Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hội đua bò Bảy Núi là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khơmer vùng Bảy Núi nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hội không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống mang đậm chất nhân văn, mà ngày Hội đua bò còn là môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang.

1. Giới thiệu đôi nét về vùng Bảy Núi huyện Tri Tôn, Tịnh Biên tỉnh An Giang và Hội đua bò Bảy Núi

1.1. Vùng Bảy Núi huyện Tri Tôn, Tịnh Biên tỉnh An Giang

Bảy Núi có tên chữ là Thất Sơn, đây là vùng đất gồm 7 ngọn núi không liên tục, đột khối giữa mênh mông đồng bằng phẳng lặng phù sa của dòng Mê Kông huyền bí trên vùng đất Chín Rồng và nằm trọn trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Dân cư ở đây đã tận dụng lợi thế địa hình, sống tập trung quanh các chân núi, xen kẽ địa hình bằng phẳng được sử dụng làm đất canh tác. Chính vì vậy, cảnh sắc của vùng Thất Sơn - Bảy Núi lộng lẫy hơn hẳn các vùng khác, vì có núi, có cánh đồng bằng phẳng dưới tán cây thốt nốt và các vùng dân cư khiêm cung nhỏ bé tạo nên tính cách con người nơi đây cũng hiền lành, nhường nhịn. Cảnh vật nơi Bảy Núi An Giang thật yên bình tách rời hoàn toàn với thế giới ồn ào, náo nhiệt bên ngoài.

Huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên của tỉnh An Giang là 2 huyện thị miền núi, biên giới có đông đồng bào Khơmer sinh sống (huyện Tri Tôn khoảng 51.000 người, chiếm 34,15% dân số toàn huyện; thị xã Tịnh Biên có khoảng 34.000 người, chiếm 25,02% dân số toàn thị xã). Người Khơmer nơi đây ngoài những điểm chung của đồng bào Khơmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn có những nét văn hóa đặc sắc riêng có của vùng Bảy Núi. Đồng bào Khơmer ở đây cư trú theo phum, sóc, có nơi sống đan xen với dân tộc Kinh, Hoa; họ luôn giữ vững tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, từng bước ổn định cuộc sống và làm giàu trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Khơmer ở đây đến nay vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của đồng bào mình.

1.2. Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang

Hội đua bò Bảy Núi là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khơmer vùng Bảy Núi nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hội không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống mang đậm chất nhân văn, mà ngày Hội đua bò còn là môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang. Hội đua bò được tổ chức trùng với lễ hội Đôn ta (lễ cúng ông bà) được diễn ra từ ngày 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch hàng năm (nếu tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch).

Vùng đất Tri Tôn - Tịnh Biên có kết cấu địa chất đặc biệt mà các nhà địa chất học gọi là vùng đất chân ruộng trên, là vùng đất bán sơn địa, đất pha cát, thổ nhưỡng cao ráo, phù hợp dùng bò làm sức kéo, nghĩa là có lớp cát làm nền móng, phía dưới và trên đó là lớp bùn mỏng, nên khi chịu một trọng lượng nhất định của đôi bò chạy thì sẽ không bị lún, sụt như những vùng đất khác trong tỉnh và sẽ giúp cho bò chạy nhanh hơn, cây bừa và người điều khiển lướt trên mặt bùn cảm giác nhẹ như không. Vì vậy, chỉ vùng này mới tổ chức được Hội đua bò mà thôi.

Giống bò được chọn đua phải là giống bò Sóc/bò cỏ khỏe, cày giỏi và phải là bò đực đã được thiến khoảng 02 năm nên rất hiền, không hung hăng, khi thi đấu chạy dũng mãnh nhưng khi hết hội lại trở về với công việc thường ngày cày bừa, kéo xe…

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số quy định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau... Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn - cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc.

Sáng sớm bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò. Có người ở cách xa hàng vài cây số cũng mang theo cả xoong, nồi, mắm, muối nấu ăn tại chỗ để xem cho trọn vẹn cuộc đua. Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.

Trường đua là một khoảng ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m có nước xăm xắp, được "trục" xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Hội đua bò hiện nay vốn được bắt nguồn từ những dịp lễ hội Đôn-ta hằng năm, đồng bào Khơmer từ các phum, sóc mang bò đến ruộng của chùa để cày, bừa, làm đất, chuẩn bị cho vụ cấy lúa (còn gọi là cấy lúa ruộng trên do đây là vùng cao gần chân núi, ruộng có độ dốc gần giống như ruộng bậc thang). Trong lúc nghỉ ngơi, các chủ bò rủ nhau đua bò kéo bừa quanh mảnh ruộng để xem bò ai khỏe hơn. Dần dần, đua bò trở thành môn thể thao truyền thống được yêu thích của người dân nơi đây.

