Các tỉnh, thành phố cùng nhau hiến kế phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM chủ động nâng cao chất lượng các sản phẩm sẵn có và xây dựng nhiều sản phẩm mới độc đáo; Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2045; Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam hình thành thương hiệu "Ba địa phương một điểm đến"...

Các tỉnh, thành phố cùng nhau hiến kế phát triển du lịch - 1

Du lịch TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ.

Ngày 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

TP.HCM xây dựng nhiều sản phẩm mới độc đáo

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong 10 tháng năm 2023, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị, TP. Thủ Đức và các quận huyện chủ động đề ra các giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển.

Thành phố đã chủ động nâng cao chất lượng các sản phẩm sẵn có và xây dựng nhiều sản phẩm mới độc đáo như mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm đặc trưng". Đến nay, các quận huyện đã xây dựng được 42 sản phẩm mới góp phần vào các điểm đến trên địa bàn Thành phố, phục vụ cho du lịch.

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong du lịch như công nghệ 3D, 360 độ trong thực hiện giới thiệu điểm đến đặc trưng của Thành phốNnhiều lễ hội, sự kiện mới, hiện đại như: Lễ hội sông nước, Tuần lễ du lịch, Lễ hội âm nhạc quốc tế… cũng được các sở ngành, đơn vị tổ chức nhằm thu hút khách.

Về thị trường, Thành phố đã phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nhiều nước để tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, du lịch TPHCM như đối với Australia, Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore… và phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 6 vùng trong cả nước nhằm kích cầu du lịch vùng, du lịch nội địa và tăng khách quốc tế cho địa phương.

Các tỉnh, thành phố cùng nhau hiến kế phát triển du lịch - 2

Trình diễn thuyền buồm Sailing, dù lượn , Flyboard, đua thuyền rồng… tại lễ hội sông nước TP.HCM.

Với những nỗ lực đó, 10 tháng qua, Thành phố đã đón tiếp khoảng 4,1 triệu khách quốc tế, đạt 82% so với kế hoạch năm và khách du lịch nội địa đạt hơn 30 triệu khách, tương đương 87% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt trên 140 nghìn tỷ đồng, vượt 16,7% so với kế hoạch năm 2023.

Kết quả này tuy đã đạt được chỉ tiêu mà Thành phố đã đặt ra nhưng tỉ lệ phục hồi so với trước khi có dịch vẫn còn chậm so với kỳ vọng.

Để du lịch phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt được tỉ lệ tăng trưởng như trước dịch và phát triển một cách bền vững, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai chiến lược phát triển du lịch TPHCM và thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ.

TP.HCM cũng có kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 94 năm 2021 và mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực. Ngoài ra, kiến nghị Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các nước để mở rộng thị phần ở thị trường trọng điểm và xúc tiến các thị trường tiềm năng; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị, trong các hoạt động xúc tiến của Nhà nước, kế hoạch quảng bá, xúc tiến cần được công bố sớm trước 1 năm để các địa phương, doanh nghiệp có điều kiện tham gia tốt nhất. Đồng thời triển khai hoạt động của Quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ thúc đẩy, phát triển ngành du lịch. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, hệ thống dữ liệu dùng chung về du lịch cũng như xây dựng điểm đến an toàn cho du khách.

Kiến nghị tiếp theo của TP.HCM là triển khai nhanh quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để các địa phương, doanh nghiệp chủ động triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển sản phẩm và đầu tư du lịch.

Đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc kế hoạch phục hồi phát triển du lịch Thủ đô. Bằng việc triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, du lịch của TP. Hà Nội đã có sự phục hồi phát triển và có nhiều kết quả khả quan.

Các tỉnh, thành phố cùng nhau hiến kế phát triển du lịch - 3

Xe hoa mùa thu Hà Nội đã hiện diện khắp nơi trong cả nước.

