quốc gia khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thông thoáng hơn về chính sách nhập cảnh, Thái Lan tự tin tăng mục tiêu đón khách lên 30 triệu lượt đi cùng chính sách visa thông thoáng..., thì chính sách visa của Việt Nam được đánh giá rằng chưa cởi mở.
"Phân biệt đối xử" trong chính sách visa?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Martin Koerner, phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, cho biết các dữ liệu của Eurocham cho thấy visa là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với du khách mà các quốc gia có thể sử dụng để thu hút đến nước mình.
Đó không phải là vấn đề phí, mà du khách sẵn sàng trả 10 USD hay 15 USD hay 30 USD cho phí visa miễn thủ tục phải dễ dàng, thuận tiện và minh bạch.
"Chúng tôi ghi nhận có nhiều công ty du lịch Ba Lan muốn đưa đoàn khách lớn đến Việt Nam nhưng thủ tục visa vào Việt Nam quá mất thời gian, vậy là doanh nghiệp này đã chuyển hướng sang Thái Lan. Như vậy có nghĩa là gì? Đáng ra khoản doanh thu có được từ đoàn khách này là của Việt Nam, nhưng nó đã chuyển sang Thái Lan một cách ngẫu nhiên", ông Martin Koerner nói.
Ông Martin Koerner cho biết cần nhìn nhận du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ, khi các du khách quốc tế đến đây đều mang theo ngoại tệ. Do đó, nếu du khách muốn nhưng không thể đến Việt Nam không chỉ là sự mất mát cho các doanh nghiệp du lịch, mà còn liên quan đến hàng không, taxi, nhà hàng, dịch vụ, khách sạn và một loại dịch vụ khác trong hệ sinh thái du lịch.
Trong khi đó, hành vi của du khách cũng thay đổi rất nhiều sau dịch COVID-19. Thay vì những chuyến du lịch 1 tuần hay 10 ngày, du khách có xu hướng đi những chuyến du lịch dài ngày hơn từ 2 tuần trở lên. Để bay đến Việt Nam, du khách mất hơn 10 giờ bay, do đó tăng thời gian miễn phí visa từ 15 ngày hiện nay lên 30 ngày là rất đúng xu hướng, giúp Việt Nam kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng chi tiêu.
"Việt Nam chỉ đang miễn visa cho 13 nước thuộc khu vực châu Âu, nhưng không áp dụng với những nước khác cũng thuộc khu vực châu Âu là nhóm khách có chi tiêu cao như Hà Lan, Bỉ... Điều này tạo sự bất bình đẳng không đáng có. Do đó, cần áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân những nước thuộc Liên minh châu Âu", ông Martin Koerner nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holdings, khẳng định với chính sách visa hiện nay, du lịch Việt Nam không thể phục hồi.
"Cần đánh giá hiệu quả của chính sách miễn visa cho các nước vừa rồi, ngay cả Visa-on-Arrival (visa tại sân bay) vẫn phải xin phê duyệt trước. Mỗi ngày chỉ hơn 2.000 e-visa được xử lý trong khi quy trình này vẫn nhận phàn nàn của du khách thì chúng ta khó mong đợi con số 8 triệu lượt", ông Kỳ đánh giá.
Giảm thời gian chờ đợi nhập cảnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Prabhakar Singh, giám đốc kinh doanh và tiếp thị Furama Resort Danang, so với các điểm đến khu vực là Thái Lan và Indonesia, trải nghiệm nhập cảnh của du khách vào Việt Nam có hơi khác biệt. Tại các nước này, với những đoàn khách MICE lớn, sân bay sẽ bố trí quầy nhập cảnh riêng để tăng công suất phục vụ, rút ngắn thời gian chờ đợi cho du khách.
Tại Việt Nam, mọi du khách đều nhập cảnh theo quy trình chung. Vấn đề thủ tục thị thực thuận lợi cũng giúp Thái Lan hưởng lợi lớn, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các đoàn khách MICE. Tại đây, du khách chỉ cần nhấc điện thoại lấy thị thực trực tuyến và có thể được duyệt nhập cảnh chỉ trong nửa giờ. Theo phản ánh của du khách, nhân viên quầy nhập cảnh các sân bay Việt Nam không thân thiện.
Ngoài ra, có quá nhiều thời gian kiểm tra dành cho mỗi người. "Bạn hạ cánh Đà Nẵng vào buổi sáng và nhận ra quầy nhập cảnh chỉ có hai người kiểm tra, tốn rất nhiều thời gian và có thể hơi thô lỗ. Chúng ta có thể khắc phục việc này bằng cách dành quầy riêng hoặc tăng thêm nhân sự quầy nhập cảnh. Ngoài ra, cần đơn giản hóa quy trình cấp thị thực và nhập cảnh, ưu tiên cho các đoàn khách lớn", một du khách phản ánh.
Ngoài mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh quảng bá tiếp thị du lịch ra quốc tế, tới các thị trường trọng điểm, ông Nguyễn Văn Bình, chủ tịch vùng miền Trung - Tập đoàn Sun Group, cũng đề xuất nới lỏng chính sách visa, gỡ bỏ các rào cản trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục nhằm đẩy nhanh các dự án trọng điểm về du lịch dịch vụ, tạo sản phẩm mới thu hút du khách.
Nhiều doanh nghiệp cũng than phiền về thủ tục cấp visa tưởng chừng đã thông thoáng nhưng vẫn còn nhiều khúc mắc. Du khách xin visa điện tử còn nhiều khó khăn, buộc phải làm qua dịch vụ, thời gian hiệu lực visa còn quá ngắn khiến không ít du khách ngại đến Việt Nam.
"Cần nghiên cứu nâng số nước miễn visa, nâng số ngày hiệu lực của visa và cải cách khâu cấp visa online theo hướng nhanh chóng, thuận tiện để tạo thuận lợi tối đa cho du khách vào Việt Nam", một doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đề nghị.
TS Lương Hoài Nam (thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam): Không gỡ vướng visa, du lịch khó phục hồiKhi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, tại nhiều hội nghị về mở cửa đón khách du lịch quốc tế đều đặt kỳ vọng Việt Nam mở sớm để tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, thực tế rất khác, trước khi xảy ra dịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng 1/2 Thái Lan (Việt Nam 18 triệu còn Thái Lan 40 triệu), nhưng năm 2022 chỉ bằng 1/3 (3,6 triệu khách so với 10,5 triệu của Thái Lan). Trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách cũng chỉ bằng 1/4 của Thái Lan. Tại các hội nghị, chính sách visa cho khách du lịch quốc tế được các bên nhận diện là nút cản lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam. Theo các báo cáo, Việt Nam miễn visa cho 24 nước nhưng Thái Lan là 68 nước, Malaysia và Singapore là 130 nước... Nếu không thay đổi về chính sách visa, du lịch sẽ khó phục hồi và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Với 70 - 80% du khách quốc tế đi lại bằng máy bay nên khi du lịch gặp khó, hàng không cũng bị vạ lây. |