Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hơn 40 năm phục vụ thực khách Thủ đô và quảng bá văn hóa phở đến thế giới, Phở Thìn trở thành một hình mẫu đáng học hỏi trong việc xây dựng, định hình và khẳng định giá trị truyền thống thông qua ẩm thực. Tuy nhiên, những lùm xùm gần đây đã khiến hình ảnh Phở Thìn không còn "tròn trịa" như xưa.

Phở Thìn Lò Đúc là thương hiệu do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng từ năm 1979, đã trải qua vô số những thăng trầm và khó khăn để đạt được tiếng vang như ngày hôm nay.

Với hương vị khác biệt của món "Phở bò tái lăn", Phở Thìn Lò Đúc trở thành một thương hiệu đặc trưng của món ngon Hà Thành. Đó cũng là nỗi niềm đau đáu của ông Thìn: làm sao để phát huy những giá trị tốt đẹp của món phở đến các thế hệ sau?

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 1

Ông Nguyễn Trọng Thìn - người gây dựng thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc. Ảnh: Kênh 14.

Năm 2019 đánh dấu sự phát triển của thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc, khi lần đầu tiên, thương hiệu vươn ra thị trường Nhật Bản và ra mắt một chi nhánh thứ hai tại Hà Nội. Trong những năm tiếp theo, Phở Thìn Lò Đúc tiếp tục tạo dấu ấn tốt đẹp tại thị trường các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, và Úc.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 2

Dấu ấn Phở Thìn tại Nhật Bản. Ảnh: VOV Du lịch.

Những tưởng Phở Thìn Lò Đúc đã có một cái kết viên mãn, sẽ tiếp tục gặt hái những thành công và đưa hình ảnh tô phở truyền thống của đất nước trở nên quen thuộc, gần gũi hơn với bạn bè năm châu. Tuy vậy, cũng giống như bao quá trình phát triển của nhiều thương hiệu khác, luôn có những rắc rối, mâu thuẫn phát sinh.

Liên tục tăng giá khiến cộng đồng bất bình

Dẫu biết "hữu xạ tự nhiên hương", khi hương vị món ăn đủ ngon để chinh phục khách hàng thì tự khắc thương hiệu sẽ tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hậu đại dịch, chỉ "ngon" là chưa đủ mà còn cần lắm sự tinh tế trong việc định giá.

Trong những ngày đầu năm 2022, cộng đồng yêu phở Hà Nội đã liên tục bày tỏ sự bất bình với Phở Thìn Lò Đúc khi quán quyết định tăng giá tô phở lên đến 90.000 đồng. Thậm chí, quán còn làm hẳn một “bảng cửu chương” giá phở mới treo trước quầy nấu để thực khách đến ăn không bị bỡ ngỡ.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 3

Một tô Phở Thìn có giá tận 90.000 đồng khiến nhiều người ngao ngán. Ảnh: Zing News. 

Đây cũng không phải lần đầu tiên Phở Thìn Lò Đúc gây tranh cãi với việc tăng giá. Từ mức giá 60.000 đồng trước đó, đến năm 2021, quán liên tục đẩy giá lên 70.000 đồng, rồi 80.000 đồng, và đỉnh điểm là 90.000 đồng, cao gấp ba lần mức giá bình quân của một tô phở nói chung ở Hà Nội.

Không ít thực khách trung thành với quán đã tỏ ra khó chịu vì cho rằng Phở Thìn Lò Đúc đang định giá món ăn này quá cao. Dạo một vòng các bình luận liên quan đến việc này, không khó để tìm thấy những ý kiến kêu gọi tẩy chay: "Với cái giá 90.000 đồng như bây giờ, em xin phép quay xe… Ngon nữa thì cũng chịu!", "trước mình cũng thích ăn phở Thìn, nhưng cái gì cũng phải vừa phải, giá cao quá so với mặt bằng thì không có tâm lắm, ăn vào cảm giác rất khó chịu vì bị ‘chặt chém’, cá nhân mình sẽ tẩy chay"…

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 4

Cư dân mạng phản ứng trước mức giá không thể chấp nhận của Phở Thìn. Ảnh: Infonet.

Trước sự phản ứng có phần dữ dội của cộng đồng mạng đã có không ít ý kiến phản biện bảo vệ Phở Thìn Lò Đúc. Vài người cho rằng "chỉ ăn phở thì không vô Thìn nên người vô Thìn thì không chỉ để ăn phở, cho nên đừng dạy những người vô Thìn cách tiêu tiền… Hãy đi ăn tô phở yêu thích của mình và để cho Thìn làm việc của Thìn nhé".

Thời điểm đó, truyền thông liên hệ với ông Nguyễn Trọng Thìn thì chỉ nhận được câu trả lời lạnh nhạt: "Hiện tôi đang đi vắng, tôi đang ở Côn Đảo nên không nắm được việc này và không nói được".

