Đà Lạt chuẩn bị vào mùa Tết
Đà Lạt tổ chức cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Các dòng sản phẩm cà phê OCOP 4 sao được sản xuất, chế biến tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn TuPoh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Ảnh: Văn Việt
Để đảm bảo cung ứng hàng hoá kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá trong 2 tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh hàng hóa khẩn trương dự báo nhu cầu tiêu dùng và sản xuất về hàng hóa trên thị trường.
Các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tổ chức cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023; đăng ký kế hoạch dự trữ và bán hàng bình ổn thị trường.
Lâm Đồng ưu tiên cung ứng hàng hóa phục vụ Tết là hàng Việt, chú trọng tới 3 nhóm hàng chính là: Nhóm lương thực (gạo, nếp, đậu xanh); nhóm thực phẩm (muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, giò, chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích, bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, hạt bí, sữa các loại); nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây).
Ban quản lý chợ và doanh nghiệp quản lý chợ sớm triển khai tới các thương nhân kinh doanh trong chợ về xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đăng ký kế hoạch bán hàng bình ổn thị trường và tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết. Đồng thời, trong thời gian từ nay đến hết Tết Nguyên đán năm 2023, phối hợp với các thương nhân kinh doanh trong chợ thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng nhiều hàng sau Tết.
Sau 2 năm thị trường trầm lắng vì dịch Covid-19, dự báo nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm nay, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ hoạt động mạnh. Trước thực trạng đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa thiết yếu thực hiện trên thị trường toàn tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các địa phương trong tỉnh để có giải pháp chỉ đạo nhằm đảm bảo đáp ứng số lượng, chất lượng hàng hóa theo nhu cầu của nhân dân với giá cả hợp lý; kịp thời phát hiện các hành vi gian lận thương mại, an toàn thực phẩm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đà Lạt đang kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách trên địa bàn, đặc biệt là xe hợp đồng...