Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày nay, càng có nhiều du khách chọn mang theo bên mình giấy vẽ và bút chì thay vì máy ảnh trong hành lý của mình. Ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ bằng tranh vẽ không chỉ giúp du khách thể hiện cá tính và khơi gợi sức sáng tạo, mà còn giúp họ kết nối với thiên nhiên và văn hóa địa phương tốt hơn.

Khi đi du lịch, một số người thường ưu tiên tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực, một số khác lại tập trung khám phá phong tục tập quán, văn hóa-lịch sử tại địa phương.

Thế nhưng, cũng có một vài người "ngoại lệ". Với họ, không gì hấp dẫn hơn việc ngồi trước một khung cảnh đẹp đẽ, thư thái phác họa từng đường nét mà mắt quan sát được trên giấy trắng bằng bút chì hoặc cọ màu.

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 1

Nhiều người chọn vẽ tranh thay vì chụp ảnh để lưu lại nét đẹp điểm đến. Ảnh: Getty Images.

"Cuối năm 2023, tôi nảy ra ý tưởng vừa đi phượt, vừa vẽ lại cảnh biển. Tôi muốn lưu giữ, đưa hình ảnh đẹp của vùng biển, làng chài và đất mũi của Việt Nam đến gần với nhiều bạn trẻ. Đồng thời, truyền cảm hứng khám phá và bảo vệ thiên nhiên hoang sơ", anh Trần Văn Mạnh – một họa sĩ tự do tại Quảng Ngãi chia sẻ.

Là một người có niềm đam mê lớn với du lịch, anh Mạnh cho biết, bản thân đã từng đi "phượt" nhiều lần nhưng chỉ là "chạy lướt qua, ít dừng lại lâu". Mãi đến tháng 3 năm ngoái, anh mới quyết định tạm đóng cửa phòng tranh để lên đường đi du lịch dọc theo vùng duyên hải Trung Bộ và Nam Bộ. Khác với những lần trước, chuyến đi này hoàn toàn không lên kế hoạch cụ thể. "Tôi dừng chân đến khi nào cảm nhận đủ mới rời đi", anh Mạnh cho biết thêm.

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 2

Họa sĩ Trần Văn Mạnh mong muốn vẽ tranh cảnh biển để truyền cảm hứng đến nhiều người. Ảnh: Trần Văn Mạnh.

Ở mỗi nơi đi qua, anh đều khắc họa sinh động từng đường nét quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, từ Gành Đá Đĩa, bãi tắm Hoàng Hậu, hải đăng Gành Đèn, vịnh Vĩnh Hy, mũi Kê Gà... của duyên hải miền Trung đến biển Cần Giờ, biển Tân Thành, biển Thạnh Phú, biển Hiệp Thạnh... của Tây Nam Bộ.

"Những ngày rong ruổi ở miền Trung, tôi thường dựng lều ở bãi đất trống sát biển. Thưởng thức hải sản tươi sống vừa được ngư dân đánh bắt với giá rất rẻ.

Khi 'phượt' về miền Tây, cái khó ở đây là chưa có cung đường dọc ven biển liền mạch, tôi phải chạy lòng vòng và qua nhiều lần phà. Địa hình Tây Nam Bộ nặng phù sa, nhưng cũng chính là đặc trưng riêng có để tạo nên nét riêng trong tranh", anh Mạnh tâm sự.

Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục thực hiện vẽ những bãi biển nối dài đất nước hình chữ S. "Thể loại tranh tôi chọn vẫn là trực họa để trau dồi khả năng nhìn nhận, có nhiều thời gian tận hưởng không khí thiên nhiên, từ đó giúp tôi có nhiều cảm hứng sáng tác về sau", anh Mạnh chia sẻ.

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 3

Tác phẩm do họa sĩ Trần Văn Mạnh thực hiện trong chuyến đi "phượt" biển. Ảnh: Trần Văn Mạnh.

Không chỉ họa sĩ Trần Văn Mạnh mà một vài du khách khác trên thế giới cũng có xu hướng chuyển đổi thói quen từ chụp ảnh sang vẽ tranh. Sự thay đổi này xuất phát từ mong muốn được sống chậm và tận hưởng từng khoảnh khắc tại điểm đến.