Trước đây tại các chùa, các vị sư sãi đứng ra tổ chức để các cặp bò đua với nhau. Phần thưởng cho đôi bò giỏi nhất chỉ là những chiếc lục lạc mầu vàng, nhưng đó sẽ là niềm tự hào của phum, sóc có đôi bò thắng cuộc, bởi phần thưởng mang đến hy vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Sự độc đáo của môn thể thao đua bò vùng Bảy Núi là đôi bò đua kéo theo cây bừa chạy trên mặt ruộng xâm xấp nước, chứ không phải kéo xe đua trên đường. Nài bò là những nông dân chính hiệu, cầm dây cương và cây xà-lul (gậy có đầu đinh nhọn) đứng trên bừa, rồi thúc bò vun vút lao về đích.

Không như đua ngựa, hai đôi bò được bố trí xuất phát trên cùng một đường đua, nhưng cách nhau chừng 5m. Tương tự, cũng sẽ có hai điểm về đích trước và sau dành cho đôi bò đi trước và đi sau. Vì thế, đôi bò phía sau không hề bị bất lợi. Tuy nhiên, theo quy định, trong vòng hô (đi chậm) đôi bò đi sau không được vượt qua đôi bò đi trước hoặc giẫm vào bừa của đôi bò trước, phạm quy sẽ bị xử thua. Đến vòng thả thì hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật của từng nài bò. Có những đôi bò bị bỏ ở khoảng cách rất xa, nhưng đến vòng thả lại bất ngờ tăng tốc lao vun vút về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Nghe thì có vẻ thấy dễ dàng nhưng quả thật là rất khó. Bởi đôi bò khi tăng tốc về đích chạy với tốc độ cao có thể lên 20 đến 30 km/giờ, nài bò phải đứng một chân trục bừa, chân còn lại đặt trên gọng giữa, tay thì vung cây xà-lul đâm mũi đinh nhọn vào lưng bò để chúng đau mà tăng tốc. Những cú đâm phải canh đúng thời điểm và trúng vào cạnh sườn bò thì chúng mới lao nhanh. Đua bò khó hơn đua ngựa vì nài phải đứng vắt vẻo trên cây bừa không có một điểm tựa nào cho nên rất dễ bị té ngã. Điều này đòi hỏi nài bò phải rất thành thục và khéo léo.

Với những nét đặc sắc nêu trên, ngày 19 tháng 01 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL về việc đưa “Hội đua bò Bảy Núi - An Giang” vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những giá trị và ý nghĩa to lớn của Hội đua bò vùng Bảy Núi đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơmer nơi đây.

2. Giá trị, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang

2.1. Giá trị, ý nghĩa về mặt văn hóa tinh thần

Hội đua bò Bảy Núi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện quá trình liên kết cộng đồng, trở thành một sự kiện văn hóa, một dạng thể thao đại chúng gần gũi với cộng đồng phum sóc, trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơmer vùng Bảy Núi, cũng như một dạng thức sinh hoạt giao lưu văn hóa và thể thao lành mạnh của cộng đồng địa phương và các địa phương lân cận.

Hội đua bò vùng Bảy Núi được ra đời và phát triển từ điều kiện tự nhiên và cơ sở xã hội mang tính đặc trưng của người Khơmer An Giang. Tín ngưỡng thờ bò từ cội nguồn văn hoá Bà-la-môn mà đồng bào Khơmer đã tiếp nhận cả nghìn năm trước khi chịu ảnh hưởng của Phật giáo là tiềm thức trú ngụ trong văn hóa dân gian và sự gần gũi, trân quý loài động vật làm sức kéo sinh kế của cộng đồng mình.

Hội đua bò Bảy Núi An Giang là di sản văn hóa bảo lưu ký ức tộc người, là chiều sâu của bản sắc và được giữ gìn qua những biến động của lịch sử và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Trong suốt chiều dài thời gian đó, đồng bào Khơmer Bảy Núi đã hun đúc, gìn giữ và trao truyền nhiệt huyết tình cảm đối với con bò và Hội đua bò, từ hình thức đua bò kéo xe trên lộ cho đến đua bò bừa dưới ruộng.

Điều đáng lưu ý là, dù đua bò kéo xe (xe bò) như ngày xưa hay bò kéo bừa như hiện nay thì cách thức tiến hành cuộc đua đều mang tính mô phỏng hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày của đồng bào Khơmer vùng Bảy Núi. Do đó, có thể xem Hội đua bò ở đây như một hình thức khuyến nông tự phát nẩy sinh từ ý thức trọng nông của cộng đồng nông dân Khơmer Bảy Núi. Đồng thời, do con bò gắn liền với đời sống nông nghiệp của cư dân địa phương nên hội đua bò có thể xem như một hành động ma thuật nhằm cầu mong cho gia súc mạnh khoẻ, mùa màng thuận lợi, đời sống ấm no.

