Nông dân TP.HCM "bắt trend" livestream để bán đặc sản OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM sẽ xây dựng cẩm nang "bí kíp" chinh phục sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đặc biệt là các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố

TP.HCM lên giải pháp mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP 

TP.HCM đang nỗ lực mở rộng đầu ra cho 143 sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") thông qua thương mại điện tử, đặc biệt là bán hàng livestream. Đây được xem là bước đi chiến lược trong việc tận dụng xu hướng bán hàng qua livestream đang nở rộ để hỗ trợ các sản phẩm đặc sản tiếp cận khách hàng.

Nông dân TP.HCM "bắt trend" livestream để bán đặc sản OCOP - 1

Livestream bán đặc sản OCOP tại Cần Giờ

Hồi tháng 10/2023, gần 30 nhà sáng tạo nội dung và nhà bán hàng tiêu biểu đã được mời tham gia hàng loạt phiên livestream trong ngày hội ứng dụng chuyển đổi số vào kinh doanh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của TP HCM. Sự kiện này đã thu hút hơn 350.000 người xem và mang về doanh thu 900 triệu đồng, theo ghi nhận của TikTok Shop.

Trong số các sản phẩm được giới thiệu, nhiều đặc sản được sản xuất ngay tại TP HCM nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng – nơi có nhiều sản phẩm OCOP nhất của địa phương như tổ yến, khô cá dứa một nắng, mật dừa nước, xoài và tôm các loại.

Nông dân TP.HCM "bắt trend" livestream để bán đặc sản OCOP - 2

Các hội chợ, triển lãm nông sản tại TP.HCM hầu như đều có livestream bán sản phẩm

Bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc quản lý nhà máy Yến Đảo Cần Giờ, cho biết, Cần Giờ là vùng nuôi yến lớn nhất cả nước với 520 nhà yến, sản lượng 14-15 tấn mỗi năm. Một nửa doanh số của công ty này hiện đến từ bán hàng online qua các sàn như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop. "Chúng tôi sẽ kết hợp với TikTok Shop để đẩy mạnh tiêu thụ và tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến," bà Diệu cho hay.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) cũng đã đạt được nhiều đơn hàng bán bột rau OCOP thông qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Tại sự kiện "chợ phiên OCOP" ở huyện Cần Giờ, công ty đã chốt được 200 đơn hàng, bằng doanh số nửa tháng.

Nông dân TP.HCM "bắt trend" livestream để bán đặc sản OCOP - 3

Nguyễn Ngọc Hương, Phó Giám đốc công ty Thiên Nhiên Việt

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó Giám đốc công ty, chia sẻ: "Nông dân có lợi thế khi bán hàng qua livestream vì người mua thường bị thu hút bởi cảm xúc khi nghe chính những người nông dân giới thiệu về sản phẩm của mình."

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, nhận xét rằng sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM tham gia vào sàn thương mại điện tử còn quá thấp, chưa đến 5%. "TP HCM mong muốn thông qua kênh thương mại điện tử, nông dân và doanh nghiệp sẽ tiếp cận thị trường cao cấp hơn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp TP HCM," ông Phú cho biết.

Để đạt được mục tiêu này, ông Phú cho biết, trong vòng 1 tháng, TP HCM sẽ xây dựng 5-10 mô hình, chuỗi sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử TikTok nhằm đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ nông sản. "Chúng ta sẽ xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, đồng thời phối hợp với các sở ngành và địa phương để triển khai mạnh mẽ các hoạt động này," ông Phú nói.

Lên sàn thương mại và livestream không dễ

Trong khoảng ba năm trở lại đây, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, và Postmart. Gần đây nhất, một tân binh trong mảng TMĐT là TikTok cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm OCOP khi lên sàn TMĐT vẫn được phân loại như những sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin về các sản phẩm OCOP, do đó họ không ưu tiên lựa chọn trong giỏ hàng. Nhiều chủ thể OCOP nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như kinh doanh trên các nền tảng số, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.

Nông dân TP.HCM "bắt trend" livestream để bán đặc sản OCOP - 4

Khu vực sản phẩm OCOP của một sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam nhưng trống trải và không có sản phẩm OCOP nào của TP.HCM

Thực tế cho thấy, khi dạo quanh các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada, các sản phẩm OCOP thường không có cột riêng trong danh mục sản phẩm, khiến người tiêu dùng phải tìm kiếm cụ thể bằng từ khóa “sản phẩm OCOP” mới có thể nhìn thấy. Riêng tại Postmart, danh mục ngành hàng có mục sản phẩm OCOP, nhưng mức độ nhận diện trên thị trường của Postmart chưa thể so sánh với các tên tuổi lớn.

Mức độ phổ biến và tìm kiếm của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm OCOP 3 sao, chưa cao. Kênh phân phối ít, giá bán và hiệu quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phụ trách quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam, cho biết: "Nếu như cách đây 1 năm, mở TikTok Shop không tìm thấy sản phẩm OCOP nào, thì hiện nay đã có 16.000 video do các chủ thể OCOP livestream, tiếp cận được 1,6 tỷ người xem. Đến thời điểm này, có 3.000 nhà bán hàng nông sản bán tốt trên TikTok với doanh số trên 100 tỷ đồng."

Ông Toàn cho biết TikTok Shop là nền tảng giải trí kết hợp mua sắm với tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên, tỷ lệ nhóm hàng nông sản trên nền tảng này còn thấp. Ông Toàn kể về một trường hợp bán sầu riêng tươi qua livestream với sự tham gia của 15 KOL và KOC, thu về 1,2 tỷ đồng trong 20 phút, nhưng sau đó shop bị khóa do không kịp giao hàng đúng như mô tả, dẫn đến phản hồi tiêu cực.

Ông Toàn nhấn mạnh rằng để thành công trên TikTok Shop, các nhà bán hàng cần phải chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng, cách đóng hàng và đảm bảo giao hàng kịp thời. Ông cũng chia sẻ "3 bí kíp" để thành công trên TikTok Shop là "đúng – đủ – đều", nhấn mạnh rằng các chủ thể OCOP cần tham gia khóa đào tạo “Chương trình hạt giống OCOP” để có kiến thức đúng, đầu tư nhân sự và sản phẩm để đạt yếu tố đủ và đều là phải đăng tải video đều đặn, tránh gián đoạn.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, nhấn mạnh rằng với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, sản xuất nông nghiệp TP.HCM chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố cần tập trung vào nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Phú cũng giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp phối hợp với Phòng Kinh tế, Hội Nông dân các quận huyện tổ chức thêm các buổi hội thảo để kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp với TikTok Shop, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên nền tảng số.

Ông Phú cũng cho biết, thành phố sẽ xây dựng cẩm nang hướng dẫn quy trình và phương thức tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 15 tháng 5 năm 2024, tại huyện Bình Chánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM phối hợp với UBND huyện Bình Chánh và nền tảng TikTok Shop đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024. Chủ đề của hội nghị là “Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP TP.HCM trên nền tảng số”.

Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM; ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh; ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Quan hệ Chính phủ, TikTok Shop Việt Nam và gần 200 đại biểu từ các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, cùng các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Anh