Loạt cửa hàng Phở Thìn Lò Đúc mọc lên như nấm sau mưa khiến dân tình hoang mang

Việc một thương hiệu nổi tiếng bị "sao chép" là việc không lấy làm lạ trong chuyện kinh doanh. Với Phở Thìn Lò Đúc hiển nhiên cũng không ngoại lệ.

Sau khi ra mắt chi nhánh thứ hai vào năm 2019, hàng loạt quán ăn mang biển "Phở Thìn 13 Lò Đúc" và logo thương hiệu xuất hiện nhan nhản khắp Hà Nội, khiến người dân hoang mang, không biết đâu là chính chủ. Tuy vậy, các hàng phở này vẫn có những nét khác biệt cơ bản ở màu sắc thương hiệu, không gian quán và nhất là thực đơn không hề đồng nhất. Không chỉ bán mỗi món phở bò tái lăn như chi nhánh đầu tiên, trong thực đơn còn có nhiều món phở khác và cả… món cơm.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 5

Hình ảnh một quán phở mang thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc. Ảnh: Kênh 14.

Nhiều thực khách đã ăn qua các quán phở này đều để lại nhận xét, rằng họ cảm nhận được có đôi chút khác biệt trong hương vị món phở bò tái lăn tại mỗi nơi. Một số khác lại cho rằng, việc cảm thấy hương vị khác biệt là do chủ quan của mỗi người nên chưa thể kết luận các hàng phở này là chính chủ hay không.

Để an toàn, đa phần thực khách Hà Nội đều chọn đến ăn tại chi nhánh gốc. "Mình không rõ các chi nhánh thế nào nên thôi cứ đi ăn ở hàng Lò Đúc cho chắc, đảm bảo thưởng thức đúng hương vị Phở Thìn Lò Đúc", một người dùng Facebook để lại bình luận.

Bị tố bán bản quyền thương hiệu, vi phạm thỏa thuận hợp tác

Cách đây ít ngày, mạng xã hội lại một phen dậy sóng khi xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều xoay quanh Phở Thìn Lò Đúc cũng như chuyện bán bản quyền cho các chi nhánh.

Cụ thể, nguồn cơn của sự việc rắc rối này xuất phát từ việc ông Nguyễn Trọng Thìn lên tiếng chỉ trích một nhân vật được báo chí ca tụng là "truyền nhân" của ông nhưng theo ông, đó chỉ là một "màn kịch".

Không lâu sau, một tài khoản Facebook mang tên N.T đã đăng bài tố ông Thìn với lý do ông đã hành xử sai khi vi phạm thỏa thuận hợp tác liên quan đến bản quyền thương hiệu. Cụ thể, người này cho biết, anh có mua bản quyền với giá 1.490.000.000 đồng từ ông chủ phở Thìn Lò Đúc dù sai công thức. Sau đó, khi đã mở 4 chi nhánh tại các địa điểm khác nhau thì anh bị cạnh tranh bởi chính ông chủ phở Thìn. Chủ nhân bài viết cũng nói thêm rằng, người sáng lập Phở Thìn Lò Đúc đã sai khi bán thương hiệu mà mình không sở hữu.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 6

Hình ảnh bài tố cáo ông Nguyễn Trọng Thìn đã sai khi bán thương hiệu mà mình không sở hữu. Nguồn: Facebook N.T.

Thông tin này lập tức gây "bão dư luận" khi ai cũng biết Phở Thìn Lò Đúc không chỉ là thương hiệu phở lâu đời ở Hà Nội mà còn nổi tiếng ở các quốc gia khác.

Trao đổi với báo chí, ông Thìn cho biết, đến nay, thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh. Ông cũng cho biết thêm, bản thân từng cho phép nhân vật "truyền nhân" của mình kinh doanh Phở Thìn nhưng người này đã tự ý thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn mà không thông qua ông. Thậm chí, trang Facebook tích xanh của Phở Thìn cũng không thuộc sở hữu của ông.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 7

Ông Nguyễn Trọng Thìn thông báo trên Facebook của mình bản thân không sở hữu trang Facebook Phở Thìn tích xanh. Nguồn: Facebook ông Nguyễn Trọng Thìn.

Theo thông tin tại website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thìn hay nhân vật "truyền nhân" kia vẫn chưa đăng ký thành công nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Như vậy, hiện tại, cả hai đều chưa nắm trong tay quyền bảo hộ thương hiệu này.

Buồn của Phở Thìn: Từ ‘hét’ giá đến lùm xùm bản quyền thương hiệu - 8

Thông tin trên website của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam về tình trạng bản quyền thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc. Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Câu chuyện Phở Thìn đặt ra một thực trạng phổ biến của các hộ kinh doanh tại Việt Nam. Không ít thương hiệu lâu đời, doanh nghiệp truyền thống đã chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến việc thương hiệu bị mất vào tay người khác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

B.T. (Tổng hợp)