Đặc biệt, Hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào thời điểm mùa mưa bắt đầu nặng hạt, giai đoạn thời tiết không thuận lợi khiến bò dễ bị bệnh, nên Hội đua này còn mang ý nghĩa như là cách tạo ra một “thời điểm mạnh” về mặt tinh thần để bò vượt qua bệnh tật. Do đó, Hội đua còn là sản phẩm của sự thích nghi với thời tiết. Ngoài ra, những phẩm chất dũng mãnh, điêu luyện của cặp bò và tài xế trong cuộc đua bò như thể góp phần khuyến khích nghề nuôi bò nói chung và thuần dưỡng bò nói riêng để đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất ở vùng đất bán sơn địa có địa hình phức tạp, hiểm trở như vùng Bảy Núi.

Bên cạnh đó, khác với các cuộc đua thú thông thường (thú đua thường rất hung hãn), Hội đua bò Bảy Núi chỉ dung nạp được những cặp bò đua hiền lành (bò đực đã thiến khoảng hai năm), vì nếu không sẽ dễ dàng vi phạm luật đua và thua cuộc ngay từ đầu. Như thế, ngay từ trong luật chơi, Hội đua bò Bảy Núi cũng đã thể hiện rõ nếp sống hiền lành, chân chất và điềm đạm của người dân nơi đây.

Đua bò Bảy Núi diễn ra vào giai đoạn tiểu nông nhàn, nằm trong giai đoạn cầu bông của cư dân nông nghiệp lúa nước. Do đó, đây chính là một Lễ hội nông nghiệp điển hình của đồng bào Khơmer Bảy Núi. Ngoài ra, Hội đua bò này còn nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Cúng Ông bà (Sel-Dolta), một hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm tưởng nhớ ông bà quá vãng và các vong hồn không nơi nương tựa (cô hồn), tương tự như lễ Vu Lan và thí thực cô hồn vào rằm tháng 7 của người Việt, nên càng mang ý nghĩa về nguồn. Đây thực sự là “thời điểm mạnh” của cộng đồng cư dân Bảy Núi trong việc củng cố nhiều vẻ đẹp văn hoá truyền thống đáng quý: Lòng hiếu thảo, đức vị tha xen lẫn tinh thần thượng võ và ý chí quả cảm trong cuộc sống.

Hơn thế nữa, Hội đua bò truyền thống của đồng bào Khơmer Bảy Núi luôn diễn ra tại đám ruộng chùa, nằm sát sân chùa, do nhà chùa tổ chức và phát giải. Từ năm 1992, chính quyền địa phương mới đứng ra tổ chức nhưng vẫn phải dựa vào nhà chùa, vì hệ thống nhà chùa chính là thiết chế văn hoá quan trọng nhất của đồng bào Khơmer. Tất cả những điều đó cho thấy rõ, Hội đua bò Bảy Núi không phải chỉ là hoạt động thể thao mang tính giải trí đơn thuần mà nó nằm trong hệ thống lễ hội nông nghiệp lúa nước của đồng bào Khơmer ở vùng đất bán sơn địa, và gắn với tín ngưỡng thờ bò của đạo Bà-la-môn cũng như truyền thống Phật giáo Nam tông. Do đó, có thể nói Hội đua bò này chính là một dạng thức đặc trưng nhất của văn hoá nông nghiệp Khơmer vùng Bảy Núi.

Hàng trăm năm qua cho đến nay, Hội đua bò Bảy Núi vẫn giữ được khí thế hừng hực nhiệt huyết của cả cộng đồng. Mặc dù đua bò hiện tại không đem lại một nguồn lợi thực tế trước mắt nào đáng kể nhưng hầu như các gia đình có nuôi bò đều háo hức muốn tham gia đua bò và chờ đợi ngày Hội đua bò được diễn ra mỗi năm chỉ một lần duy nhất. Hội đua bò thu hút không chỉ lực lượng thanh niên nam nữ háo hức tham gia, mà còn có cả các cụ già và trẻ em trong vùng và vùng lân cận.

Ngoài ra, không gian sân đua mở thoáng tối đa (hình thức đám ruộng có bờ mẫu lớn xung quanh) và việc không có (đúng hơn là không cần) rào chắn ngăn cách đường đua với khán giả cũng đã chỉ rõ tính cộng đồng và hoà hợp cao của Hội đua bò Bảy Núi. Đặc biệt, đua bò từ chỗ là một hình thức sinh hoạt văn hoá cổ truyền của đồng bào Khơmer, từ lâu đã có người Việt tham gia, thậm chí nhiều năm quán quân vô địch chính là người Việt. Đồng thời, nhiều lần thi đấu có cả các cặp bò ở các tỉnh khác của Đồng bằng sông Cửu Long và ở nước bạn Campuchia tham gia. Điều đó cho thấy sức thu hút mãnh liệt và tính chất liên kết cộng đồng mạnh mẽ của Hội đua bò Bảy Núi cũng như sự lan tỏa giá trị và ý nghĩa văn hóa sâu sắc của loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.

2.2. Giá trị, ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế, du lịch

Thông qua Hội đua bò được tổ chức hàng năm, các mặt hoạt động kinh tế, du lịch của địa phương vùng Bảy Núi và các vùng lân cận được mở rộng. Đây sẽ là cơ hội phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước từ các hoạt động du lịch lữ hành và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài tỉnh.

Những năm qua du lịch ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã đạt được những kết quả khá ấn tượng về số lượng người đến với Hội đua bò kết hợp với du lịch tâm linh ở các di tích lịch sử - văn hóa vùng Bảy Núi và một số vùng phụ cận.

Hàng năm để luân phiên đăng cai Lễ hội đua bò Bảy Núi tranh cúp truyền hình An Giang, Ủy ban Nhân dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã cùng đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực để thực hiện những hoạt động, sự kiện nhằm xây dựng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu, quảng bá thế mạnh về tiềm năng du lịch nhằm thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận cư dân vùng Bảy Núi, nhờ đó du lịch văn hóa - lịch sử vùng Bảy Núi đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua.

2.3. Giá trị, ý nghĩa về mặt trao truyền, giáo dục di sản; tôn vinh, hỗ trợ nghệ nhân trong thực hành di sản

Với những nét đặc sắc riêng có của mình cũng như những giá trị, ý nghĩa về mặt văn hóa tinh thần không chỉ đối với đồng bào Khơmer nói riêng mà còn đối với các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, Hội đua bò Bảy Núi có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo tồn, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối hôm nay và mai sau thông qua các hoạt động giáo dục trường học, giáo dục di sản ở các hệ đào tạo khác nhau.

Bên cạnh đó, việc lan tỏa và trao truyền các giá trị văn hóa cốt lõi của di sản chủ yếu là do các nghệ nhân, tài xế và chủ bò thực hiện tại gia đình, dòng họ và phum sóc hoặc tại các ngôi chùa có bò đua. Vì vậy, Hội đua bò Bảy Núi còn mang nhiều giá trị, ý nghĩa tôn vinh, hỗ trợ các nghệ nhân trong thực hành di sản, vì điều này sẽ tạo động lực để họ tích cực tham gia, gìn giữ và trao truyền tình yêu, lòng nhiệt huyết và sự đam mê đối với Hội.

3. Những vấn đề đặt ra và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang

3.1. Những vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, xu thế mở cửa và giao lưu hội nhập trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Hội đua bò Bảy Núi cũng đặt ra một loạt những vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo cho việc giữ gìn và phát huy giá trị, ý nghĩa của Hội trong thời gian tới một cách tốt nhất.

Trước hết đó là Thách thức đối với chủ thể văn hóa - Cộng đồng người Khơmer ở các phum sóc

Hội đua bò có thể gặp phải nguy cơ tuột khỏi tầm tay của cộng đồng - chủ thể văn hoá ban đầu của di sản. Có nhiều lý do dẫn tới nguy cơ này. Một khi giải thưởng quá cao thì các chủ bò tham gia có thể tìm cách để cặp bò của mình thắng bằng mọi giá (như tiêm thuốc kích thích cho bò trước khi đua). Mặt khác, một số kỳ đua bò, vì để nâng cao giải thưởng, Ban tổ chức phải bán vé để có nguồn thu, gây trở ngại cho người dân trong việc tiếp cận một sản phẩm văn hoá truyền thống. Nhiều ý kiến từ các nhà quản lí còn muốn đề xuất biến đua bò thành một sản phẩm du lịch để phục vụ thường xuyên cho du khách, hoặc đề xuất tổ chức đua bò vào những ngày lễ lớn của đất nước nhằm tạo sự kiện văn hoá để chào mừng. Những đề xuất này nếu thành hiện thực sẽ có nguy cơ tách rời Hội đua bò ra khỏi lễ cúng Ông bà (Sel-Dolta), nghĩa là tách ra khỏi chủ thể văn hoá, ra khỏi không gian và thời gian văn hoá vốn có của di sản để trở thành một bộ môn thể thao chuyên nghiệp. Trong trường hợp đó Hội đua bò chắc chắn sẽ mang một diện mạo khác, hoàn toàn xa lạ với Hội đua bò truyền thống của cộng đồng Khơmer vùng Bảy Núi.

