Dân trekking đuối sức hậu Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vài tháng trước, chị Kata Trần leo một ngọn núi mỗi tuần. Hậu Covid-19, chị gặp nhiều di chứng nên chưa thể đi trekking trở lại. Nhiều công ty cũng phải hủy tour do khách là F0.

Tháng 3/2020, khi Việt Nam tạm dừng tất cả chuyến bay quốc tế khiến công việc bị ảnh hưởng, chị Kata Trần (35 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội), hiện là Trưởng phòng kinh doanh tại một công ty du lịch, bắt đầu làm quen với bộ môn leo núi.

Là người đam mê xê dịch, chị đã chinh phục 8 đỉnh núi lớn, nhỏ ở phía Bắc, trong đó có Tà Chì Nhù (2.979 m), Lảo Thẩn (2.860 m), Tả Liên Sơn (2.996 m), Phia Pò (1.541 m), Tà Xùa (2.865 m) hay Hát Bờ La (2.700 m).

Tháng 12 năm ngoái, chị Kata có thể leo một ngọn núi mỗi tuần. Tuy nhiên, sau khi mắc Covid-19, chị gặp một số di chứng sức khỏe khiến thể trạng hiện tại không phù hợp đi trekking.

“Leo núi là hoạt động dành cho người có thể lực tốt và sức bền. Không dành cho những ai có vấn đề về tim, mạch, phổi, thiếu máu, xương khớp. Ít nhất tới tháng 9 năm nay, tôi không nghĩ đến việc đi leo núi trở lại”, chị nói với Zing.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19 - 1

Thể lực suy giảm hậu Covid-19, chị Kata Trần tạm gác lại đam mê leo núi để tập hồi phục.

Ảnh hưởng sức khỏe

Chị Kata đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và nhiễm biến chủng Omicron vào tháng 2 vừa qua. Với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng và ho, chị mất một tuần để âm tính trở lại nhưng đến giờ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Một số di chứng hậu Covid-19 chị Kata đang gặp phải là khó ngủ, ho và hụt hơi. Chỉ số SpO2 vẫn ở mức 97-100% nhưng nhịp tim có khi lên tới 120 nhịp/phút. Điều này khiến cơ thể chị dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi.

Hiện tại, chị Kata duy trì 4 bài luyện thở cơ bản gồm kiểm soát nhịp thở, thở bụng, thở phối hợp tay, tập cơ hoành. Để lấy lại chất lượng giấc ngủ, chị ngâm chân nước nóng và ngồi thiền trước khi đi ngủ.

“Chạy thì tôi chưa dám nghĩ đến nhưng 30 phút đi bộ nhẹ nhàng dưới chân chung cư thì vẫn được. Tôi cũng chưa có kế hoạch gì cho chuyến leo núi kế tiếp. Ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe vì ngoài công việc và đam mê còn có trách nhiệm với gia đình. Không có gì để vội vàng cả”, chị nói.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19 - 2

Chị Kata không vội vàng leo núi trở lại, ít nhất cho tới tháng 9 năm nay.

Hôm 5/3, nhóm của anh Nguyễn Đắc Hưng (28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), làm việc tại TravelUp - đơn vị chuyên tổ chức tour trekking, hiking, camping ở Tây Bắc, thực hiện chuyến leo núi Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn.

Đoạn đường dài 15 km, có độ khó 4/10, theo đánh giá của anh Hưng. Tuy nhiên, khi mới leo dốc được 20 phút, tức khoảng 1/5 hành trình, một thành viên phải bỏ cuộc.

“Chị tôi 38 tuổi, từng chinh phục 11 đỉnh núi, sức khỏe trung bình khá và rèn luyện thể dục hàng tuần. Chị tham gia chuyến đi test thể lực kết hợp nhặt rác với team vài ngày sau khi khỏi Covid-19. Khi vừa qua đoạn bắt đầu leo dốc, chị cảm thấy không thể tiếp tục. Đo nhịp tim vẫn 110 nhưng chị không thở được như bình thường. Một người trong nhóm đưa chị xuống đường chính, sau đó chị thong dong đi về điểm xuất phát”, anh Hưng kể.

Trên đường đi, anh gặp 2 nhóm khác cũng có thành viên phải bỏ cuộc giữa chừng vì sức khỏe sa sút hậu Covid-19.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19 - 3

Các thành viên trong nhóm anh Hưng trong độ tuổi 26-40. Mỗi tháng, họ đi leo núi với nhau một lần và thường xuyên cắm trại hoặc chạy, đạp xe vào cuối tuần.

Tuần tới, team anh Hưng trở lại núi Hàm Lợn để test lần nữa. Do có kinh nghiệm trekking, chị anh vừa đi vừa cân nhắc, không mạo hiểm bất chấp rủi ro.

“Theo tôi, người khỏi Covid-19 vẫn có thể đi leo núi bởi đây là hình thức rèn luyện sức khỏe và ý chí. Tuy nhiên, nền tảng thể lực, triệu chứng và mức độ ảnh hưởng từ virus của mỗi người là khác nhau nên cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi lên đường. Họ nên test điểm nhẹ nhàng trước rồi mới leo, bởi trên núi có nhiều rủi ro, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nên cân nhắc kỹ, tránh ảnh hưởng đến lịch trình”, anh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Kata khuyên F0 khỏi bệnh cân nhắc việc leo núi trở lại phụ thuộc vào thể trạng mỗi người hậu Covid-19.

