DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 1Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngành Du Lịch Việt Nam và 35 năm Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp Chí Du Lịch TPHCM đã nhận được bài trả lời phỏng vấn của Ông Lại Hữu Phương - Giám đốc Trung tâm Lữ Hành BenThanh Tourist, về những thành tích mà BenThanh Tourist đã tạo dựng được để thành một thương hiệu nổi tiếng của Ngành Du lịch TP.HCM, và một vài nét khái quát về tương lai của Ngành Du lịch TP.HCM và Ngành Du lịch Việt Nam

Ảnh: Ông Lại Hữu Phương – Giám đốc Trung tâm Lữ hành BenThanh Tourist

• Phóng viên: Trước hết, xin ông giới thiệu đôi nét về BenThanh Tourist xưa và nay?

- Ông Lại Hữu Phương: BenThanh Tourist từ ngày thành lập (9/12/1989) đến nay đã hơn 20 năm hoạt động trong các lĩnh vực: Dịch vụ Lữ hành, Nhà hàng Khách sạn dịch vụ thương mại – XNK và Dịch vụ Đầu tư phát triển. Nổi bật, Công ty thực hiện các tour du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội nghị hội thảo - sự kiện kết hợp du lịch (MICE), dịch vụ vận chuyển du lịch, khách sạn nhà hàng – các đại lý phân phối vé máy bay... được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. BenThanh Tourist đã đặt mối quan hệ với hơn 40 hãng Lữ hành Quốc tế của 25 quốc gia vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của các Hiệp hội Du Lịch quốc tế như ASTA, PATA, JATA.

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 2

Ảnh: Du khách tham quan Vịnh Hạ Long

Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, BenThanh Tourist đã vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng I, II, III và được nhiều giải thưởng lớn của Ngành Du lịch như: “Công ty Lữ hành Quốc tế hàng đầu tại Việt Nam” 11 năm liền (1999-2009) do Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn, “Top 5 Công ty Lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam ” 2 năm liền (2008 – 2009) , “Nhà điều hành tour xuất sắc” 5 năm liền (2004-2008) do Thời Báo Kinh Tế Việt Nam bình chọn, “Danh hiệu Du lịch Việt được yêu thích” 5 năm liền (2006-2010) do báo Sài Gòn Giải Phóng bình chọn; Giải thưởng “The Friend of ThaiLand Award” 2 lần liên tiếp 2008 và 2010 do Tổng cục Thái Lan trao tặng; “The Best Travel Agency – Indochina” do báo Travel Weekly – Singapore trao tặng; giải thưởng “Best Supporting Viet Nam Outbound Travel Agent” năm 2009 do Resort World Genting Malaysia trao tặng và nhiều giải thưởng uy tín khác

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 3

• Được biết lượng khách quốc tế những năm gần đây đến TP.HCM chiếm bình quân 60% tổng lượng khách đến Việt Nam. Doanh thu Du lịch TP.HCM chiếm 45% Doanh thu Du lịch của cả nước và đóng góp 5% GDP của TP.HCM... Tuy nhiên vẫn còn đó một số tồn tại. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để Ngành Du lịch Du lịch TP.HCM cũng như Ngành Du lịch Việt Nam cất cánh?

- Có lẽ phải nói tới sản phẩm Du lịch của chúng ta còn nghèo nàn và trùng lắp. Việc quy hoạch và định hướng cho Sản phẩm Du lịch còn mang tính tự phát và cục bộ, chưa có sự nối kết chặt chẽ giữa các Công ty Du lịch cũng như các cơ quan quản lý Du lịch tại địa phương – điển hình là việc tổ chức các Lễ hội hàng năm tại các địa phương với kinh phí rất lớn nhưng chưa thu hút được sự chú ý của du khách quốc tế, việc chọn thời điểm tổ chức lễ hội chưa phù hợp với mùa khách, đối tượng khách...

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 4

Ảnh: Du khách tham quan Đại Nội – Huế

Sản phẩm Du lịch của các Công ty Lữ hành vẫn còn tình trạng “sao chép” lẫn nhau, từ đó dẫn đến sự trùng lắp, thiếu tính đa dạng và phong phú.

Công tác xúc tiến, quảng bá chưa tạo được hiệu quả thiết thực do kinh phí hạn chế, việc sử dụng kinh phí chưa thật hợp lý, tính chuyên nghiệp chưa cao – Thí dụ: chọn CNN làm kênh quảng bá cho Du lịch Việt Nam.

Cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phục vụ khách, đặc biệt là khách Du lịch quốc tế – hệ thống quốc lộ, bến xe,... phát triển chưa đồng bộ, hiện nay chúng ta vẫn chưa có bến tàu dành riêng (cruise terminal) cho du khách tàu biển... Cơ sở vật chất chưa phát triển đồng bộ, cũng đã ảnh hưởng r?t lớn đến môi trường du lịch như tình trạng lô cốt, kẹt xe tại Hà Nội, TP.HCM.

Việc quản lý hoạt động của các Công ty Du lịch chưa thật chặt chẽ, từ đó dẫn đến tình trạng một số Công ty hoạt động “chui”, đặc biệt đối với thị trường outbound – một số Công ty không có giấy phép lữ hành quốc tế vẫn tổ chức đưa khách Việt Nam đi nước ngoài...