Thứ hai là về Phương tiện đua bò - Bò đua và chiếc bừa ruộng

Tri Tôn và Tịnh Biên hiện nay có trên 40.000 con bò, bình quân cứ 3 hộ thì có 2 hộ có nuôi bò, mật độ cao gấp hơn 10 lần các huyện còn lại trong tỉnh. Chủ trương xoá đói giảm nghèo trên địa bàn Bảy Núi theo Đề án 25 xác định thế mạnh của loại hình chăn nuôi bò lấy thịt cũng chính là một cơ hội để nghề nuôi bò ở Bảy Núi càng thêm phát triển. Tất nhiên, mục đích của Đề án 25 là xoá đói giảm nghèo, chỉ chú trọng phát triển bò lai Sind và bò lai Brahman để lấy thịt. Bên cạnh đó, bò lai cũng được huấn luyện để kéo xe, làm đất. Nếu không có sự quan tâm duy trì và phát triển bò Sóc/ bò cỏ tứclà loại bò đang dùng để đua sẽ khan hiếm dần, đó là chưa nói bò đua hầu hết đều phải là bò đực đã thiến khoảng 2 năm. Mặt khác, rất cần quan tâm đến sức bền của bò đua, vì các đôi bò thi đấu vẫn giữ được chất lượng qua từng trận đấu là tiêu chí hết sức quan trọng để cuộc đua càng vào sâu càng hấp dẫn. Như vậy, việc quan tâm duy trì giống bò vừa để đáp ứng nhu cầu sức kéo, cày bừa, vừa để đua trong dịp lễ Sel-Dolta, tức duy trì thực hành một di sản văn hóa đã được ghi danh rất cần sự quan tâm đầu từ thích đáng. Bên cạnh đó đã xuất hiện một vài ý kiến cho rằng cần thay thế chiếc bừa đua hiện nay bằng một loại phương tiện đua chắc chắn và hiện đại hơn.

Thứ ba là về Cơ sở vật chất - Trường đua và vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội

Hiện nay do quỹ đất để xây dựng trường đua ngày một hạn hẹp, việc qui hoạch khu vực làm trường đua cũng gặp những khó khăn nhất định. Nền đất thích hợp để làm trường đua không nhiều cũng là một thách thức đối với Ban tổ chức Hội đua. Bên cạnh đó, sức chứa của trường đua không đủ đáp ứng số lượng người xem lên đến gấp chục lần. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên, do chen lấn, tranh chấp, cự cãi để giành chỗ ngồi mà đỉnh cao là nạn khán giả tràn xuống sân, lấn hẳn ra đường đua. Do đó, để chuẩn bị tốt công tác bảo vệ giữ gìn trật tự xã hội, Ban tổ chức thường củng cố nâng chất lượng hoạt động đội bảo vệ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng công tác; hợp đồng thêm nhân viên nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ trong những ngày lễ hội. Lực lượng bảo vệ được phân công trực đảm bảo tình hình trật tự trong khuôn viên trường đua, giải quyết việc mua bán hàng rong trong khu vực diễn ra lễ hội, các trò chơi mang tính cờ bạc… và các đối tượng lợi dụng sự trà trộn vào khu vực trường đua trộm cắp tài sản của du khách và gây rối mất an ninh trật tự.

Thứ tư là về Cơ cấu giải thưởng và cơ chế hoạt động của Hội, thể lệ cuộc thi

Giải thưởng cao có thể làm người tham gia đua bò tìm mọi cách để thắng cuộc nhưng giải thưởng thấp sẽ không đủ bù đắp cho người tham gia dự thi. Những năm gần đây giải thưởng khoảng vài chục triệu đồng cho cặp bò thắng cuộc, có cao hơn trước đây, nhưng vẫn chưa tương xứng với giá trị kinh tế tự thân của cặp bò (mỗi cặp bò đua trị giá khoảng 100 triệu dồng). Đua bò chẳng may gặp tai nạn, bò hoặc tài xế bị thương vong thì chủ bò bị thiệt hại lớn mà nếu có thắng thì giải thưởng cũng không bù đắp nổi. Cũng có trường hợp sau khi giành giải cao thì giá trị cặp bò thắng cuộc được nâng lên hàng trăm triệu đồng, nhưng số thắng cuộc như thế chỉ là cá biệt. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp bảo đảm sự an toàn và bù đắp tương đối thỏa đáng để chủ bò yên tâm tham gia Hội đua (như hỗ trợ mua bảo hiểm cho bò đua tham gia, tài xế…).

Sớm hoàn thiện thể lệ đua bò, trong đó bảo gồm cả việc tổ chức các vòng loại từ cấp xã, huyện và vòng chung kết. Năm 2015, số lượng bò đăng ký ít hơn những năm trước đó, do hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cùng tổ chức diễn ra trong một ngày. Điều này không chỉ làm giảm quy mô, cấp độ Hội thi, ảnh hưởng đến sức hút của khán giả đến xem mà còn giảm giá trị của di sản.

3.2. Một số giải pháp về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang

Năm 2016 Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đây có thể coi là sự ghi nhận giá trị và ý nghĩa to lớn của Nhà nước đối với Hội. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia Hội đua bò Bảy Núi tỉnh An Giang đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian tới, xin đưa ra một số giải pháp sau:

3.2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về giá trị và ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy di sản

Có thể nói, điều kiện tiên quyết để bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi An Giang là phải thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xây dựng ý thức bảo tồn môi trường văn hóa, không gian văn hóa đã sản sinh và lưu giữ di sản như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên về giá trị, lòng yêu mến và trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Hội đua bò nói riêng.

Đối với Hội đua bò cần chú trọng bảo vệ không gian văn hoá phum sóc của đồng bào Khơmer và đặc biệt là thiết chế văn hoá của ngôi chùa Nam tông Khơmer như là cái nôi của văn hoá Khơmer.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân gian ngoài diện rộng cần chọn điểm đột phá, đó chính là lễ hội dân gian, vì đây chính là môi trường tập hợp và thăng hoa nhiều giá trị văn hoá dân gian nhất. Trên địa bàn Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên) thì Hội đua bò được tổ chức vào dịp Lễ cúng ông bà Sel-Dolta chính là lễ hội truyền thống lớn nhất, thu hút người tham gia và thưởng thức đông nhất.

Bên cạnh đó cần khai thác giá trị di sản văn hoá dân gian thông qua giá trị thẩm mỹ, vì chính nó có tính lan toả và tạo cảm hứng mạnh mẽ cho mọi hoạt động sáng tạo của con người. Tính thẩm mỹ trong Hội đua bò Bảy Núi, về nội dung chính là tinh thần thượng võ còn về hình thức chính là các hoa văn trang trí trên chiếc bừa, cây xà-lul và các vật trang sức cho bò đua.

Công tác tuyên truyền nhằm duy trì hoạt động và quy trình tổ chức Hội đua bò Bảy Núi hàng năm thông qua hình thức ghi âm, thu hình để phát lại thường trực ở khu vực Bảy Núi trong những ngày thường để du khách tham quan, hành hương đến viếng Chùa Khơmer có cơ hội xem lại những hoạt động, lịch sử hình thành và phát triển của Hội đua bò Bảy Núi, góp phần tìm hiểu di tích lịch sử, tín ngưỡng văn hóa và tạo không khí lễ hội trong những ngày thường. Sưu tầm, tập hợp tư liệu, hiện vật, chuẩn bị điều kiện xây dựng phòng trưng bày di sản văn hóa Hội đua bò Bảy Núi, An Giang.

3.2.2. Đầu tư kinh phí từ các cơ quan nhà nước và huy động các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hội đua theo hình thức xã hội hóa

Để Hội đua bò vùng Bảy Núi không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mà trong tương lai không xa sẽ vươn lên tầm quốc tế nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với hội đua thì việc đầu tư kinh phí từ các cơ quan nhà nước và huy động từ nguồn xã hội hóa là vô cùng cần thiết.

Trước hết, Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường xá, khách sạn, nhà hàng… đáp ứng nhu cầu của du khách (xây dựng khuôn viên để xe cho khách tham quan, nhà nghỉ chân, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan các di tích, danh thắng của địa phương cũng như các vùng lân cận)... Bên cạnh đó tạo ra chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Bảy Núi với các huyện, thị lân cận như Châu Đốc, Thoại Sơn…

Đầu tư và phát triển lễ Hội đua bò phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và di sản văn hóa của cộng đồng tộc người địa phương. Du lịch thường đi kèm với suy thoái môi trường. Nếu đầu tư và phát triển Hội đua bò không có kế hoạch và chiến lược bài bản thì nó sẽ làm xói mòn và phá hủy hết cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và những di sản văn hóa truyền thống địa phương. Hội đua bò có liên quan chặt chẽ đến mùa vụ và sản xuất nông nghiệp, vì vậy, việc bảo tồn và phát huy Hội đua bò phải gắn liền với đầu tư bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc huy động các nguồn lực thông qua quảng cáo truyền hình, báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu công tác tổ chức và gia tăng giá trị giải thưởng xứng đáng cho từng cặp bò đua, cần thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho công tác tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng tốt hội thi và đãi ngộ nghệ nhân.