Đầu năm 2020, Henry-Louis Rozo – một họa sĩ người Pháp, được biết đến với nghệ danh Granmatlo, đã có chuyến du lịch Việt Nam cùng vợ trong 15 ngày. Chuyến đi trải dài theo chiều dọc đất nước, qua Lào Cai, Hà Nội, Hoa Lư, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM, Mỹ Tho, Cái Bè, Cần Thơ... 

Trong lúc ngao du sơn thủy, Henry đã thực hiện bộ tranh vẽ các điểm đến và con người Việt Nam. Ông chia sẻ, điều bản thân thích nhất ở Việt Nam là "cảnh quan yên bình trong vẻ đẹp hùng vĩ; một dân tộc có nền văn hóa phong phú, lâu đời".

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 4

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải do Granmatlo thực hiện. Ảnh: Granmatlo.

Với họa sĩ người Pháp, vẽ không chỉ là một hình thức ghi lại kỷ niệm mà còn là một cách để tương tác sâu sắc hơn với môi trường xung quanh. Khi vẽ, người ta phải quan sát tỉ mỉ, cảm nhận ánh sáng, màu sắc và đường nét của cảnh vật. Quá trình này giúp ông kết nối với thiên nhiên và văn hóa địa phương một cách chân thực và sâu sắc hơn.

"Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của người vẽ. Nó không chỉ là một món quà lưu niệm mà còn là một câu chuyện về hành trình khám phá thế giới của mỗi người", Henry-Louis Rozo chia sẻ.

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 5

Một góc chợ Đông Ba ở TP Huế. Ảnh: Granmatlo.

Vài năm gần đây, du khách thế giới đã dần từ bỏ những lịch trình du lịch ngột ngạt, với đầy ắp điểm tham quan chiếm hết thời gian trong ngày. Thay vào đó, họ chọn đi ít nhưng có nhiều thì giờ để tương tác, đắm mình trải nghiệm điểm đến. Xu hướng này được một số chuyên gia gọi là "du lịch chậm".

Cách Việt Nam nửa vòng Trái đất, tại nước Mỹ xa xôi, Alicia Aradilla – một họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa sách cho biết: "Phần đông du khách thường đến cùng một địa điểm và chụp lại hàng chục bức ảnh bằng điện thoại, sau đó, lại tiếp tục chạy đến một nơi khác và lặp lại hành động này".

Tuy nhiên, cô cũng nhận ra có một vài sự thay đổi nhỏ trong hành vi du lịch của du khách. Chẳng hạn như, ngày càng có nhiều người cảm thấy chán ngấy việc chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại và chuyển sang học vẽ tranh để có thể lưu lại hình ảnh điểm đến theo cách sáng tạo hơn.

Du lịch 'chậm' qua những bức vẽ - 6

Ngày càng nhiều người chọn học vẽ phác họa để thay thế cho chụp ảnh khi đi du lịch. Ảnh: Philartphace/Getty Images Signature. 

Đồng quan điểm, tác giả của 6 cuốn sách về nghệ thuật phác họa – Felix Scheinberger cho biết, nhiều người trẻ đang chọn theo đuổi phác họa để được trải nghiệm cảm giác vẽ lại những gì mà các giác quan cảm nhận ngay trong thời gian thực.

Cả Felix và Alicia đều hiện đang tổ chức nhiều khóa học phác họa dành cho người không chuyên, từ cơ bản đến chuyên sâu. Felix cũng chia sẻ thêm, mặc dù các kỹ thuật trong phác họa đều được đưa vào giảng dạy nhưng trọng tâm của môn học này vẫn là "nghệ thuật quan sát".

"Khả năng quan sát tốt cho phép họa sĩ nhận ra những chi tiết nhỏ nhất, những đường nét tinh tế, những đặc điểm riêng biệt của đối tượng. Điều này giúp tác phẩm trở nên sống động và có hồn hơn", Felix nhấn mạnh.

Riêng với Alicia, việc thông thạo phác họa đã giúp cô thay đổi cách đi du lịch. "Nó cho phép tôi đi chậm hơn và đánh giá rõ hơn cuộc sống thường ngày của một thành phố thông qua việc cảm nhận ánh sáng, âm thanh, thói quen sinh hoạt của cư dân thành phố đó".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo