Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ khi sinh ra, mỗi người dân làng Quả Cảm đều coi Đền Bà Chúa Kho là nơi thờ cúng linh thiêng, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân làng.

Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, chúng tôi lái xe dọc Quốc lộ 1A, men theo chỉ dẫn tới đền Bà Chúa Kho ở làng Quả Cảm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, lúc xế chiều. Cách Hà Nội hơn 40km, ngôi làng cổ tuyệt đẹp bên bờ sông Cầu thơ mộng này là quê hương và là nơi chôn cất di hài của Bà Chúa Kho.

Hàng năm, đúng ngày Mùng 10 tháng Giêng, người dân làng Quả Cảm lại tập trung về đền làng tổ chức Lễ hội Đền Bà Chúa Kho để dâng hương, tưởng nhớ công ơn của Bà.

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 1Tới đền Bà Chúa Kho 1 ngày trước khi diễn ra Lễ hội, chúng tôi được người dân tiếp đón nhiệt tình, dẫn đi tham quan từng tòa kiến trúc, lăng mộ trong đền. Tương truyền, Bà Chúa Kho là người phụ nữ quê làng Quả Cảm, nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng Quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1077). Bà còn có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp người dân khai khẩn đất đai nông nghiệp.

Trên bia đá ở lăng mộ Bà Chúa Kho phía sau đền có viết: "Bà được vua rất sủng ái, phong là Hoàng Phi Đệ Tam Cung, ban cho Bà 72 trang ấp làm bổng lộc. Bà mất ngày 10 tháng Giêng. Nhà vua vô cùng thương tiếc truy phong Bà làm Hoàng hậu và đưa thi hài Bà về quê làng Quả Cảm để chôn cất. Nơi đây là lăng mộ Bà Chúa và cũng là đền thờ Bà Chúa".

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 2Thần tích của Bà có 3 đạo sắc phong, một cuốn thần phả, một bản văn tế bản đức, đền thờ mộ chí của Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử  - Văn hóa năm 1991.

Ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Đền Bà Chúa Kho còn được gọi là đền Quả Cảm, thuộc cụm di tích đình, đền, chùa thôn Quả Cảm, có tên gọi là Di tích lịch sử phòng tuyến sông Như Nguyệt, trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077. Nơi đây không chỉ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng được người dân duy trì, phát huy mà còn có ý nghĩa sâu xa, gắn liền với lịch sử dân tộc".

Cụm di tích là minh chứng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Tống, nối liền toàn bộ chiến tuyến từ Ngã Ba Xà đến sông Lục Đầu. Ngoài ra, nơi đây cũng lưu giữ nhiều di vật có giá trị ở các thời Lý, Trần, Lê…, là nguồn tài liệu quan trọng cho việc tìm hiểu thêm về lịch sử, bàn tay khéo léo, bộ óc sáng tạo của cha ông ta.

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 3Buổi tối, chúng tôi nghỉ ngơi tại homestay Quan Họ villa. Ở đây, chúng tôi được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên của làng quê bình yên và được đắm mình trong những làn điệu quan họ mộc mạc du dương từ những nghệ nhân của làng. 

Ngay từ tờ mờ sáng hôm sau, không khí rộn ràng đã lan tỏa từ đầu làng đến cuối xóm. Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được tổ chức vào đúng ngày giỗ của Bà. Đặc biệt, lễ rước lớn sẽ tổ chức 5 năm một lần với nhiều nghi thức, tập tục quan trọng được người dân lưu truyền suốt hàng trăm năm.

Sau 3 năm tạm ngưng vì dịch COVID-19, năm nay, người dân tổ chức làm lễ rước lớn từ đình làng Quả Cảm đến đền Bà Chúa Kho. Lễ rước diễn ra linh đình với nhiều nghi thức long trọng được truyền lại từ xa xưa, những màn múa lân đặc sắc trong tiếng kèn, trống vang rền. Đoàn rước diện trang phục truyền thống với hai màu đỏ - vàng đặc trưng, cờ, hoa rực rỡ, người bê tráp, người khiêng kiệu… Theo sau là các cụ ông, cụ bà và dân làng nối đuôi nhau xếp thành hàng dài, rộn ràng, náo nhiệt tiến về phía đền Bà Chúa Kho.

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 4Quãng đường từ đình Quả Cảm đến đền Bà Chúa Kho dài chưa đầy 1km. Tới nơi, nhiều người dân địa phương, khách hàng hương đã chờ đón sẵn ở cổng đền. Người sắm mâm lễ với xôi gà, rượu thịt tươm tất, người chỉ đơn giản đinh vàng, thẻ hương hay mâm ngũ quả..., miễn là thành tâm cầu khẩn, dâng lên đức Bà. Du khách tới lễ bái, dâng hương, cầu mong một năm bình an, tốt lành, sức khỏe dồi dào, tình duyên, công danh thuận lợi…

Là một trong những vị cao niên dẫn đầu đoàn rước lễ, cụ ông Nguyễn Văn Tuyến, 73 tuổi, hồn hậu chia sẻ: “Đất Quả Cảm lành, người dân Quả Cảm rất mến khách. Ai ai đến đây thành tâm lễ bái đều được hưởng lộc của Bà, được bà con Quả Cảm tiếp đón nhiệt tình, mời lại ăn cơm để thụ lộc".

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 5Lễ rước và các nghi thức kéo dài trong hơn 2 tiếng. Sau đó, người đến lễ bái, dâng hương từ khắp nơi nối đuôi nhau đổ về nườm nượp. Bất kể ai đến đây đều được dân làng mời ở lại uống nước, dùng cơm, chuyện trò thân mật. 

Ông Cáp Văn Lý, trưởng khu Quả Cảm, nắm chặt tay chúng tôi thân tình: “Người Quả Cảm luôn mến khách, luôn trân quý giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Chúng tôi đang và sẽ trao truyền nét đẹp văn hoá của người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Từ đến bà Chúa Kho, đi thêm vài trăm mét du khách có thể đến Đền Cùng Giếng Ngọc, một di tích cũng nổi tiếng ở làng Diềm, xã Hoà Long. Cách đó khoảng 2km, du khách có thể lên để sông Cầu ngắm cảnh bãi dâu bến nước, bên kia sông là làng Thổ Hà, làng Vân nổi tiếng.

Về làng Quả Cảm, nghe chuyện Bà Chúa Kho - 6Ông Nguyễn Hữu Mạo cho biết, Ban quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực hướng tới việc gắn kết, quảng bá các điểm đến, phối hợp giáo dục con em, người dân địa phương về giá trị, ý nghĩa của các cụm di tích trên địa bàn tỉnh.

"Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng Nghị quyết Văn hóa số 71 với nội dung chỉ rõ việc phát huy, khai thác tiềm năng du lịch của hệ thống lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có phường Hòa Long. Chúng tôi sẽ kết hợp với địa phương, các đơn vị xúc tiến, doanh nghiệp lữ hành, du lịch để quảng bá, khai thác, biến tiềm năng đó thành kinh tế”, ông Mạo chia sẻ.

Chia tay đền Bà Chúa Kho, trên đường rời làng Quả Cảm để về lại Thủ đô, văng vẳng bên tai chúng tôi vẫn là tiếng nói cười, lời chào tạm biệt và hẹn ngày gặp lại của những người dân địa phương mến khách…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc Trang

CLIP HOT