Trước đây bò đua trong phạm vi phum sóc. Hiện nay, do tổ chức đua vòng huyện, vòng tỉnh nên bò phải di chuyển xa. Do đó, cần có nguồn kinh phí tài trợ để bồi dưỡng cho chủ bò và các cặp bò đua nhằm bảo đảm sức khoẻ phục vụ cuộc đua.  Đầu tư phương tiện kỹ thuật, lắp đặt các camera tại các điểm quan trọng trên đường đua, phục vụ giám sát và dùng làm căn cứ để giải quyết khiếu nại của các đội đua (nếu có).Trang bị áo giáp cho các tài xế điều khiển bò đua, hạn chế nguy cơ thương vong cho nghệ nhân. Trước mỗi hội đua cần tổ chức mua bảo hiểm cho tài xế và bò đua để yên tâm thi đấu hết mình.

Hội đua bò chỉ có thể bảo tồn và phát huy tốt trong không gian văn hóa truyền thống mà nó được sinh ra. Do đó cần bảo tồn những nét đặc trưng văn hóa của các cộng đồng địa phương, trước hết quan tâm duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống. Chính những ngành nghề truyền thống này sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng. Những sản phẩm này khách sẽ mua khi đến tham quan, vừa tạo thu nhập vừa là sản phẩm văn hóa. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: đan lát, thổ cẩm, chế biến nông sản… đặc trưng luôn hấp dẫn du khách.

Bên cạnh sự đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước thì về lâu dài cũng rất cần nghiên cứu, xây dựng Đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa Hội đua bò Bảy Núi An Giang cho từng giai đoạn nhằm tạo cơ chế và điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư và tổ chức hội đua nhằm giữ gìn và phát huy tốt di sản văn hoá địa phương. Việc bảo vệ và phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hội đua bò Bảy Núi phải gắn liền với phát triển du lịch bền vững tại địa phương trên cơ sở phát triển của các doanh nghiệp du lịch và công ty lữ hành, sớm đưa Hội đua bò vào danh mục các sản phẩm du lịch độc đáo của vùng Bảy Núi để di sản và du lịch có sự tương hỗ phục vụ phát triển bền vững địa phương.

Ban hành chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân… quan tâm đóng góp, thực hiện công tác xã hội hóa, đầu tư kinh phí cho Hội đua bò (các chính sách đó có thể là giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất… nếu việc đầu tư đó trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ nhu cầu bảo tồn, phát huy và phát triển Hội đua bò).

3.2.3. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý và tổ chức hoạt động của Hội đua

Hiện nay Hội đua bò Bảy Núi không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc Khơmer, một dân tộc ít người, sinh sống lâu đời và có bề dày lịch sử-văn hóa ở Nam Bộ, mà nó đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản này liên quan đến nhiều sở, ban, ngành trong tỉnh và cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ bên cạnh vai trò vô cùng quan trọng của chủ thể (cộng đồng người Khơmer vùng Bảy Núi). Để công tác bảo tồn và phát huy ngày càng đạt được hiệu quả cao, cần phải nâng coa hơn nữa công tác quản lý và tổ chức hội đua của các cấp, các ngành trong tỉnh An Giang, mà trước hết là Sở văn hóa, thể thao và du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang là cơ quan quản lý Nhà nước, giữa vai trò chỉ đạo và định hướng tổ chức lễ hội. Sở có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để có những chủ trương, xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, không tổ chức Hội với hình thức sân khấu hóa nhằm tránh phô trương, lãng phí. Việc quản lý, tổ chức Hội đua bò Bảy Núi cần đảm bảo tạo sự đồng bộ, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia tổ chức Hội đua bò Bảy Núi như: Lực lượng quản lý Nhà nước, lực lượng tác nghiệp chuyên môn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sư sãi - achar, các cá nhân trực tiếp tham gia trong quá trình tổ chức v.v… Cần có chính sách khích lệ, động viên, tạo điều kiện nuôi dưỡng tâm huyết, nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể… tích cực tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý và khai thác nhằm phát huy giá trị của Hội đua bò Bảy Núi.