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 5

Việc tổ chức đào tạo cũng như quản lý kiểm soát lực lượng Hướng dẫn viên chưa thật hiệu quả, còn tình trạng Hướng dẫn viên du lịch hoạt động “chui”, gây ấn tượng không tốt của du khách đối với tập thể Hướng dẫn viên Du lịch nói chung.

Vai trò của Hiệp hội Du lịch chỉ mang tính “tượng trưng”, chưa tạo được lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp. Vừa qua Hội Lữ hành TP.HCM đã lưu tâm đến vấn đề này và đang dần dần tạo nên hình ảnh mới về sinh hoạt của Hội để tạo nên hiệu quả thiết thực đối với các thành viên..

Giá cả các dịch vụ còn khá cao (nhất là giá vận chuyển và lưu trú) so với mặt bằng giá cả các quốc gia lân cận như Thailand, Singapore.

• Trước thực trạng kể trên, theo ông đâu là những giải pháp khả dĩ làm thay đổi theo chiều hướng đi lên?

-  Cần chú trọng đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch như: nâng cấp sân bay, đặc biệt là hệ thống bến cảng dành riêng cho khách du lịch tàu biển, phát triển thêm đuờng bay nội địa cũng như quốc tế, khai thác tối đa việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ và đường thủy.

Sở Văn hóa -  Thể thao và Du lịch TP.HCM nên có kế hoạch tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng để cấp thẻ cho các Hướng dẫn viên Du lịch, đồng thời cũng phải có hình thức quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của lực lượng HDV tại Việt Nam, tránh tình trạng HDV nước ngoài hoạt động “chui” tại Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường khách du lịch đến từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Cần phải có hình thức chế tài thật nghiêm khắc đối với các Công ty Du lịch hoạt động không đúng theo chức năng giấy phép đã được cấp.

Sở Văn – Thể thao và Du lịch TP.HCM cần có sự chủ động phối hợp với các đại diện thương mại của các Sứ quán VN tại nước ngoài, trong việc cung cấp cũng như cập nhật hóa các thông tin liên quan đến hoạt động Du lịch Việt Nam.

DU LỊCH VIỆT NAM NHÌN VỀ TƯƠNG LAI! - 6

• Với kinh nghiệm hoạt động Du lịch Lữ hành nhiều năm, ông sẽ kiến nghị như thế nào về Chương trình Kích cầu Du lịch?

- Cần phải có chủ trương chung về chính sách giá cả (mức giá trần theo quy định) theo từng thời điểm cụ thể, tránh tình trạng việc tăng giá không theo một tỷ lệ và quy luật nhất định trong các dịp lễ, tết... Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách giá của đơn vị, tính chủ động trong công tác quảng bá, tính chủ động trong công tác kinh doanh.

Có sự đầu tư hơn nữa đến các tuyến điểm tham quan như môi trường, cơ sở vật chất, dịch vụ bổ trợ... trước khi quảng bá các điểm đến. Như hiện tại chúng ta có quá nhiều điểm đến, nhưng những điểm đến đảm bảo các yêu cầu về phục vụ du khách thì hầu như chỉ quanh quẩn ở những điểm đến quen thuộc (Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu...), chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác triển khai sản phẩm mới theo chủ trương đa dạng hóa sản phẩm.

Vietnam Airlines đóng vai trò quan trọng trong Chương trình Kích cầu Du lịch, do đó Vietnam Airlines cũng cần có chính sách giá ưu đãi mang tính dài hạn, không nên chỉ tập trung cung cấp giá tốt trong mùa thấp điểm hoặc ít khách; với chính sách giá ưu đãi dài hạn sẽ giúp cho các công ty du lịch lữ hành có sản phẩm và chính sách giá tour hấp dẫn, khuyến khích khách có kế hoạch đặt mua tour mang tính dài hạn giống như các khách du lịch châu Âu hiện nay (thường họ đặt mua tour trước từ 6 tháng – 1 năm)

Nâng cao hơn nữa công tác giáo dục, quảng bá hình ảnh và con người, điểm đến đến từng người dân, giúp họ am hiểu nhiều hơn nữa về công tác phát triển du lịch tại địa phương. Việc này sẽ giúp cho công tác tuyên truyền quảng bá, tạo sự thân thiện, môi trường văn hóa tốt tại điểm đến. Vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM triển khai chương trình “TP.HCM - 100 điều thú vị” theo tôi là một chương trình rất thực tiễn, tạo được thông tin cho khách du lịch trong việc chọn lựa điểm đến TP.HCM.

• Lâu nay người ta bàn tán nhiều về Slogan của Ngành Du lịch. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Về slogan chúng ta nên có một slogan mang tính dài hạn hơn, bởi để một slogan muốn đi vào lòng du khách sẽ phải trải qua một quá trình dài. Thiết nghĩ chúng ta nên tiếp tục sử dụng slogan "Việt Nam- vẻ đẹp tiềm ẩn" tiếp tục cho đến lúc chúng ta có một khẩu hiệu tốt hơn và hay hơn, bởi cho đến thời điểm này có lẽ đây là khẩu hiện ngắn gọn và hay nhất.

Khẩu hiệu và hình ảnh cần phải gắn liền với định hướng phát triển của ngành trong thời gian đến như: Định hướng về sản phẩm, định hướng về loại hình du lịch là thế mạnh của Việt Nam, sản phẩm du lịch đậm tính Việt Nam. Việc này sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong công tác quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam.

•  Xin cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 

H.K


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo