Người TP.HCM ngày nay sẽ kể câu chuyện gì về sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử và văn hóa bao đời của họ? Ứng xử với con sống ấy thế nào trong thời đại mới để vừa gìn giữ được di sản, vừa chinh phục được du khách đến nghe chúng ta kể chuyện?
Anh Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức, TP.HCM nêu một kiến giải: “Nương theo con sông và văn hóa người Việt, nương theo nhu cầu của du khách để ứng xử và phát triển”.
Các trò chơi sông nước tại Lễ hội Sông nước lần 2 năm 2024. Ảnh: Thanh Cường
Hai lễ hội đường sông gần đây đã đánh thức di sản sông nước của TP.HCM. Anh có đồng tình với ý kiến này?
Ngành du lịch thành phố đã quan tâm và coi nét đặc trưng sông nước là tài nguyên quý để khai thác du lịch. Chương trình đánh thức di sản này được tổ chức theo hình thức lễ hội, tức muốn rủ thật đông người cùng tham gia, với nhiều hoạt động: biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tái dựng các mô hình văn hoá truyền thống và tổ chức các cuộc thi trên sông.
Tạo ra không khí là yêu cầu cơ bản của một hoạt động cộng đồng thành công. Lễ hội là nơi những người cùng chung tâm thức tham gia một hoạt động chung, từ ấy lan tỏa giá trị mong muốn, thu hút thêm nhiều nhóm đối tượng cùng hưởng ứng.
Anh Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức
Tôi tin, hai lễ hội đường sông 2023 - 2024 đã dần tạo thói quen và đánh thức ký ức của nhiều người về một dòng sông huyền thoại. Người trẻ Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung bắt đầu quan tâm hơn về dòng sông lớn trong thành phố và những câu chuyện văn hóa - lịch sử liên quan.
Về mặt quảng bá thu được kết quả khả quan khi các cụm từ: “du lịch đường thủy TP.HCM" hiển thị tới hơn 50 triệu kết quả, “du lịch đường thủy" cho ra hơn 100 triệu kết quả. Điều này chứng tỏ, TP.HCM chọn tổ chức lễ hội để đánh thức di sản là hướng đi đúng.
Bản chất lễ hội là tạo dựng sự gắn kết tâm thức chung của cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể. Anh thấy ngành du lịch đã tận dụng điều này như thế nào?
Lễ hội là sự kiện cộng đồng, nó chỉ thành công khi có sự chung tay của nhiều tầng lớp xã hội. Giống như Lễ hội té nước của người Thái mỗi năm thu về hàng trăm triệu đô la, là ngày hội của người Thái. Còn Lễ hội sông nước của TP.HCM mới đang dừng lại là chương trình của một ngành.
Các hoạt động tại Lễ hội Sông nước lần thứ 2. Ảnh: Hữu Long
Các hoạt động của lễ hội như bơi sông, đua thuyền thực chất dành cho dân chúng, nhưng các địa phương có hành lang ven sông lại chưa có chương trình hưởng ứng. Điều đó dẫn tới thực trạng là cả một dòng sông dài hàng trăm cây số, hành lang ven sông qua các địa phương hầu như yên ắng trong lễ hội.
Nhắc tới văn hóa sông nước, người Việt thường nhắc đến các hoạt động ẩm thực trên bến dưới thuyền, song hạ tầng trên sông Sài Gòn hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như rác thải rắn trên sông chưa thể xử lý gây bốc mùi khó chịu, thiếu hành lang ven sông cho du khách thưởng ngoạn…
Là một người đang nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ đường thủy, anh thấy điều gì từ lễ hội đường sông?
Tham gia và quan sát chương trình hai năm qua, tôi nhận thấy, có vẻ chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội để chinh phục một lượng khách hàng cao cấp, có khả năng chi trả cao là du khách yêu thích hoạt động thể thao dưới nước và du khách thích trải nghiệm du thuyền cá nhân. Cả hai đối tượng này chưa được quan tâm trong quá trình tổ chức lễ hội.
Theo báo cáo của Future Market Insights, du lịch mạo hiểm dưới nước và thị trường du thuyền toàn cầu đều là hai ngành đạt doanh thu tỷ đô trong vài năm gần đây và có cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
TP.HCM có tiềm năng lớn về du lịch đường thủy. Ảnh: NVCC
TP.HCM có tiềm năng lớn về đường thủy, nơi đang có lượng khách hàng đặt mua du thuyền ngày càng tăng, nhưng cùng đó, chúng tôi cũng nhìn thấy sự lãng phí tài nguyên đường thủy càng lớn.