Năm 2023, dự báo khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu khách và tăng 27% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này mới bằng 83% so với năm 2019 (trước COVID-19), khách quốc tế đạt 4 triệu khách, tăng 8,1% so với năm 2022, cũng mới chỉ bằng 57% so với năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin về việc Hà Nội đã được các tổ chức quốc tế vinh danh, như giải thưởng "Điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022" và giải thưởng "Điểm đến tốt nhất thế giới 2023". Đây cũng là động lực thúc đẩy để du khách tiếp tục đến Hà Nội trong các năm sau.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2045. Trong đó xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội gồm: Khu du lịch quốc gia Ba Vì, Làng du lịch văn hoá dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Khu du lịch Hương Sơn (chùa Hương). Đây là 3 khu du lịch rất cần tiếp tục phát triển và thu hút đối tác đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu và ban hành các cơ chế chính sách về hỗ trợ từ nguồn NSNN cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu du lịch trọng điểm. Qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng để Hà Nội có căn cứ chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển hạ tầng du lịch.

Đối với Bộ VHTT&DL, Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có 2 kiến nghị: "Thứ nhất, đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế, thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có cơ hội tiếp cận các đôí tác tiềm năng. Thứ hai, Bộ VHTT&DL quan tâm, xây dựng 1 đề án tổng thể về xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó Bộ VHTT&DL là đơn vị chủ trì. Những năm vừa qua TP. Hà Nội cũng có hợp tác với CNN, tuy nhiên chúng tôi thấy việc này Bộ VHTT&DL triển khai toàn quốc sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn".

Triển khai liên kết vùng và hợp tác công tư

Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh sau đại dịch, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giải thích lý do: "Đà Nẵng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và da dạng hóa thị trường, sáng tạo và đổi mới trong công tác xúc tiến quảng bá truyền thông hình ảnh du lịch Đà Nẵng. Tất cả những hoạt động đó đã đạt được những kết quả, hiệu quả đáng khích lệ, lượng khách tăng mạnh qua các năm, đặc biệt có phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19".

Các tỉnh, thành phố cùng nhau hiến kế phát triển du lịch - 4

Cầu Vàng - điểm du lịch nổi tiếng thế giới của Đà Nẵng.

Ông Trần Chí Cường chia sẻ kinh nghiệm: "Một trong những giải pháp chúng tôi thấy quan trọng góp phần tạo nên thành công của du lịch Đà Nẵng và một số địa phương ở miền Trung là việc triển khai liên kết vùng và hợp tác công tư trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch".

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực ngày càng diễn ra gay gắt, việc liên kết và xây dựng thương hiệu tiếp thị điểm đến sẽ góp phần phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch; đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng và phát triển sản phẩm, du khách có nhiều sự lựa chọn, từ đó góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, hỗ trợ kết nối khai thác các tài nguyên sản phẩm du lịch.

Với những quan điểm như vậy, từ năm 2003 ngành du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các địa phương bên cạnh để xây dựng sản phẩm du lịch là "Con đường di sản thế giới tại miền Trung" và cũng đã phát triển khá hiệu quả trong quảng bá thu hút khách quốc tế. Đến năm 2006, trên cơ sở đó nâng cấp quan hệ phối hợp hợp tác liên kết giữa ba địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thành thương hiệu "Ba địa phương một điểm đến" để xây dựng các chương trình hợp tác liên kết, đặc biệt trong việc luân phiên nhau tổ chức các chương trình nội dung trong xúc tiến quảng bá thương hiệu chung của ba địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin thêm: "Đến năm 2021, chúng tôi đã đẩy mạnh mở rộng ra 5 địa phương thêm Quảng Bình, Quảng Trị để xây dựng thành chủ đề Miền di sản kỳ diệu".

Việc liên kết xúc tiến quảng bá như vậy đã giúp các địa phương giải quyết bài toán khó khăn về kinh phí trong hoạt động xúc tiến quảng bá và cùng nhau tham gia các hội chợ quốc tế có uy tín và tổ chức các chương trình quảng bá của 5 địa phương, xây dựng các sản phẩm chung góp phần quảng bá hình ảnh các địa phương ra thị trường khách quốc tế cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với nhau xây dựng các chuỗi sản phẩm, các tour, tuyến du lịch để phục vụ khách và được du khách đánh giá cao trong thời gian vừa qua.

Việc liên kết phối hợp công tư cũng được triển khai mạnh trong tổ chức các sự kiện lễ hội và các sự kiện thể dục, thể thao, văn hóa, ví dụ sự kiện pháo hoa của Đà Nẵng, giải golf BRG. Các sự kiện diễn ra ở Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng cũng được tính toán liên kết để tạo chuỗi sản phẩm dịch vụ và sự kiện thu hút khách đến miền Trung, đến với TP. Đà Nẵng cũng như đến với các địa phương.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!