Do chủ thể của di sản văn hóa là cộng đồng Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên do đó cần quy định duy trì tổ chức luân phiên chung kết cấp tỉnh mỗi năm tại một huyện, không tổ chức chung kết Hội thi cấp huyện riêng lẽ. Các cặp bò dự thi chung kết (cấp tỉnh) được mỗi huyện lựa chọn tham gia trên cơ sở các cuộc thi cấp xã. Hạn chế thi cấp cơ sở nhiều lần làm giảm chất lượng bò đua qua từng trận đấu… Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh nhắc nhở, xử lý vi phạm, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi cá độ, lừa gạt khách tham quan, các hoạt động mê tín dị đoan.

Để bảo tồn và phát huy tốt Hội đua bò, đẩy mạnh phát triển du lịch, tỉnh cần sớm tổ chức cuộc thi vẽ logo, slogan và đăng kí thương hiệu Hội đua bò Bảy Núi An Giang, đồng thời một số di sản văn hóa độc đáo, đặc sản riêng ở vùng Bảy Núi cũng cần được đăng ký thương hiệu để giới thiệu và bán các đặc sản của địa phương cho du khách. Quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn của Ban tổ chức và Tổ trọng tài, đáp ứng yêu cầu chấm thi, giám sát, kiểm tra đảm bảo tinh thần thể thao và tính khách quan, công bằng cho cuộc thi. Xây dựng và ban hành quy chế, thể lệ đua bò Bảy Núi với những quy định chặt chẽ, chi tiết đảm bảo sự công bằng, chính xác, an toàn cho Hội đua bò (kể cả quy định về trang phục)… Đấu tranh chống các hành vi cá độ dựa vào kết quả của các hiệp đua bò để đảm bảo Hội đua không bị chi phối của các động cơ phi thể thao.

Thành lập Câu lạc bộ (CLB) hoặc Hội đua bò theo đơn vị chùa (các chùa trên địa bàn cấp xã). Tạo điều kiện thuận lợi để các CLB có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, rèn luyện kỹ năng, nâng cao chất lượng hội thi…  Xây dựng chương trình tổ chức Hội chợ triển lãm hoặc giới thiệu sản phẩm địa phương, như: lễ hội trái cây Bảy Núi, triển lãm các sản phẩm của cây thốt nốt, các nông sản của vùng nhằm tạo nên những sắc thái mới cho Hội đua bò Bảy Núi.

3.2.4. Nâng cao năng lực thực hành và chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân tham gia Hội đua

Có thể nói Hội đua bò Bảy Núi là hành trình tìm về và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương vùng Bảy Núi, trong đó vai trò của chủ thể mà trước hết là các “tài xế” - nghệ nhân của di sản. Do đó, để bảo tồn và phát huy di sản Hội đua bò phải nâng cao năng lực thực hành và đãi ngộ cho các nghệ nhân. Năng lực thực hành phải được nhìn nhận một cách tổng thể, không riêng gì bản thân việc thực hiện cuộc đua mà phải bao gồm thực hành đời sống văn hóa đặc trưng và độc đáo của cộng đồng.

Hội đua bò xuất phát từ nhu cầu của quá trình lao động sản xuất của chính người dân địa phương, thể hiện dấu ấn văn hóa và sinh hoạt lao động sản xuất của các cộng đồng tộc người địa phương. Do đó chỉ chủ thể sản sinh ra lễ hội mới tham gia cuộc thi. Đây là yếu tố quyết định tính bền vững trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Hội đua bò vùng Bảy núi An Giang. Nếu chính quyền can thiệp quá sâu hoặc có sự tham gia của các tộc người khác sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa, thậm chí có thể gây ra phản ứng ngược và dẫn đến sự mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa chủ thể với chính quyền. Điều này, đã xảy ra trong một số lễ hội ở nước ta.

Nghệ nhân chính là chủ thể, hạt nhân của hội thi. Đãi ngộ nghệ nhân chính là đãi ngộ người lưu giữ, trao truyền di sản. Nếu không có sự đãi ngộ thiết thực cho nghệ nhân trong việc truyền nghề thì sẽ dẫn đến nguy cơ thất truyền ngày càng cao. Chính sách về thù lao giúp nghệ nhân có thể sống và truyền nghề và đúc kết lại những kinh nghiệm lưu truyền trong nhân dân. Do đó cần sớm thực hiện xây dựng hồ sơ nghệ nhân, gồm: Các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe, năng lực, các danh hiệu đã đạt được. Chọn lựa những nghệ nhân có đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đối với những nghệ nhân chưa đủ tiêu chuẩn đạt danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP) nhưng nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành và có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thì cũng cần có tiêu chí phong tặng cấp tỉnh, nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích sự đóng góp của họ cho hội thi. Sự tôn vinh này chính là nền tảng cho sự kế thừa, duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản độc đáo vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ThS. Đặng Thị Bích Phượng. Học viện Chính trị khu vực II