TP.HCM hiện đang thiếu bến bãi, bến dành riêng cho du thuyền. Ảnh: Thanh Cường
Văn hóa chơi du thuyền của lớp người giàu hiện đang là xu hướng, là tiềm năng để phát triển du lịch cao cấp, do nó thể hiện yếu tố cá nhân hóa cao. Nhưng khách hàng Việt Nam sau khi mua du thuyền không cơ hội trải nghiệm, muốn chơi, họ phải tới Thái Lan, vì đường sông trong thành phố thì nhiều nhưng không có bến đậu, không có nơi bảo trì. Chúng tôi cũng biết có nhiều du khách từ châu Âu muốn sang trải nghiệm vùng biển ấm, kết hợp khám phá châu Á đều chọn Singapore, Thái Lan thay vì Việt Nam.
Vậy những người làm du lịch như anh sẽ kể gì về dòng sông lịch sử, thấm đượm văn hóa bao đời của người Sài Gòn cho chính người Sài Gòn và cho du khách?
Bản chất của một dòng chảy không hề đứng yên, nên nó có quyền dung chứa cả những câu chuyện thời đại nó đang tồn tại. Vậy việc phát triển và đưa vào khai thác những sản phẩm văn hoá phù hợp với nhu cầu của con người hiện nay là một đề bài lớn bên cạnh việc bảo lưu giá trị xưa. Khi đưa được du khách đến với dòng sông, đưa họ đến với các chứng tích, đền đài, chùa miếu dọc hai bờ, chúng ta sẽ kể được cho họ về dòng chảy văn hóa theo sông mà đến qua nhiều thế kỷ.
Ảnh: Văn Trung
Việc xây dựng các chương trình thăm quan di tích ven sông còn tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng nhiều hơn. Phải tìm cách tiện lợi, gần gũi hơn để giúp người dân và du khách tiệm cận đến thông điệp muốn truyền tải chứ không nên cố gắng “ngược chiều" thời đại bằng việc cố gắng phục dựng các hoạt động thiếu tính gắn kết.
Rất nhiều du khách đi trên du thuyền của tôi trong hai mùa lễ hội sông nước đều nhận định, so với sông Seine, sông Sài Gòn có nhiều lợi thế hơn cả về lưu lượng dòng chảy và không gian văn hoá. Nhưng sông Seine đã trở thành biểu tượng, vì hai ven bờ rực sáng.
Tôi vẫn nghĩ, chúng ta có thể sân khấu hóa những nét đẹp truyền thống của sông Sài Gòn trên một khúc sông nào đó, kết hợp với việc làm sống dậy nét đẹp văn hoá của những điểm đến trên sông, để huy động cộng đồng cùng chung tay phát triển du lịch.
Văn hóa về điểm đến của người Việt chủ yếu gắn với giá trị tâm linh. Dọc dòng sông Sài Gòn chắc chắn không thiếu, hãy tôn tạo, phát huy nó. Ngoài ra, chúng ta cần phải tạo ra sự đa tầng văn hóa về điểm đến, khi hài hòa với nhu cầu người thưởng lãm đến từ khắp nơi.
Tôi vẫn nghĩ, phát triển một dòng sông, điều cốt lõi là ứng xử với con sông ấy thế nào. Nương theo tâm lý của người Việt, nương theo con sông và văn hóa hưởng thụ của đối tượng khách hàng để có phương án phù hợp với từng đối tượng. Muốn tạo ra những chuyến du hành bất tận trên sông Sài gòn, muốn kéo được khách quốc tế đến nghe chúng ta kể chuyện, sự hòa nhập để xuôi dòng là bắt buộc.
Xin cảm ơn anh!
Theo báo cáo của Future Market Insights, thị trường du lịch mạo hiểm dưới nước toàn cầu đạt doanh thu 156,9 tỷ USD năm 2022, 230 tỷ đô năm 2023, dự kiến sẽ đạt 845,8 tỷ USD vào năm 2032. Tốc độ tăng trưởng dự kiến giai đoạn 2022 – 2032 đạt 16,9%. Nhưng Việt Nam là con số 0. Thị trường du thuyền toàn cầu đạt 9 tỷ đô năm 2022, dự kiến đạt 15 tỷ đô năm 2032. Nhu cầu ngày càng tăng về tàu thuyền sang trọng để đáp ứng cho các hoạt động giải trí, du lịch và thể thao mạo hiểm là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của thị trường này. Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển tuyệt đẹp và vô số đảo đẹp tự nhiên. Sông Sài Gòn từ thượng nguồn ở Tây Ninh về Cần Giờ là 256km, lại nằm ngay cửa biển, hoàn toàn có khả năng kích hoạt được các hoạt động này. |