“Tôi nghĩ mọi người có thể test thể lực bằng cách leo bộ 10 tầng cầu thang. Nếu có thể leo một mạch, không thở dốc là ổn”.

Khách hủy tour vì là F0

Cuối tháng 12 năm ngoái, Hồ Tuấn Thành (27 tuổi, Nghệ An), hướng dẫn viên du lịch tự do tại Sa Pa, Lào Cai, nhận dẫn đoàn 12 khách đi tour cắm trại. Tuy nhiên, đến gần ngày, kế hoạch phải thay đổi do có người phát hiện là F0. Thời điểm khởi hành được lùi lại 2 tuần, tất cả khách test PCR âm tính rồi mới lên đường.

Gần đây, Thành cũng đón vài khách đi tour là F0 khỏi bệnh. Theo quan sát của anh, ảnh hưởng của Covid-19 tới từng cá nhân là khác nhau.

Bản thân Thành từng mắc Covid-19 vào 22-26/12 âm lịch. Trong vòng 5-7 ngày sau khi hết bệnh, anh gặp một số di chứng như khó thở, bị rút các nhóm cơ dẫn đến đau nhức khi vận động.

“Là người chơi thể thao, hiphop, tôi phát hiện ra sự thay đổi của cơ thể và tập luyện để phục hồi năng lượng, sức khỏe. Tôi ăn uống điều độ, uống nhiều nước, tránh ngủ quá nhiều gây mỏi cơ thể, chơi thể thao, tập nhảy và thiền. Một tuần sau, tôi gần như hồi phục hoàn toàn. Tôi chưa leo núi cao nhưng đi đường dài và làm việc liên tục 12-13 ngày”, anh kể.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19 - 4

Sau khi phát hiện sự thay đổi của cơ thể hậu Covid-19, Thành tập trung tập luyện để hồi phục thể chất lẫn tinh thần.

Theo Thành, sau khi mắc Covid-19, mỗi người phải tự đánh giá, lắng nghe cơ thể có thể đáp ứng việc leo núi hay chưa. Nếu sức khỏe suy giảm, họ cần tập luyện để hồi phục cả thể chất lẫn tinh thần rồi mới nên lên đường, tránh vội vàng, hấp tấp.

Sau 3 năm tổ chức tour leo núi và cắm trại, Thành dự định chuyển hướng dù gần đây không bị ảnh hưởng quá nhiều vì Covid-19. Thừa nhận một phần nguyên nhân là vấn đề sức khỏe, anh cho hay bản thân chuẩn bị xây dựng khu glamping (cắm trại sang trọng) ở Sa Pa.

Ở vị trí tổ chức tour trekking, chị Kata Trần cho hay tại công ty chị, F0 có thể nghỉ hoặc work from home nếu sức khỏe đảm bảo. Về phía khách hàng, mọi người cũng sẵn sàng cho việc sẽ trở thành F0 bất cứ lúc nào.

Theo chị Kata, dù dịch bệnh còn phức tạp, lượng khách quan tâm đến tour leo núi vẫn nhiều, hầu như không giảm. Tuy nhiên, có một số vấn đề.

“Nhiều khách hàng chỉ đặt tour trong vòng 48 tiếng nên việc xử lý các dịch vụ cũng trở nên gấp gáp hơn. Bên cạnh đó, nhiều khách hủy tour vào phút chót do phát hiện là F0. Với các trường hợp này, công ty có chính sách hỗ trợ bảo lưu số tiền đã thanh toán, lùi lịch khởi hành. Ngoài ra, hiện khách đi tour riêng nhiều hơn ghép, khởi hành vào các ngày trong tuần để tránh đám đông và chịu trả chi phí cao hơn nhằm đảm bảo an toàn. Nhiều tour ghép phải rời ngày khởi hành do không đủ khách”, chị cho hay.

Dân trekking đuối sức hậu Covid-19 - 5

Trong dịch, nhiều người hủy tour leo núi vào phút chót do phát hiện là F0.

Công ty làm tour chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, anh Nguyễn Đắc Hưng cho hay do dịch, lượng khách giảm, đồng thời tour bị hạn chế do chính sách của địa phương.

“Thời điểm này là đỉnh dịch nên nhiều khi khách đăng ký xong gần đến ngày đi thì F0 buộc phải hủy tour. Chúng tôi phải cân đối chính sách để áp dụng cho khách hàng như hoàn tiền hoặc lùi tour vào thời gian hợp lý hơn. Lịch trình trước giờ cũng đã tính cân đối cho trường hợp khách bị đuối thể lực, thường là cộng thêm 2-3 tiếng với thời gian tiêu chuẩn. Còn trong quá trình đi, tùy theo thực tế để có cách xử lý. Hy vọng dịch sớm qua để mọi thứ bình thường trở lại”, anh nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thiên Nhi (Zing News)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!