Ngày xuân tìm hiểu về Hội Gầu Tào của đồng bào Mông Trạm Tấu - Yên Bái
Những ngày đầu xuân hàng năm, cũng như cộng đồng người Mông trong cả nước, đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái có nhiều lễ hội mang tính cộng đồng. Trong các lễ hội đó, phải kể đến Lễ hội Gầu Tào được tổ chức vào dịp đón năm mới.
Lễ hội Gầu Tào được đồng bào Mông ở Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tổ chức vào dịp đón năm mới để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn đến đây để mong cầu về đường con cái.
“Người Mông chúng tôi, từ xa xưa khi gia đình có người ốm đau mãi không khỏi thì họ sẽ đi cúng quả đồi, nếu khỏi ốm thì năm đầu tiên sẽ cúng một con gà, năm thứ hai cúng một con lợn, năm thứ ba cúng một con trâu. Lễ hội tổ chức nhằm tạ ơn thần núi, thần trời đã phù hộ gia đình, cộng đồng được may mắn, không ốm đau bệnh tật, cầu lộc con cái...”- thầy cúng Mùa A Páo đã làm chủ lễ cho Lễ hội Gầu Tào rất nhiều năm nay ở địa phương cho biết.
Phục dựng lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Trạm Tấu Yên Bái tại ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc tại tỉnh Lai Châu.
Lễ hội Gầu Tào thường được đồng bào bắt đầu bằng việc chọn ngày đẹp, đốn và dựng cây nêu treo dải vải đỏ cùng chiếc khèn Mông ở bãi đất trống. Sau khi việc dựng cây nêu đã hoàn tất, bà con dân bản gần xa đều biết nơi sẽ tổ chức Lễ hội gầu tào và nô nức rủ nhau đi hội.
Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng, chủ lễ sẽ cùng mọi người đặt bàn lễ và bày đồ lễ ngay chân cột nêu. Lễ vật cúng gồm: giấy cúng, một bát gạo, một bát nước, một bầu rượu, tám chén được chia đều đặt ở bốn góc bàn lễ, đặc biệt lễ vật không thể thiếu được là con gà trống.
Để bắt đầu phần lễ cúng, chủ lễ sẽ thắp hương, vái lạy 4 phía rồi tiến hành vái cúng cầu mệnh “Năm cũ đã qua, năm mới đã đến, gia chủ con và bà con trong bản tổ chức lễ hội cúng cầu mong thần núi, thần trời, thần linh phù hộ cho gia chủ con, bà con trong bản sang năm mới mạnh khỏe, không ốm đau, bệnh tật, phát triển sản xuất, chăn nuôi, gia súc đầy chuồng, thóc ngô đầy bịch. Tôi xin tạ ơn thần núi, thần trời rượu ngon và gà trống để tỏ lòng biết ơn...”.
Hát giao duyên, múa khèn Mông trong lễ hội Gầu Tào.
Sau khi cúng xong, chủ lễ sẽ cầm 2 cái âm dương được làm bằng sừng trâu tung lên. Nếu các thần linh nhất trí lời thỉnh cầu và tạ ơn của gia chủ và bà con thì âm dương sẽ thể hiện cả 2 mặt ngửa. Nếu các thần linh đã nhận được lời thỉnh cầu thì âm dương sẽ thể hiện 1 mặt ngửa, 1 mặt úp. Nếu thần linh che chở, phù hộ thì âm dương sẽ thể hiện 2 mặt cùng úp.
Kết thúc phần cúng cầu mệnh. Chủ lễ sẽ thực hiện nghi thức cắt tiết gà trống rồi mang đi luộc để tạ ơn thần linh. Tiết gà sau khi cắt sẽ được thầy cúng quét lên giấy cúng rồi đặt lên bàn cúng. Người Mông cho rằng có như vậy thì thần linh mới nhận được lễ vật và lời thỉnh cầu của gia chủ và bà con.
Các trò chơi dân gian tại lễ hội Gầu Tào
Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ sẽ đốt giấy cúng tại 4 góc bàn tượng trưng cho thần núi, thần trời, thần đất cai quản 4 phương. Sau đó thông báo với bà con kết thúc phần Lễ và rót rượu để các cô gái Mông mời bà con và du khách dự hội cùng uống rượu.
Lễ hội Gầu Tào chỉ thật sự sôi động khi bước sang phần Hội. Bà con dân bản cùng vui mừng, tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc Mông. "Kết thúc phần lễ, ngày xưa các cụ còn có Hội đua ngựa, mỗi bản sẽ chọn một con ngựa khỏe nhất để đua. Bây giờ thường là tổ chức hát giao duyên, mua khèn; cùng các trò chơi dân gian như: ném pao, bắn nỏ,đẩy gậy, đánh tu lu, kéo co... để mừng Hội Gầu Tào”- Thầy cúng Mùa A Páo cho biết thêm.
Trò chơi kéo co trong lễ hội Gầu Tào.
Người Mông quan niệm “Con gái Mông phải biết may vá, thuê thùa, con trai Mông phải biết thổi khèn, múa khèn”. Thổi và múa khèn thể hiện sự tài hoa, khéo léo và sức mạnh của người đàn ông dân tộc Mông. Vì thế, nhiều chàng trai vừa đến vui Hội Gầu Tào, vừa thể hiện tài năng múa khèn của mình. “Hội Gầu Tào tổ chức để bà con đến vui chơi, không những vậy còn là đến để cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an cho tất cả mọi người. Là thế hệ trẻ, em mong muốn tiếp tục gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đó có Lễ hội Gầu Tào mà cha ông đã để lại”- anh Ly A Chính, một người dân ở địa phương tự hào nói.
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức hàng năm là dịp để đồng bào Mông gắn tình đoàn kết trong cộng đồng thôn bản và gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc bao đời nay.
Tục lấy nước đầu năm là một nét văn hóa đẹp của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng; cầu cho một năm mới ấm...