Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác báo chí ở Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” là khẩu hiệu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đối với lĩnh vực báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, những bài học của Người vẫn còn nguyên giá trị trong công tác báo chí ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo chí cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngay từ những ngày đầu trong hành trình tìm đường cứu nước. Rõ nét nhất là trong thời gian ở Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paris (Người Cùng Khổ). Hay khi ở Trung Quốc lại sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và đến ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên (Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) cũng được thành lập và phát hành số đầu tiên. Đây cũng chính là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn mang tên Nguyễn Ái Quốc sáng lập trực tiếp chỉ đạo.

Trong sự nghiệp, Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria, 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Tạp chí Đỏ (1930)…. Đồng thời, chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11/3/1951…

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác báo chí ở Việt Nam - 1

Ảnh tư liệu

Người là cây bút chủ chốt của nhiều tờ báo với hàng ngàn bài viết dưới nhiều bút danh khác nhau. Người không chỉ đăng ở báo trong nước mà còn các báo ở nước ngoài, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc và cổ vũ nhân dân các nước trên thế giới đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tác phẩm báo chí của Người đã lan tỏa được thông điệp, giá trị cũng như tư tưởng của một nhà lãnh tụ vĩ đại.

Cho đến ngày nay, đội ngũ người làm báo, các cơ sở đào tạo báo chí luôn khắc ghi những ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải đặt câu hỏi viết cho ai xem, viết để làm gì, viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc. Khi viết xong thì nhờ anh em xem”. Với Người, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Vì vậy, người làm báo không ngừng ra sức học tập, trau dồi nâng cao kiến thức, đặc biệt là xây dựng lòng tin và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Đặc biệt phải nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, quần chúng lao động”.

Những lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn là nguyên giá trị đối với đội ngũ người làm báo trên cả nước. Tính đến nay, cả nước có 868 cơ quan báo chí, trong đó có 184 cơ quan báo in, 660 tạp chí in, 24 cơ quan báo điện tử độc lập, với tổng số gần 20.000 nhà báo được cấp thẻ. Về phát thanh truyền hình có 2 đài phát thanh truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương và 5 đơn vị hoạt động truyền hình của các bộ ngành, với tổng số 87 kênh phát thanh và 191 kênh truyền hình.

Báo chí cách mạng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề thách thức đặt ra, điển hình nhất là báo chí chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, tình trạng báo chí xa rời tôn chỉ mục đích… Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận xa rời thực tiễn, thiếu đạo đức, trách nhiệm, chưa đi sâu sát vào quần chúng nhân dân; Người làm báo vi phạm pháp luật; Khuynh hướng của một số cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo vẫn đang còn chạy theo thông tin không chuẩn xác, giật gân, câu like, câu view, thiếu tính biểu dương người tốt, việc tốt… Ngược lại có khuynh hướng khai thác nhiều thông tin tiêu cực mặt trái của xã hội, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác báo chí ở Việt Nam - 2

Ảnh tư liệu

Học Bác trong làm báo

Trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển của công nghệ (cách mạng lần thứ tư) với trí tuệ nhân tạo ngày càng thâm nhập sâu, rộng trong mọi lĩnh vực, vì vậy người làm báo cần phải nêu cao giá trị để góp phần vào công cuộc xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong sạch, chân chính, hướng đến công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ Quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy. Để thực hiện việc này, tác giả khuyến nghị:

Một là, nâng cao sự hiểu biết nhận thức về lý luận chính trị, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ người làm báo, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp xu hướng của báo chí thế giới, khu vực. Từ đó, tuyên truyền thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả và trung thực đặc biệt là đối với loại hình báo điện tử, truyền hình.

Như Bác từng dạy: Nói đến báo chí, trước hết là phải nói đến những người làm báo, trong đó, cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Vì vậy, cán bộ báo chí cũng là "chiến sĩ cách mạng”. Vì vậy, người làm báo luôn phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, nhận thức như Người từng nhắn nhủ: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình, cần phải luôn luôn cố gắng mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Hai là, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách luật pháp liên quan đến hoạt động báo chí để các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo thực hiện đúng theo khuôn khổ quy định của pháp luật. Đối với các các cơ sở đào tạo về báo chí cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhận thức cũng như mục tiêu, lý tưởng của người làm báo để khi tốt nghiệp ra trường, các em sẽ trở thành những người đóng góp vào đội ngũ làm báo hoạt động chân chính, hiệu quả với “tâm sáng - lòng trong - bút sắc”.

Ba là, người làm báo cần thượng tôn pháp luật, có đạo đức và thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Bác dạy: “Một là phải tinh thông nghề nghiệp, hai là phải có đạo đức nghề nghiệp. Hai việc đó song hành, tinh thông tức là phải hiểu đúng, thấy đối tượng tuyên truyền cần gì để mình viết bài phục vụ cho điều đó và có những bài phục vụ cho chủ đề đó, có cách viết để đi vào lòng người. Đạo đức thì đã rõ, nếu không có đạo đức thì bất cứ việc gì cũng không làm được. Báo chí là vũ khí phê bình nhưng phải có cách phê bình, biết phê bình để nâng niu con người trở thành người tốt, chứ không phải để vùi dập con người. Báo chí là phương tiện hết sức quan trọng, phương tiện tuyên truyền, phương tiện tổ chức và phương tiện hướng dẫn dư luận.

Bốn là, báo chí nâng cao vai trò trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng lý luận. Thực tiễn cho thấy, qua các kỳ Đại hội hay trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận của Đảng về công tác báo chí trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của báo chí đối với công tác tuyên truyền bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước đấu tranh ngăn chặn phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Việc nhận thức đúng đắn, triển khai có hiệu quả trong thực tiễn về công tác báo chí ở mỗi cơ quan sẽ góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong xung kích nòng cốt của báo chí trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước đối với công tác báo chí cho phù hợp với tình hình của đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong cuộc cách mạng lần thứ tư, khi mà công nghệ - thông tin - truyền thông ngày càng xâm nhập vào mọi khía cạnh quy trình thực hiện sản phẩm báo chí. Song song đó, các cấp ủy Đảng thường xuyên thực hiện tốt công tác chỉ đạo định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí, đồng thời hỗ trợ giúp đỡ để phát huy tính chủ động sáng tạo thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan báo chí.

Có thể nói dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc, thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cổ động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Từ đó, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc không ngừng tiến lên, giành được nhiều thành tựu to lớn.

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật 2011.

2. Nguyễn Thị Hải, Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác báo chí hiện nay, Tạp chí Lịch sử Đảng, 2015

3. Nguyễn Quang Tạo, Lời Bác dạy báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Tuyên Giáo, 2021.

4. Phạm Văn Giang, Hà Thị Ánh Tuyết, Quan điểm của đảng về vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Lý luận chính trị, 2021.

5. Trần Thị Huyền Chang, Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong giai đoạn hiện nay, Khoa học chính trị, 2016.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đào Quý Lương – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đỗ Thị Tuấn - Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!